Người ta thường nói: Kết hôn là việc quan trọng quyết định hạnh phúc của cả đời người. Với các bác sĩ tâm lý trẻ em thì giáo dục trẻ mới là việc hệ trọng suốt đời, quyết định cuộc sống và hạnh phúc của một con người, trong đó giáo dục gia đình là rất quan trọng. Paul Sacher – nhà sáng lập Viện Child Health’s Mend Progamma – khẳng định: “Tất cả chúng ta đều biết rằng trẻ luôn là bản sao của cha mẹ”.
Cha mẹ nào cũng muốn dành cho con mình sự nuôi dưỡng và chăm sóc tốt nhất, mong cho con mình lớn lên có đầy đủ phẩm chất làm người. Muốn vậy, trước hết chính cha mẹ phải học làm cha làm mẹ tốt nhất, để ngoài tình yêu thương con vô bờ bến còn có đủ hiểu biết và kỹ năng nuôi dạy con.
- Thơ ấu là thời kỳ tốt nhất để phát triển trí khôn:
Các nhà khoa học Mỹ cho rằng trước 5 tuổi là thời kỳ trí khôn phát triển nhanh nhất. Thường đến năm 18 tuổi, con người đã phát triển hoàn thiện trí khôn của mình. Cụ thể 50% trí khôn có được là trước 4 tuổi, 30% từ 4 đến 8 tuổi, 20% từ 8 đến 18 tuổi. Não người lớn nặng 1400g, 4 tuổi 1000 gam, 8 Tuổi 1300 gam (trẻ 8 tuổi có bộ não chỉ thua não người lớn có một loại thôi!)
Một học giả Nhật nghiên cứu: Năng lực tiềm tàng của nhi đồng tuân theo quy luật giảm dần: Trẻ mới sinh có 100% năng lực tiềm tàng, nếu lúc đó tiến hành giáo dục ngay có thể trở thành người có năng lực 100%. Nếu bắt đầu giáo dục từ lúc 5 tuổi, Chỉ trở thành người có năng lực 80%. Nếu bắt đầu giáo dục từ lúc 10 tuổi, chỉ có thể là người có năng lực 60%.
- Thơ ấu là thời kỳ quan trọng để phát triển nhân cách:
Giáo dục trẻ nhỏ có tác dụng quan trọng đối với sự hình thành phẩm chất, cá tính của con người. Lúc này trẻ chưa biết tự đánh giá, mà trẻ biết về mình qua nhận xét, đánh giá của người lớn trong nhà và thầy cô giáo. Nếu trong thời kỳ này trẻ hình thành một số cá tính và thói quen hành vi không tốt, về sau rất khó sửa chữa.
- Thơ ấu là thời kỳ then chốt của giáo dục tính dục:
Muốn có một người đàn ông tốt và một người phụ nữ tốt trong tương lai, cần dạy dỗ một bé trai và bé gái tốt. Hơn thế nữa, “giáo dục một bé gái là xây dựng một gia đình cho mai sau”. Trẻ mầm non đang ở vào giai đoạn tâm lý tính dục đặc biệt gọi là “thời kỳ nụ hoa tính dục”, cũng là giai đoạn trẻ xuất hiện phức cảm Oedyp và hội chứng Narcise. Đây là quy luật bình thường về tâm sinh lý, giúp trẻ phát triển lành mạnh về tinh thần và tình cảm, đồng thời là cơ sở cho những quan hệ đúng đắn đối với người khác giới sau này. Giáo dục không đúng có thể gây hậu quả như: con trai nữ tính hóa, con gái nam tính hóa, muốn chuyển đổi giới, biến thái tình dục…
- Trẻ nhỏ có thể nghiệm tính dục không?
Câu trả lời là có. Vì sự phát triển tâm lý là liên tục nên một số vùng hưng phấn của bộ phận sinh dục trên thân thể bị đánh thức trước tuổi dậy thì. Trẻ nhỏ kinh qua một kinh nghiệm ngẫu nhiên, chợt phát hiện và khơi dậy tiềm năng hưng phấn tính dục, dần dần dẫn đến đòi hỏi loại khoái cảm này. Xét về bản chất, mục đích trò chơi tình dục của trẻ là phi tính dục, như vui chơi và giao hữu mà trong chiều sâu nội tâm không thể lý giải và ý thức được.
- Tại sao phải giáo dục giới tính cho trẻ?
Giáo dục giới tính cho trẻ là một bộ phận của giáo dục sức khỏe thể chất và tinh thần, một nội dung quan trọng của giáo dục gia đình nhà trường và xã hội. Các nhà khoa học khẳng định rằng trẻ có ý thức giới tính: Trẻ mới sinh khi bú mẹ giống như quá trình hưng phấn tình dục của người lớn. Trẻ 7 đến 8 tháng mân mê bộ phận sinh dục, làm một số động tác kẹp đùi. Trẻ mẫu giáo bước vào thời kỳ “nụ hoa tính dục”. Gọi là “nụ hoa”, bởi vì không có bông hoa nào không nở từ nụ, không có trái cây nào không thụ từ hoa, muốn bước vào thời hoa niên con người phải đi từ cái chồi nụ lúc này trước đã. Đó là quá trình phát triển liên tục để trưởng thành.
Phần tiếp theo: 4 đặc điểm “nụ hoa tính dục” của trẻ nhỏ: trẻ thủ dâm, hiếu kỳ tính dục, chứng phô bày và nhận cùng giới tính
Cẩm nang giáo dục giới tính giúp trẻ tránh bị xâm hại – TS. BS Nguyễn Lan Hải