Để giúp cho sinh viên có một cái nhìn tổng quan về thế giới, xã hội, môi trường sinh viên và những thách đố trong các Cộng đoàn sinh viên, ngày 19.11.2022, cha đặc trách sinh viên cùng đại diện của 7 cộng đoàn trong Gia đinh sinh viên Công giáo Anphongso đã trở về ngôi Đền Thánh Phêrô Lê Tùy – giáo xứ Bằng Sở, để cùng nhau tĩnh tâm, hội thảo về những vấn nạn mà sinh viên và các cộng đoàn đang phải đối mặt trong thế giới, xã hội đương đại hôm nay. Từ đó, tìm ra những giải pháp tốt nhất để giúp sinh viên vượt qua được những khó khăn, thách đố trong thời đại này.
Đúng 6h30 sáng, Đoàn tĩnh tâm bắt đầu khởi hành tại cây xăng Nam Đồng. Trên quãng đường trở về Đền Thánh, Đoàn đã cùng nhau cầu nguyện, lần chuỗi Mân côi kính Đức Mẹ nhân ngày Thứ Bảy – ngày của Mẹ Maria.
Sau khoảng một giờ di chuyển bằng xe khách, Đoàn đã về tới giáo xứ Bằng Sở lúc 7h30 phút, và nhanh chóng tiến vào ngôi Đền Thánh để chào Thánh Phêrô Tùy và cầu nguyện cùng ngài, xin ngài nâng đỡ và chúc lành cho buổi tĩnh tâm của đoàn được thành công tốt đẹp.
Đúng 8h00, mọi người có mặt đông đủ tại Hội trường của giáo xứ để bắt đầu bước vào chương trình tĩnh tâm, hội thảo. Mở đầu cuộc hội thảo, cha đặc trách cùng các thành viên cùng nhau hướng lòng lên Chúa để xin ơn Chúa soi sáng hướng dẫn. Và để giúp các bạn sinh viên nhận diện được những hiện tượng đang bao trùm, thống lĩnh cả thế giới, xã hội, cách riêng trên các bạn sinh viên ngày hôm nay là gì và giải pháp nào giúp sinh viên thoát ra khỏi những hiện tượng đó, cha đặc trách Gioan đã gợi ý cho các bạn sinh viên với ba câu hỏi:
Thứ nhất, hiện tượng lớn nhất đang bao trùm cả thế giới, xã hội hôm nay là gì?
Thứ hai, đâu là hiện tượng phổ quát đang xảy ra trong môi trường sinh viên hiện nay?
Thứ ba, đối diện với vấn nạn của xã hội, của sinh viên như vậy, chúng ta trong tư cách là những người điều hành, những người Chúa đặt để làm các công việc phục vụ, chúng ta phải làm gì?
Để giúp tất cả các thành viên đều tích cực tham gia trả lời 3 câu hỏi trên, cha đặc trách đã chia đoàn thành 6 nhóm và thảo luận trong khoảng một tiếng, mỗi nhóm có 6 thành viên thuộc các cộng đoàn khác nhau. Có lẽ không gì hiệu quả cho bằng cách thức thảo luận nhóm. Cả hội trường rôm rả bởi sự tích cực tham gia đóng góp ý kiến của các thành viên trong mỗi nhóm. Nhờ đó, sau gần một giờ thảo luận, những vấn đề trên đã được nhìn nhận ở rất nhiều khía cạnh khác nhau, cụ thể: theo thống kê của 6 nhóm, cho chúng ta thấy có các hiện tượng đang bao trùm lên thế giới, xã hội và sinh viên như sau:
Đối với thế giới, xã hội:
- Khoa học phát triển đưa đến tình trạng vô cảm của con người gia tăng
- Chủ nghĩa vô thần lên ngôi khiến cho đức tin của con người suy giảm
- Tham vọng của con người quá lớn dẫn đến tính ích kỉ ngày càng cao
- Đạo đức suy giảm, bạo lực gia tăng
- Sự phân mảnh của các mối quan hệ
- Những xáo trộn, đổ vỡ trong gia đình ảnh hưởng lên con cái
- Mạng xã hội làm cho con người bị cuốn vào trong đó, sống ảo, mất tương tác, mất niềm tin, phương hướng, nghi ngờ tất cả.
- Hậu quả của đại dịch Covid dẫn tới khủng hoảng kinh tế, việc làm, đức tin suy giảm, con người lười đến nhà thờ.
- Mạng sống con người bị coi nhẹ
Đối với sinh viên:
- Áp lực công việc học tập
- Không có mục tiêu, lý tưởng sống
- Sống thử trước hôn nhân, giới tính lệch lạc
- Đạo đức, đức tin suy giảm
- Chủ nghĩa cá nhân, tính ích kỉ ngày càng tăng
- Lãng phí thời gian vào những việc vô bổ
- Rối loạn thông tin từ mạng xã hội, mất phương hướng
- Hậu quả của đại dịch Covid khiến sinh viên trễ nải không muốn đến nhà thờ, tham gia sinh hoạt cộng đoàn
- Khủng hoảng niềm tin
- Không còn tinh thần nhiệt thành dấn thân
- Sự gắn kết giữa các thành viên trong cộng đoàn, trong ban điều hành suy giảm
- Sinh viên tham gia cộng đoàn chỉ để tìm niềm vui chứ không phải vì đức tin
Sau khi đại diện của 6 nhóm trình bày trong 45 phút, cha đặc cùng các tham dự viên đã đúc kết lại có 7 hiện tượng lớn nhất đang chi phối ảnh hưởng mạnh lên thế giới, xã hội nói chung, cách riêng lên môi trường sinh viên:
Thứ nhất là mạng xã hội bao trùm, chi phối lên nhận thức, tư tưởng, suy nghĩ và tương quan của con người. Mạng xã hội tràn ngập những thông tin làm cho con người bị lũng loạn, mất phương hướng, không phận định được, sống ảo, nhận thức lệch lạc và nghi ngờ tất cả.
Thứ hai là hậu quả của dịch bệnh Covid đưa đến những khủng hoảng không chỉ về kinh tế mà còn cả đạo đức, đời sống đức tin suy giảm.
Thứ ba là chủ nghĩa cá nhân, kiêu ngạo và tính ích kỉ ngày càng gia tăng.
Thứ tư là sự vụn vỡ các mối tương quan trong gia đình, trong cộng đoàn.
Thứ năm là bài xích tôn giáo, tiêu diệt tôn giáo có hệ thống của chủ nghĩa vô thân một cách mạnh mẽ, tấn công các tôn giáo, đặc biệt Kitô giáo một cách không thương tiếc.
Thứ sáu là giá trị đạo đức truyền thống văn hóa ngày càng bị tàn phá, thay vào đó là các lối sống băng hoại như sống thử trước hôn nhân, li dị, ngoại tình…
Thứ bảy là sự nghi ngờ tất cả, “không có gì là chắc chắn”, không tin ai ngày càng gia tăng.
Theo nhận định của Cha đặc trách, các bạn sinh viên đã nhận diện được các hiện tượng phổ quát bao trùm lên xã hội, lên sinh viên khá là chính xác. Ngoài ra, trong cái nhìn sâu rộng của một vị mục tử với bề dày kinh nghiệm trong công việc mục vụ, cha đặc trách đã soi dọi cho các bạn sinh viên có cái nhìn sâu hơn nữa về hiện tượng chính yếu nhất trong 7 hiện tượng trên, đang chi phối, ảnh hưởng mạnh mẽ lên thế giới, xã hội, sinh viên ngày hôm nay, đó chính là chủ nghĩa vô thần. Đây mới chính là mãnh lực phá nát Giáo hội và xã hội cũng như làm băng hoại con người. Chúng có cả một hệ thống hoạt động ngầm rất tinh vi, bài bản, chúng rất thành công trong việc sử dụng internet để đưa lên đủ mọi thứ thông tin rác, thông tin xấu làm cho con người bị lũng loạn thông tin, mất phương hướng, mất niềm tin, nghi ngờ tất cả. Chúng ta biết rằng tất cả những giá đạo đức, nhân văn, nhân bản của thế giới nhân loại từ thế kỉ thứ tư cho đến nay đều xuất phát từ Kitô giáo. Vậy mà ngày nay, những giá trị truyền thống đó gần như đã bị phá sản, và thay vào đó là các hiện tượng xấu như mạng xã hội cung cấp thế giới ảo, chủ nghĩa cá nhân, vô cảm, những đổ vỡ trong tương quan như: không chung thủy, li dị, ngoại tình, nghi ngờ… tất cả đều là công cụ và sản phẩm của chủ nghĩa vô thần mà thôi. Chúng chủ trương trục xuất Kitô giáo ra khỏi thế giới này, cái mà Tin mừng gọi là những kẻ phản Kitô. Cho nên Đức Thánh Cha Phanxico đã khẳng định: “Không phải chúng ta đang sống trong một xã hội có quá nhiều thay đổi mà là một xã hội bị người ta làm cho thay đổi hoàn toàn”.
Như vậy, chỉ trong khoảng thì giờ rất khiêm tốn, cha đặc trách cùng các bạn sinh viên đã khá vất vả tập trung đầu óc để suy nghĩ, nhận định được vấn nạn đang bao trùm và làm cho thế giới, xã hội bị đảo lộn hoàn toàn. Kết thúc phần một, sau khi đã nhận diện được những vấn nạn của thời đại, các tham dự viên nghỉ giải lao 15 phút thư giãn hầu có đủ sức đi tiếp phần hai của hội thảo, đó là: “Giải pháp cho các vấn nạn trên“.
Để nhận diện được các hiện tượng đang bao trùm, thống lĩnh thế giới, xã hội, sinh viên đã là điều khó, việc tìm ra giải pháp để giải quyết những vấn nạn đó lại càng là thách đố lớn với chúng ta. Vậy, các tham dự viên của Đoàn tĩnh tâm, hội thảo hôm nay, sau một ngày cật lực hoạt động tối đa công suất, họ đã tìm ra được những giải pháp hữu hiệu nào cho các vấn nạn trên? Chúng ta hãy cùng chờ đợi ở phần tiếp theo:“Con đường hóa giải các vấn nạn” !
Bài đọc thêm: Sinh viên chúng ta cùng làm ! (Phần II)
Truyền Thông Sinh Viên Công Giáo