Hôm nay, cộng đoàn chúng ta, nhất là những người thân yêu của cô dâu chú rể quy tụ trước tôn nhan của Thiên Chúa, để cùng với cô dâu chú rể dâng lên Thiên Chúa tâm tình tri ân cảm tạ, vì muôn vàn ân phúc mà đôi bạn đã nhận được, nhất là hồng ân được trở nên người bạn đời trăm năm của nhau. Cùng với tâm tình tri ân cảm tạ, chúng ta chung lòng cầu xin Thiên Chúa tiếp tục chúc phúc và ban thêm sức mạnh cho đôi bạn để họ có thể chu toàn được những gì mà Thiên Chúa mong muốn và đôi bạn sẽ cùng nhau thề hứa, cam kết trong Bí tích Hôn nhân sắp được cử hành. Và đặc biệt hơn nữa, trong thánh lễ này, Thiên Chúa sẽ dùng Lời của Ngài để giúp cho chúng ta, cho đôi bạn biết được những nền tảng quan trọng để tạo thành, nuôi dưỡng và cầm giữ hạnh phúc bền lâu trong đời sống hôn nhân và gia đình của mỗi người chúng ta.
Nền tảng thứ nhất : Thiên Chúa là trái tim, là tâm điểm của gia đình.
Quả thật, đối với người tín hữu, để có thể kiến tạo nên một cuộc hôn nhân hạnh phúc đích thực, có tính bền vững thì trước hết và trên hết, đôi bạn đó phải biết chọn lựa, xác tín và đặt để Thiên Chúa làm Chủ nhân, làm trung tâm của gia đình mình. Bởi vì:“Không phải anh em đã chọn Thầy nhưng chính Thầy đã chọn anh em” (Ga 15, 9 -17). Nếu như với một người không tin vào Thiên Chúa thì họ cho rằng có ông Tơ, bà Nguyệt se duyên kết tóc cho người ta nên vợ nên chồng của nhau. Nhưng với một người Công giáo chân chính thì tin rằng tất cả mọi sự đều do Thiên Chúa sắp đặt và an bài; ngay cả một sợi tóc trên đầu rơi xuống cũng không nằm ngoài thánh ý của Thiên Chúa. Chính Thiên Chúa là tác giả, là Đấng se duyên kết tóc và tác hợp cho đôi bạn trở nên vợ nên chồng của nhau. Vì thế đôi bạn cần ý thức chính Thiên Chúa là trung tâm, là vị đại ân nhân của gia đình mình. Hơn nữa, chính Thiên Chúa còn là vị trung gian hòa giải trong gia đình. Chúng ta biết rằng sau khi hai người về chung sống, chắc chắn làm sao tránh khỏi được những bất hòa, xung khắc, những xung đột với nhau. Vậy thì trong trường hợp đó, ai có thể làm trọng tài phân xử cho cả hai, ngoại trừ chính Thiên Chúa là người trung gian mà cả hai cùng hướng tới. Nếu đôi bạn biết chọn Chúa là Chủ nhân của gia đình mình thì hy vọng những gánh nặng, những khó khăn trong đời sống chung sẽ được Thiên Chúa trợ giúp và tháo cởi một cách tốt nhất, để đôi bạn có thể sống hạnh phúc với nhau và với Ngài. Thánh Antoine de Saint-Exupéry đã nói rằng: “Yêu không phải là để ngồi nhìn nhau, mà là cùng nhìn về một hướng”. Và với người tín hữu thì hướng ấy chính là Thiên Chúa. Đôi bạn nào đã có quyết tâm chọn lựa Thiên Chúa làm trọng tài phân xử thì chắc chắn sẽ tìm được hạnh phúc lâu bền.
Tóm lại, muốn có một gia đình hạnh phúc thì gia đình đó luôn biết chọn Chúa, siêng năng cầu nguyện với Chúa, đón nhận các Bí tích, biết đọc, lắng nghe, suy ngẫm và sống theo lời Chúa dạy mỗi ngày. Khi làm được như vậy thì chắc chắn gia đình đó sẽ được Chúa chúc phúc và ban thêm những ơn cần thiết để có thể vượt qua được những khó khăn thử thách trong cuộc sống đời thường của mình.
Nền tảng thứ hai : Yêu như Chúa yêu !
Cùng với việc chọn Chúa là hạnh phúc, là Chủ của gia đình mình thì chúng ta cũng hãy biết dành trọn tình yêu cho nhau như chính Chúa đã dành cho chúng ta. Điều này cũng thật quan trọng, vì trong đời sống hôn nhân nhiều khi người ta yêu nhau một cách vô thức, yêu mà không biết tại sao mà mình yêu. Còn yêu như Chúa yêu là yêu có ý thức, có tự do, không phải yêu vì một đam mê cuồng nhiệt, không lý giải được, không thể hiểu được, nhưng là yêu trong ý thức và sự tự do. Và chỉ khi yêu trong ý thức và biết rõ mình yêu đối phương vì điều gì thì tình yêu đó mới vững bền và có khả năng làm nên hạnh phúc đích thực của đôi bạn.
Trong tình yêu thì chúng ta còn hay bị nhầm lẫn rất nhiều giữa tình yêu vị kỷ và tình yêu vị tha. Chính sự nhầm lẫn này đã gây ra rất nhiều đau khổ cho nhau và cho chính người đang yêu. Bởi lẽ, khi người ta yêu người khác chỉ vì để khẳng định đẳng cấp hay để thỏa mãn đam mê, nhu cầu của mình, thì đó chỉ là một tình yêu vị kỷ, ích kỷ, chiếm đoạt, áp đặt mà thôi. Còn tình yêu vị tha là tình yêu mà Chúa dạy chúng ta yêu không phải là vì hạnh phúc của mình, nhưng yêu là vì hạnh phúc của người khác. Yêu vì hạnh phúc của người khác là phải biết chấp nhận những hy sinh đau khổ về bản thân để người mình yêu được hạnh phúc. Tình yêu vị tha đích thực đòi buộc người ta phải tôn trọng người bạn đời, phải biết chấp nhận những dị biệt của đối phương và đón nhận người đó cả những điều tích cực lẫn tiêu cực, cả điều tốt lẫn điều xấu. Chúng ta biết rõ Thiên Chúa yêu chúng ta ngay khi chúng ta còn là tội nhân. Thiên Chúa yêu chúng ta không phải để thỏa mãn tình yêu của Chúa, nhưng là để chúng ta được hạnh phúc, được cứu độ và được sống tròn đầy. Vậy nên, trong đời sống hôn nhân gia đình chúng ta hãy học lấy tấm gương của Chúa yêu vì hạnh phúc của người khác chứ không phải yêu là để thỏa mãn những khát vọng của mình. Chính Chúa Giê-su còn nói với chúng ta: “Không phải là các con đã yêu Thầy trước nhưng chính Thầy đã yêu các con trước”. Chúng ta hãy học lấy tấm gương của Chúa và đó cũng là một đòi hỏi của một tình yêu đích thực. Khi yêu là chúng ta hãy đi bước trước, trao ban trước, yêu là hy sinh từ bỏ, là đón nhận tất cả những dị biệt, khác biệt để cho người bạn đời của mình được hạnh phúc. Đây là điều vô cùng quan trọng và là chìa khóa giúp chúng ta sống hạnh phúc trọn vẹn trong đời sống gia đình.
Bài đọc thêm: Tuần Cửu Nhật Kính Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp
Nền tảng thứ ba : Sự hiểu biết !
Còn một nền tảng nữa để xây nên hạnh phúc gia đình, đó là sự hiểu biết. Trong thực tế chúng ta cũng thấy có nhiều người yêu nhau tha thiết, nhưng chỉ vì không hiểu biết được trách nhiệm, bổn phận của nhau trong hôn nhân, không hiểu biết về cách giáo dục con cái, hay không biết cách giải quyết những xung đột trong đời sống gia đình cho nên tình yêu dù có mặn nồng đến đâu cũng không thể cầm giữ được hạnh phúc gia đình. Cũng chỉ vì sự thiếu hiểu biết này đã gây nên nhiều đau khổ khiến cho tình yêu bị cạn kiệt và mòn dần. Cũng chính vì thế, đối với Giáo Hội, việc học Giáo lý hôn nhân là điều rất quan trọng. Để hiểu về nhau, hay là hiểu về những bổn phận, nghĩa vụ, trách nhiệm, và những điều cần biết trong đời sống chung, thì tình yêu không phải là tiếng gọi cuối cùng trong hôn nhân mà cần phải có sự hiểu biết. Thời gian học giáo lý là thời gian tìm hiểu về nhau và những bổn phận, trách nhiệm, những cách giải quyết xung đột, cách quản trị tài chính hay những cách tổ chức trong đời sống gia đình. Tất cả những điều đó phải học và những hiểu biết đó phải đạt đến mức tương đối thì gia đình mới bền vững. Cho nên hôm nay, trong ngày hạnh phúc của hai anh chị, Chúa cũng nhắc cho mỗi chúng ta nhớ rằng, để có thể tạo nên hạnh phúc vững bền cho một gia đình thì chúng ta cần phải xây dựng hạnh phúc đó trên cả ba nền tảng căn bản đó là:
Thứ nhất : Phải quy hướng và tạo được mối tương quan thân thiết với Chúa trong mọi hoàn cảnh.
Thứ hai: Đó là hãy yêu như Chúa yêu. Yêu bằng một tình yêu vị tha, yêu vì hạnh phúc của người khác để cho người khác được sống và sống một cách tròn đầy.
Thứ ba: Đó là cần gia tăng hiểu biết lẫn nhau để hiểu về đời sống hôn nhân, cách giáo dục con cái, cách giải quyết xung đột và kết hợp vào điểm tựa là Chúa. Và khi chúng ta hãy nhớ bám chặt vào Chúa, yêu theo cách của Chúa và dựa vào sự hiểu biết mà chúng ta tìm kiếm mỗi ngày thì chắc chắn hạnh phúc sẽ đến với đôi bạn trẻ.
Chúng ta cầu chúc cho hai anh chị luôn lấy Chúa làm trung tâm, luôn luôn yêu thương nhau như Chúa yêu chúng ta và luôn luôn để ý quan sát học hỏi. Nhờ thế, chúng ta tích lũy được những kinh nghiệm, sự hiểu biết về bạn đời, về đời sống hôn nhân, về con cái. Và nhờ đó, chúng ta sẽ trở thành những chứng nhân đích thực để cầm giữ hạnh phúc trong gia đình. Qua đó, con cái chúng ta là những thế hệ sau sẽ được thừa hưởng gia tài về đức tin, về lòng mến, sự hiểu biết, những kiến thức vững chắc cho sự phát triển về nhân cách, cũng như sự tiến triển trong đời sống đức tin.
Cầu nguyện với Chúa Giê-su
Nguyện xin Chúa Giê-su là Đấng đã có mặt tại tiệc cưới Canna đã chúc lành cho đôi tân hôn đầu tiên, hôm nay cũng sẽ chúc lành cho hai anh chị. Để nhờ phúc lành của Chúa Giê-su, anh chị cũng sẽ đi trọn hành trình mà Chúa Giê-su đã an bài và trao phó cho anh chị trong đời sống hôn nhân và gia đình. Amen.
Bài đọc thêm: Đón Chúa như thánh Giu-se
Lm. Gioan Lưu Ngọc Quỳnh, CSsR
Truyền Thông Sinh Viên Công Giáo