Icon Collap
...
Trang chủ / Nỗi sợ kinh hoàng P1

Nỗi sợ kinh hoàng P1

Cầm bút viết lại những gì đã xảy ra với tôi trong thời gian qua, kể từ lúc tôi chưa ý thức được, cho đến hiện tại bây giờ đang tập luyện mỗi ngày với nó, tôi vẫn chưa dám tin rằng tôi lại là kẻ sợ hãi ánh mắt của người khác đến mức kinh khủng như thế. Lúc bắt đầu đi tìm trung tâm điều khiển những hành vi thường nhật của mình, tôi không nghĩ rằng trung tâm điều khiển ấy lại là nỗi sợ ánh mắt của người khác. Nhưng qua những câu hỏi, chất vấn của Cha Linh Hướng, dần dần câu trả lời được hé mở với tôi và giờ đây tôi mới tin, mới chấp nhận sự thật trong mình.

nỗi sợ kinh hoàng

Trước khi bước vào cuộc tĩnh tâm, tôi chỉ biết một điều là không bao giờ tôi dám nhìn thẳng vào mắt của người đối diện. Vì mỗi lần nhìn vào mắt họ, tôi rất mất bình tĩnh, không tự tin. Tôi luôn có cảm giác họ muốn soi mói gì nơi tôi. Nên thay nhìn vào mắt họ, tôi thường nhìn vào một vị trí khác trên khuân mặt như trán, miệng, mũi,hay ném những cái nhìn lén về phía họ… để nói chuyện cho dễ hơn. Tôi luôn nghĩ rằng chuyện mình không nhìn được vào mắt mọi người là chuyện bình thường, không có vấn đề. Nên tôi cứ để mặc kệ như vậy cho đến lúc này.

Các bạn biết đó, khi rời quê hương, gia đình những ngày đầu lên Hà Nội thi Đại Học, tôi được chị nhà bác dẫn đến nhà thờ Thái Hà tham dự Thánh Lễ. Trước khi hai chị em ra về, chị tôi vô tình gặp một người bạn sinh hoạt cùng. Mọi người dừng lại nói chuyện, tôi cũng không để ý bạn của chị lắm, vì lúc đó tôi vẫn còn đang mải mê nhìn xung quanh. Đây là lần đầu tiên tôi đến Thái Hà, nên mọi thứ đều trở lên mới lạ với tôi. Nhưng tôi vẫn loáng thoáng nghe được cuộc nói chuyện của chị và bạn: Ai vậy? em chị à? Tôi quay lại chào, vô tình bắt gặp ánh mắt của anh ấy đang nhìn tôi chằm chằm. Tôi vừa sợ vừa ngại, nên lẩn tránh đứng sau lưng chị tôi. Anh ấy hỏi gì, tôi vẫn đứng đằng sau chị và trả lời. Trên đường trở về, chị tôi nói: anh ấy đang là dự tu của Bùi Chu, học khoa Tâm Lý Học năm cuối. Tôi đã nghĩ: ánh mắt của người học khoa Tâm Lý đáng sợ vậy sao? Đó là lần đầu tiên tôi mới có cảm giác là mình sợ ánh mắt, sợ nhìn thẳng vào đôi mắt của người đối diện.

Bước chân lên Hà Nội học chính thức, tôi tham gia Ca Đoàn Latinh và Gia ĐìnhTaize cùng với anh. Nhưng tôi không bao giờ nhìn thẳng vào mắt anh để nói chuyện. Tôi chỉ dám nhìn lén, nhìn trộm vào mắt anh khi anh không nhìn tôi. Mặc dù anh rất quý tôi.Thời gian này tôi cũng được các bạn giới thiệu lớp giáo lý của Cha. Ai cũng nói Cha dạy hay và ý nghĩa, nên tôi đã đến tham gia cùng từ Thánh Lễ đến các buổi học của Cha. Một lần khi Cha đang cử hành phục vụ Thánh Thể, tôi nhìn lên bắt gặp ánh mắt của Cha khi dâng Mình Thánh, ánh mắt đó đã làm tôi sợ, từ đó trở đi mỗi lần Cha Dâng mình Thánh tôi dè chừng nhìn lên. Tôi nghĩ mình chẳng bao giờ phải đối diện với Cha một mình nên tôi đã gạt ánh mắt của Cha ra một bên. Cứ mỗi lần buổi học kết thúc là tôi nhanh nhanh ra khỏi lớp để đi về.

Nỗi sợ ánh mắt cứ mờ mờ, ảo ảo trong tôi, khiến tôi chẳng mấy bận tâm đến điều đó. Hai năm sau tôi quay lại xin Cha giúp tĩnh tâm. Vì thời gian này do bận học và đi làm thêm, nên tôi không còn thời gian học lớp giáo lý của Cha. Thỉnh thoảng tôi chỉ có thể tham dự Thánh Lễ rồi ra về. Lần đầu tiên nói chuyện với Cha một mình, cái cảm giác sợ hãi đó tôi không bao giờ quên. Tôi đã phải lấy hết can đảm để gặp Cha. Vì tôi đã sợ ánh mắt của Cha từ trước và cũng không biết phải thưa chuyện ra sao với Cha, nên tôi cảm thấy rất sợ hãi. Trong khi đó cha thì đang rất căng thẳng và mệt mỏi vì mấy ngày Đại Hội Di Dân nên khuôn mặt của Cha làm tôi vô cùng sợ hãi. Lúc đó khoảng gần 10h tối, tôi nhìn thấy Cha đang đi ở sân nhà thờ nên đến thưa chuyện để xin Cha tĩnh tâm. Kết quả tôi nhận được câu trả lời bỏ ngỏ của Cha “ Nếu con muốn thì cứ thu xếp công việc rồi đến cha giúp cho”. Câu trả lời này khiến tôi vừa thất vọng, vừa sợ. Câu trả lời của Cha như một thách đố mà Chúa dành cho tôi. Đúng ngày hẹn tôi đến. Tạ Ơn Chúa vì Cha vẫn còn ở Thái Hà. Tôi vào gặp Cha và Cha đã đồng ý giúp tôi tĩnh tâm. Bước vào cuộc tĩnh tâm, mỗi khi nộp bài cho Cha, tôi thường để ý xem tâm trạng của Cha thế nào thì tôi mới dám vào gặp. Nếu thấy chị nào bảo Cha đang căng thẳng là tôi quay về, không dám vào gặp nữa. Nên cả cuộc tĩnh tâm tôi phải dè chừng mỗi khi đến gần Cha.

Trong thời gian tĩnh tâm, tôi có nhiều thời gian để ngồi với Chúa và được nhìn lại hành trình cuộc đời mình một lần nữa, mà chắc chẳng bao giờ tôi có được lần thứ hai. Khi viết về chính bản thân mình, những gì đã xảy ra với tôi, thường thì chuyện vui ai cũng muốn nói, muốn chia sẻ, còn chuyện buồn, đau thương thì như những chiếc gai đâm vào người họ, khiến họ ngại ngùng không muốn nói ra. Tôi cũng giống như các bạn, luôn muốn viết về mọi điều tốt đẹp đến với mình.

Bài đọc thêm: https://svconggiao.net/2017/07/31/noi-kinh-hoang-p2/

Khi viết về khoảng thời gian 9 tháng 10 ngày nằm trong bụng mẹ, tôi không có một chút ký ức gì. Nhưng nhờ sự soi sáng của Chúa Thánh Thần và sự trợ giúp của mẹ, tôi mới biết được những gì đã xảy ra với tôi trong khoảng thời gian đó. Khoảng thời gian này tuy ngắn ngủi này nhưng nó đã ảnh hưởng rất lớn tới đôi mắt của tôi. Nó giải mã cho tôi biết vì sao tôi sợ ánh mắt, và tôi cũng hiểu được tại sao nhiều người nhìn tôi bảo: cặp mắt của tôi buồn, ngay kể cả lúc vui. Tôi tưởng chừng biết được nguyên  nhân là mọi chuyện sẽ ổn. Nên kết thúc kỳ tĩnh tâm kéo dài khoảng 4 tháng, tôi hả hê hơn mọi người vì mình ít sợ hơn. Nỗi sợ của tôi cũng chẳng là gì so với mọi người. Tôi đã quá chủ quan, vui mừng quá vội vàng, trong khi đó nỗi sợ của tôi vẫn còn đó. Nó chỉ bị vùi lấp bởi một làn sương mỏng mà thôi. Nên khi gặp những ánh mắt của người khác, nhất là những cặp mắt đang trừng lên, nỗi sợ ánh mắt lại vùng lên mạnh mẽ hơn cả trước đây.

Đặc biệt, sau khi được tĩnh tâm và được sống chung với chị em đang tìm hiểu Dòng Biển Đức tại Đài loan, ánh mắt của người chị, đang muốn tìm hiểu chung một dòng tu với tôi, khiến tôi rụng rời kinh hãi. Lần thứ nhất vì Cha không có nhà, tôi đã phải tự mình vượt qua nỗi sợ về ánh mắt của chị. Mất đúng một tuần tôi mới dám mon men đến nói chuyện với chị. Lần thứ hai tôi gần như bất lực, tôi rất căng thẳng và sợ ánh mắt của chị. Nên cứ nhìn thấy chị là tôi phải tránh. Chị vào phòng thì tôi nhanh chóng đi ra. Nhiều khi tôi rất buồn ngủ, muốn đi ngủ sớm nhưng biết chị ở trong phòng cũng chưa ngủ nên tôi cứ ngồi lì trong nhà nguyện đến khuya mới lên. Tôi không còn đủ sức để chống chọi nên phải ra gặp Cha nói chuyện. Cha bảo tôi về tìm trung tâm điều khiển. Nhờ ơn Chúa Thánh Thần, sau những vất vả, tìm tòi con người thật của mình, tôi mới ngộ ra được cái trung tâm điều khiển tôi không gì khác hơn chính là sự “sợ hãi”. Tìm được rồi, tôi đi gặp Cha. Cha bảo: “con phải tìm ra là sợ cái gì, chứ không thể sợ chung  như vậy được”. Cuối cùng, tôi phải chấp nhận một sự thật mà tôi đã luôn chạy trốn đó là nỗi sợ “ánh mắt của người khác”. Cha yêu cầu tôi đi tìm nguyên nhân của sự sợ hãi đó.

Thật sự, tôi không thể hiểu và nhớ được hết tất cả những gì đã xảy ra với tôi, để làm nên nỗi sợ ánh mắt của người khác đến mức ngất xỉu và cứng đơ cả người, khiến toàn thân tôi co cắp, nghẹt thở, nước mắt dàn dụa như vậy mới hiểu thấu và giúp tôi tìm về những gốc rễ làm nên nỗi sợ đó. Nên  tôi chỉ còn biết trông cậy, phó thác vào sự soi sáng hướng dẫn của Chúa Thánh Thần. Vì chỉ có Ngài mới giúp được tôi. Amen.

Bài đọc thêm: https://svconggiao.net/2017/07/31/noi-kinh-hoang-p3/

Trời Xuân- Hà Nội 2017

Maria Hà Nam Ninh

Bình luận