Đức Giê-su là một trong những vấn nạn làm nhức nhối bao nhiêu đầu óc, trí tuệ được xem là uyên bác của nhân loại, từ cổ chí kim và từ đông sang tây. Nhưng với hơn 2 tỷ tín hữu trên toàn thế giới hiện nay, thì Đức Giê-su lại là Đấng Ki-tô, là Đấng Cứu Thế, Đấng Cứu độ, vị Cứu Chúa và là vị Minh Chúa của họ. Vậy, để hiểu Đức Giê-su là vấn nạn hay huyền nhiệm, chúng ta nên hiểu rõ khái niệm về vấn nạn và huyền nhiệm.
Vấn nạn – huyền nhiệm
Đứng trước những thực tại như cái chết, đau khổ, sự dữ… lí trí con người bị dội lại, không sao giải thích một cách thỏa đáng được. Vì thế, người ta rơi vào tình trạng bế tắc, thấy toàn là những điều khó hiểu, phi lý. Còn một số người không chấp nhận sự phi lý này nên nổi loạn, bất mãn, chống đối và cuối cùng rơi vào tình trạng tuyệt vọng, không có lối thoát.
Nhưng đối với những người biết đặt niềm tin vào Thiên Chúa, thì những thực tại mà người không tin cho là phi lý, thì với những người tin, lại là những huyền nhiệm. Huyền nhiệm có nghĩa là những thực tại này không phải không hiểu được, nhưng sẽ được Thiên Chúa cho người ta hiểu từ từ, theo cách và vào những thời điểm mà Thiên Chúa muốn. Như vậy, cuộc sống con người khi phải đối diện với chọn lựa những thực tại khó hiểu, không hiểu, chưa hiểu thì phải chọn lựa: hoặc là phi lý, hoặc là huyền nhiệm. Phi lý sẽ dẫn người ta tới bế tắc và có khi còn rơi vào tự sát. Trong khi đó, huyền nhiệm sẽ cho chúng ta một hy vọng, để đón chờ sự hé lộ những bí mật của thực tại mà bây giờ chúng ta chưa thể chạm tới.
Đức Giê-su – vấn nạn hay huyền nhiệm !
Đối với Đức Giê-su cũng như vậy. Ngài trở thành vấn nạn hay huyền nhiệm, tùy thuộc vào lòng tin của mỗi người. Với những người chưa có lòng tin như Tiểu vương Hê-rô-đê, thì Đức Giê-su là vấn nạn làm sao có thể giải thích được. Làm sao chỉ cần một lời của Ngài phán ra thì bệnh tật, sóng biển, ma quỷ và cả thần chết phải nghe theo ? Làm sao năm chiếc bánh và hai con cá lại làm cho 5.000 người ăn no lại còn dư được 12 thúng bánh vụn. Chuyện chưa bao giờ xảy ra trong thế giới này. Làm sao các nhà khoa học giải thích được ! Phi lý và bế tắc. Nhưng rất tiếc những sự kiện này xảy ra ban ngày, trước mặt nhiều nhân chứng và xảy ra nhiều lần chứ không phải một lần. Chẳng lẽ Đức Giê-su sử dụng nghệ thuật thôi miên hay công nghệ ảo ? Hay đám người này là những người bị bệnh hoang tưởng hoặc bị tâm thần ảo giác? Nếu để tâm suy xét cho nghiêm túc, thì tất cả những gì Đức Giê-su thực hiện đều là những sự kiện rõ ràng, cụ thể có thời gian, không gian, bối cảnh, diễn tiến xảy ra sự kiện với những nhân chứng, vật chứng hiển nhiên, chứ không phải là những giả định, giả thuyết.
Bài đọc thêm: Sóng chìm hay sóng ngầm
Đức Giê-su là ai !
Chúng ta biết rằng chỉ có một người có khả năng hiểu rõ chính mình, biết mình là ai mới có được câu trả lời chính xác về chính họ. Người đó không ai khác là chính họ. Đức Giê-su có lần cũng đã nói rõ rằng không ai biết được những chuyện trên trời, ngoại trừ người đó từ trời mà đến. Không ai biết rõ Người Cha ngoại trừ Người Con và những ai mà Người Con muốn mặc khải cho. Bởi thế, chỉ có Thiên Chúa mới biết rõ Người Con của mình và nói rõ cho chúng ta biết về Ngài. Qua thánh Phê-rô, Thiên Chúa Cha đã tỏ cho ông biết Thầy là Đấng Ki-tô của Thiên Chúa. Đấng Ki-tô nghĩa là Đấng được Thiên Chúa Cha xức dầu tấn phong và sai đi làm Vua, làm Chúa, làm Ngôn sứ. Nhưng có lẽ vẫn chưa diễn tả đầy đủ về Đấng Ki-tô, nên Đức Giê-su đã điều chỉnh lại : Đấng Ki-tô đó đến trần gian để làm Vua, làm Chúa không phải bằng sức mạnh của vũ lực mà bằng chính tình yêu dành cho Thiên Chúa là Cha của Ngài và cho toàn thể nhân loại này. Đấng đó sẽ lên Giêrusalem, sẽ bị giao nộp, đánh đòn, bị giết chết bởi các kinh sư và biệt phái. Nhưng sau ba ngày, Đấng đó sẽ chỗi dậy để làm Vua, làm Chúa của toàn thể vũ trụ vạn vật này. Như vậy, Đức Giê-su chính là Đấng được Thiên Chúa Cha xức dầu tấn phong, được sai đến cứu chuộc trần gian này bằng cuộc khổ nạn và phục sinh vinh hiển của mình và trở thành Vị Vua, thành Vị Thiên Chúa của tất cả chúng ta.
Cầu nguyện
Nguyện xin Đức Giê-su là Đấng Ki-tô ban cho chúng con lòng tin, lòng mến, lòng cậy trông vào Chúa. Nhờ đó, chúng con sẽ nhận ra được bao nhiêu điều thú vị, hữu ích cho mình, khi chúng con biết đi trên con đường cứu độ, con đường tình yêu mà chính Chúa đã đi và mời gọi chúng con cùng đi với Chúa mỗi ngày. Amen.
Bài đọc thêm: Sứ mệnh và thách đố
Lm.Gioan Lưu Ngọc Quỳnh, CSsR
Truyền Thông Sinh Viên Công giáo