Cuộc đời tôi được đan kết và thêu dệt nên bởi bao điều kỳ lạ mà rất nhiều người và ngay với bản thân tôi trước đây cũng tưởng rằng vô cùng phi lý, không thể chấp nhận được. Và một trong những điều phi lý đó chính là việc lên đọc Sách Thánh trong các Thánh lễ. Đó cũng chính là vấn nạn mà tôi đã chia sẻ tiếp với vị giảng phòng, sau khi đã hóa giải được lòng thù hận và nỗi sợ hãi đeo bám tôi trong suốt 22 năm qua.
Quả thật, mỗi lần đến phiên mình đọc sách, tôi đã phải chiến đấu vất vả với nó. Toàn thân tôi phát run lên mà không sao dừng lại được, dù rằng, nhìn bên ngoài tôi rất dữ tợn, chả sợ ai. Còn đôi mắt tôi rớm lệ, nhạt nhòa, nên không nhìn rõ chữ mà đọc. Tôi hoảng loạn, mất ngủ và lo lắng tột cùng khi sắp đến phiên đọc sách của mình. Tôi muốn chạy trốn nó. Vì vậy, khi nào nhờ được chị em khác đọc Sách Thánh giúp mình thì tôi vui biết mấy và rất biết ơn người đã giúp mình. Nhưng làm sao tôi có thể lẩn trốn mãi được nhiệm vụ này, khi muốn mình trở thành một tu sĩ ! Có nhiều người ngạc nhiên và lấy làm khó hiểu, khó tin, khi tôi chia sẻ điều này. Nhưng thực tình mà nói, với tôi, trước đây việc đọc Sách Thánh quả là một gánh nặng thật sự, một thập giá, nếu không muốn nói là một cực hình khốn khổ, khốn nạn mà tôi luôn muốn trốn chạy.
Các bạn biết không, khi đến phiên mình phải lên đọc Sách Thánh, tôi phải cẩn thận dò đi, dò lại nhiều lần để xem trong đoạn Sách Thánh đó có từ nào giống với từ đó không ! Mà từ đó thì lại hay được sử dụng trong Sách Thánh. Mỗi lần gặp từ đó thì miệng tôi tự động đơ cứng lại, như ngậm phải vật gì cứng trong miệng, không làm sao đọc được. Có những lúc tôi phải im lặng hồi lâu mới đọc được, mà đọc không rõ. Còn có những lúc loay hoay mãi đọc không được, thì tôi bỏ qua. Dù tôi đã cố gắng hết sức để đọc nhưng vẫn không vượt thắng được. Từ đó chính là “Hòa” – Tên người chị họ của tôi.
Khi chia sẻ khó khăn này với người hướng dẫn, dù chưa nhận được câu trả lời minh nhiên, nhưng trong tôi đã chợt bừng tỉnh về mối tương quan giữa việc đọc tên đó với nỗi uất hận căm thù mà tôi dành cho người chị họ của tôi. Vì tôi chỉ gặp khó khăn khi đọc tên người đó, còn những chữ khác thì tôi đọc rất bình thường và khá trôi chảy. Và đúng như suy nghĩ của tôi, vị đồng hành cũng giải thích cho tôi giống như vậy.
Điều lạ lùng là sau khi đối diện với sự sợ hãi và lòng thù hận với người chị họ này để nói lên lời tha thứ, thì lại đúng phiên tôi đọc Sách Thánh. Khi đọc đến đoạn của ngôn sứ Giê-rê-mi-a có những chữ : “Thiên Chúa báo oán” và “nền hòa bình”, thì cổ họng tôi như bị khựng lại, nghẹt thở rồi thở gấp, tim tôi đập loạn lên. Cả nhà nguyện lặng im như tờ, không có một tiếng động. Phải chờ một lúc sau tôi mới đọc tiếp được. Cả lớp chúng tôi im thin thít mà không ai hiểu được nguyên do tại sao. Nhưng sau đó, như tìm được sức mạnh, tôi lại tiếp tục đọc hết đoạn Sách Thánh và hát đáp ca.
Kỳ diệu thay, giọng hát của tôi lúc đó trầm bổng cách lạ thường. Tôi hát rất tự nhiên, hát hết mình khiến mọi người đều nói với tôi sao hôm đó tôi hát hay vậy. Dường như mọi tâm tình đều được tôi gởi gắm trong tiếng hát và giọng hát của mình. Tôi linh cảm như có cái gì đó lâu nay cản trở tôi đã vừa được tháo gỡ và vứt bỏ ra ngoài. Trong khi tôi gặp đại nạn rồi vượt thắng và hát hay như vậy thì cha giảng phòng chỉ nhìn tôi mỉm cười. Tôi biết được điều này nhờ một chị em chia sẻ lại cho tôi ngay sau Thánh lễ.
Kết thúc Thánh lễ, cha giảng phòng nói với tôi : “Đúng là Thiên Chúa báo oán nên cho con đọc đúng đoạn này để được hóa giải.” Cả lớp cười lên vui sướng. Ngài cho tôi biết rằng chỉ vì uất hận người chị họ mà khi thấy tên của chị là con bị nghẹn lại. Điều đó lại một lần nữa soi sáng cho tôi về hệ lụy của lòng thù hận nó nặng ký đến mức nào. Nó vén mở cho tôi những mối liên hệ mù tối mà lâu nay tôi không hiểu được hay nói đúng hơn là tôi không chịu tìm hiểu nó. Trước đây, tôi vẫn nghe nói ức đến nỗi không nói được nên lời. Nhưng nghe chỉ để mà nghe, còn bây giờ thì thực sự ứng nghiệm không phải nơi người nào mà nơi chính bản thân tôi. Có lẽ kinh nghiệm của cha ông ta khá phong phú và thực tế về mối liên hệ giữa tâm lý và thể lý như : “Trời đánh tránh bữa ăn, hoặc ức quá hóa điên…” Song, để ứng dụng và dùng nó để giải thích cho những gì đang xảy ra với con người thì không phải ai cũng làm được.
Bài đọc thêm: Vượt thắng nỗi sợ trong trận chiến