“Đôi mắt con này nhìn gian nhỉ.” Đó là câu nói mợ tôi đã dành cho tôi ngày tôi vừa mới chào đời mà sau này tôi được nghe mẹ kể lại. Hai mươi sáu năm trôi qua, tưởng rằng câu nói đó cũng như bao câu nói khác sẽ lần lượt đi vào quên lãng. Nhưng với tôi thì hoàn toàn ngược lại. Có thể câu nói của mợ sẽ không ảnh hưởng nhiều lên tôi, nếu mẹ tôi không nhắc lại câu nói đó cho tôi. Chính sự nhắc đi nhắc lại của mẹ tôi đã làm cho câu nói đó sớm trở nên như một vết đinh sắc và nhọn, đâm sâu vào trong tâm trí tôi. Cùng với những hoàn cảnh của cuộc sống đẩy đưa, con mắt – cửa sổ tâm hồn của tôi ngày càng bị biến dạng và trở nên một trong những nỗi ám ảnh kinh hoàng, khiến tôi lo lắng và sợ hãi nhất. Nhưng sự thật thì tất cả những gì tôi biết và muốn biết về đôi mắt của mình quá ít ỏi, chẳng đáng kể là bao. Đặc biệt hơn nữa, tôi cũng chẳng bao giờ bận tâm đến việc tìm hiểu đôi mắt của mình cho nghiêm túc. Bước vào hành trình sa mạc, tôi rất khao khát khám phá để “giải mã” cho cánh cửa tâm hồn của mình.
Tháng 9 năm 2015, tôi đặt chân đến Nhà Tĩnh Tâm Giê-ra-đô, với mục tiêu làm sao giải thoát cho mình khỏi những kí ức dĩ vãng. Bước vào phần khám phá bản thân mình, tôi mới thật sự kinh ngạc về con người của mình và những gì đã xảy đến trong tôi và trên cuộc đời tôi. Trong một lần tình cờ, đang lúc đi cùng một chị nữa ở Nhà Tĩnh Tâm sang nhà thờ để làm bài, tôi thấy một con chó của chủ quán, bất ngờ sủa ầm lên và gầm gừ với nét mặt dữ tợn, khi chúng tôi đi ngang qua nó. Lập tức, một nỗi sợ thoáng ập đến trên tôi, khiến tôi hoảng loạn, sợ run lên và phải né qua một bên để có thể bước tiếp.
Bài đọc thêm: Con nghiện-PI
Rồi một lần khác nữa, khi đang đi dạo cùng một chị ở công viên, bỗng nhiên tôi giật thót mình và nằm gọn trên người chị đi cùng, khi nghe tiếng sủa dữ tợn của một con chó mà người ta đã buộc ở gốc cây tự lúc nào mà tôi không hay biết. Rồi cứ như thế, càng ngày bước vào kì tĩnh tâm tôi càng cảm thấy sợ con vật đó. Dù rằng trước đây, chó là loài vật mà tôi yêu quý và chưa bao giờ nghĩ rằng nó đáng sợ như vậy. Sau khi nghe những lời kể thuật lại của các anh chị em Nhà Tĩnh Tâm và của tôi về vấn nạn tôi đang mang trong mình, người đồng hành muốn tôi tập đối diện với nỗi sợ đó.
Ngày đầu tiên, tôi được hướng dẫn tập luyện các nỗi sợ của mình bằng cách nhìn vào những hình ảnh các con chó dữ tợn mà các anh chị em đã thu thập trên trang mạng. Tôi phải nhìn thẳng vào những con chó đó và tập vuốt ve chúng. Nhưng những hình ảnh đó chẳng hề có chút tác động gì trên tâm trí của tôi. Khi nhìn vào chúng, tôi không có một cảm giác sợ hãi nào cả, mà ngược lại còn rất hứng thú với chúng. Tôi nói với người đồng hành rằng chỉ khi đối diện với những con chó thật thì con mới sợ thôi.
Thấy không hiệu quả, người đồng hành chuyển sang một hướng tập luyện mới. Cứ mỗi tối, sau khi Thánh lễ và giờ học giáo lý kết thúc, cha quy tụ tất cả chúng tôi vào trong một căn phòng để chứng kiến việc chữa trị cho tôi. Trong bầu khí tĩnh lặng của màn đêm, trước sự chứng kiến của các thành viên, cha bắt đầu chữa trị cho tôi. Trước khi thôi miên cho tôi, cha bảo tôi hít thật sâu và thở ra thật nhẹ nhàng khoảng 6-7 lần gì đó. Khi tinh thần tôi đã ổn định, tôi nhắm mắt lại, hai tay thả lỏng đặt trên bàn, cha bắt đầu nói: “Cha đang dẫn tôi vào một nơi tĩnh lặng và bất chợt có một con chó, hai con chó, cứ thế số lượng chó tăng dần đang ùa tới. Chúng lao nhanh, lao rất nhanh về phía tôi.” Mới chỉ nghe những lời dẫn đó thôi mà nước mắt của tôi đã rưng rưng, tràn ra hai khóe mắt, người tôi run lên cầm cập. Cha phải cho tôi dừng lại và giúp tôi ý thức về những gì đang xảy đến với tôi. Mãi một lúc sau, tôi mới định thần lại được.
Ngày thứ hai, tôi lại tiếp tục bài tập luyện của mình dưới sự hướng dẫn của cha và chứng kiến của mọi người. Mỗi ngày, tôi thấy mình đã tự tin hơn và bắt đầu vượt thắng được phần nào nỗi sợ chó. Nhưng vào một ngày kia, khi cha đang thôi miên cho tôi thì có một bạn, là thành viên trong Nhà Tĩnh Tâm đã giả bộ tiếng kêu của chó. Tiếng đó đã làm tôi giật mình hoảng hốt, lần này tôi khóc rống lên vì quá sợ hãi. Cha bắt đầu đặt ra các nghi vấn cho nỗi sợ của tôi và muốn tôi đi tìm gốc rễ của nỗi sợ này.
Cha cho tôi thử khám phá xem điểm nào trên cơ thể của con chó làm cho tôi sợ hãi nhất. Tôi nhận ra rằng đôi mắt của con chó, lúc giận dữ là thứ khiến tôi khiếp sợ nhất. Ngài muốn tôi suy nghĩ lại những ánh mắt của những con người làm cho tôi sợ hãi nhất. Tôi nói ngay với cha mà không chút do dự : “Thưa cha, ánh mắt của bố con.” Vì những lần bố giận dữ, quát tháo, đánh đập tôi, đã in sâu vào trong tâm trí khiến tôi vô cùng sợ hãi. Nhưng sâu hơn nữa, cha bảo tôi cố gắng nhớ lại và thử tìm ra ánh mắt của một ai đó trong quá khứ ngoài ánh mắt của bố, đã từng làm cho tôi kinh hãi.
Bẵng đi một thời gian dài, cha bận rộn và tôi cũng lo các bài tập khác mà không để ý gì đến đôi mắt của mình. Sau hơn bốn tháng tĩnh tâm, tôi về quê sống với gia đình. Khoảng đầu tháng tám, tôi trở ra lại Hà Nội, nhưng không phải với mục tiêu ban đầu nữa mà đã có thêm mục tiêu mới cho mình. Cứ tưởng sau bốn tháng tĩnh tâm, tôi đã được yên ổn, nỗi sợ ánh mắt đã được giải quyết, nhưng không phải như vậy. Cùng với việc học ngôn ngữ, tôi lại tiếp tục bước vào làm các bài tập về nỗi sợ ánh mắt. (Xin mơi quý độc giả theo dõi phần tiếp theo.)
Bài đọc thêm: Thần dược chữa lành trái tim