Con người chúng ta thường có xu hướng với chính mình thì dễ dàng, buông thả; với người khác thì lại đòi buộc nghiêm khắc, kỷ luật. Trong khi đó, Đức Giê-su lại yêu cầu chúng ta sống ngược lại với xu hướng đó; với chính mình thì phải cẩn trọng, nghiêm túc, còn với người khác thì luôn phải bảo dung, quảng đại. Cụ thể, Đức Giê su cảnh báo chúng ta đề phòng:
Làm cớ vấp ngã cho người khác
Vì thích sống buông thả, thoải mái trong lời nói, việc làm, cách ăn mặc… mà không hề để ý đến những ảnh hưởng, tác động của mình lên người khác, nên chúng ta rất dễ làm cớ cho người khác vấp ngã phạm tội. Cũng chính vì thế mà Đức Giê-su nói rõ :”không thể không có những cớ làm cho người ta vấp ngã”. Quả thật, trong cuộc sống hàng ngày, có vô số ánh mắt, cử chỉ, lời nói, thái độ chúng ta thực hiện cách tự nhiên, không có chủ đích, ác ý làm tổn hại đến người khác. Nhưng trong thực tế, những gì do chúng ta tạo ra, tưởng là vô sự, vô tội lại có thể gây ra những chấn thương và để lại những hậu quả đớn đau kinh hoàng trên tâm thức của người khác. Chẳng hạn, một lời nói dối, việc bạo hành người khác, sự say xỉn, chửi bới, lè nhè, khoác lác hay một sự bất cẩn trong đời sống tính dục như xem phim sex, sinh hoạt vợ chồng… trước mặt trẻ nhỏ đều có khả năng tàn phá và hủy diệt cả con người của trẻ nhỏ mà bố mẹ không mấy khi nghĩ tới. Vì hậu quả kinh hoàng của những gì mà người lớn cho là vô sự gây nên cho những người khác, nhất là những trẻ nhỏ, nên Đức Giê su đã nói những lời rất nặng, rất thật cốt để nhắc nhở, cảnh tỉnh những người này : “Nhưng khốn cho kẻ làm cớ cho người ta vấp ngã ! Thà buộc cối đá lớn vào cổ nó và xô xuống biển, còn lợi cho nó hơn là để nó làm cớ cho một trong những kẻ bé nhỏ này vấp ngã”. Có một em nhỏ, học xuất sắc, nhưng vì bố đi đâu cũng khoe khoang nên em đã trả thù bố bằng cách không học giỏi nữa, làm cho một trí tuệ thông minh trở nên tàn lụi. Cũng có em chỉ vì bố uống rượu rồi chửi bới cả ngày nên em đã tự tạo ra hội chứng điếc tự do cho mình; nghĩa là khi nào bố chửi bới là tai em tự đóng lại như không nghe gì vậy. Vì thế, khi lớn lên phải sống và làm việc chung với người khác mà gặp ai nói nặng là tai em cũng tự đóng lại, không nghe được gì, khiến em gặp khá nhiều khó khăn trong đời sống chung cũng như công việc. Lại có em khi thấy người ta quý nhau thì trong lòng cảm thấy tức tối, bức bối không sao chịu được. Nguyên nhân cũng chỉ vì khi bé còn ngủ với mẹ, bị bố đẩy em rơi xuống khỏi giường ngủ, để ân ái với mẹ. Cũng có em, học khá thông minh, song vì trong gia đình mẹ luôn chì chiết mắng nhiếc là dốt, nên em luôn mặc cảm về khả năng của mình, nhất là khi làm việc chung với những người có bằng cấp hơn mình… Có thể nói, nhân cách, tâm tính bất ổn của một con người cũng khởi đi từ môi trường không tốt đã tác động lên họ.
Sống lòng quảng đại bao dung
Với chính mình, Đức Giê-su muốn người ta phải sống nghiêm túc, cẩn trọng, đề phòng những duyên cớ làm cho người khác vấp ngã. Còn với người khác, Đức Giê-su muốn chúng ta phải có lòng bao dung quảng đại, sẵn sàng tha thứ bỏ qua những lỗi lầm của họ đã gây ra cho mình, không phải một lần mà nhiều lần và mãi mãi. Chính Đức Giê-su đã khuyên dạy chúng ta rằng : “Nếu người anh em của anh, xúc phạm đến anh, thì hãy khiển trách nó; nếu nó hối hận thì phải tha cho nó. Dù nó xúc phạm đến anh một ngày bảy lần, rồi quay trở lại nói với anh:”tôi hối hận” thì anh cũng phải tha cho nó”. Đúng là một đòi buộc không dễ đón nhận được. Kinh nghiệm cho chúng ta thấy, có nhiều người chỉ cần người khác xúc phạm đến mình một lần thôi và có khi cũng chẳng nghiêm trọng gì, vậy mà hết người này đến người khác đến khuyên giải tha thứ, làm hòa với nhau, mà không sao có thể làm được. Vậy thì làm sao có thể tha thứ cho người đó, nếu họ làm cho ta đau khổ, buồn bực hết lần này đến đợt khác ! Đấy là chưa kể đến những người rất muốn tha thứ cho người khác và đã cố hết mình, tìm mọi cách để có thể tha thứ cho họ mà không sao làm được. Chỉ cần thấy mặt người đó đã điên tiết lên, có người bị câm khẩu ngay lập tức và sau nhiều ngày mới nói lại được. Có người còn hận tới mức mà nhắc đến tên của người đó là không đọc hay nói ra lời được. Còn có những người, chỉ cần nhìn thấy món ăn hay đồ dùng của kẻ thù mình thích đã không thể chấp nhận được rồi. Cũng vì ý thức rõ sự khó khăn trong việc tha thứ cho người khác mà các môn đệ đã xin Đức Giê-su ban thêm lòng tin cho họ :“Thưa Thầy xin thêm lòng tin cho chúng con”. Nói cách khác, nếu không có ơn trợ giúp của Thiên Chúa, chúng ta làm sao có thể sống được lòng quảng đại bao dung với những người đã làm cho mình tổn thương được. Nói lời tha thứ thì không khó, nhưng sống được lòng tha thứ chân thật cho những người làm khổ mình thì thật là khó vô cùng. Nhưng nếu chúng ta không tha thứ cho người khác được thì Thiên Chúa cũng không tha thứ cho chúng ta. Trên thập giá, Đức Giê-su đã xin Chúa Cha tha thứ cho những kẻ làm hại mình, vì họ không biết việc họ làm. Hơn nữa, khi không tha thứ cho người khác được thì chính chúng ta phải gánh chịu thiệt thòi, bất an và hoả ngục đã làm tổ và cư ngụ trong chúng ta.
Cầu nguyện với Đức Giê-su
Lạy Chúa Giê-su, Chúa dạy chúng con cẩn thận đề phòng trong việc làm duyên cớ vấp ngã cho những người người khác, nhất là những trẻ nhỏ. Nhưng làm sao chúng con có thể giữ được điều này. Vì thực tế cho chúng con biết phần lớn những hành vi của chúng con không kiểm soát được. Thật là việc khó khăn cho chúng con. Và chính Chúa lại muốn chúng con sống lòng quảng đại bao dung tha thứ cho những người đã làm hại, làm tổn thương chúng con, trong khi lòng chúng con lại chất chứa, tích tụ không ít những thù hận, tức tối. Vậy thì làm sao để chúng con có thể sống được lòng bao dung tha thứ như Chúa dạy ! Chúng con bất lực. Chúng con chịu thua. Xin Chúa ban thêm sức mạnh lòng tin cho chúng con thì chúng ta mới có thể sống được hai điều quan trọng này. Chúng con cám ơn Chúa nhiều. Amen.
Bài đọc thêm: Ý Chúa hay ý người
Lm. Gioan Lưu Ngọc Quỳnh, CSsR
Truyền Thông Sinh Viên Công Giáo