Icon Collap
...
Trang chủ / Hoạt động của Chúa Thánh Thần trong lòng Hội Thánh

Hoạt động của Chúa Thánh Thần trong lòng Hội Thánh

Trong niềm hân hoan cùng với Giáo Hội mừng lễ Chúa Thánh Thần hiện xuống, hôm nay – 31.05.2020, đoàn con cái giáo phận Vinh – Hà Tĩnh đã cùng nhau quy tụ tại đền thánh Giê-ra-đo để cùng hiệp dâng thánh lễ. Thánh lễ được cử hành lúc 10h do Cha Linh Hướng Gio-an Lưu Ngọc Quỳnh chủ tế. Trong bài chia sẻ, Cha linh hướng mời gọi mọi người suy ngẫm về vai trò của Chúa Thánh Thần trong việc khai sinh và phát triển Hội Thánh, trong công cuộc Loan Báo Tin Mừng cứu độ cho muôn dân muôn nước. Để nhìn thấy được uy quyền và vai trò của Ngài mà đón nhận lấy chính Ngài là Thần Khí, là sức mạnh, là quyền năng vô biên của Thiên Chúa đến với từng người trong cộng đoàn.

  1. Niềm tin mơ hồ vào sự hoạt động của Ba Ngôi trong dòng lịch sử nhân loại

Trong dòng lịch sử nhân loại, chúng ta biết Thiên Chúa của chúng ta không phải là Thiên Chúa vô danh nhưng là một Thiên Chúa hữu danh, không phải là một Thiên Chúa trừu tượng chung chung nhưng có thực, có danh là Cha, Con và Thánh Thần. Thiên Chúa tìm mọi cách để tỏ lộ cho con người biết Ngài là Cha, là Giê-su , và là Thánh Linh. Tuy nhiên, trong lòng tin của người Ki-tô giáo, Thiên Chúa trong mỗi người xem ra vẫn mơ hồ, chung chung và không được đón nhận một cách cụ thể như Thánh Kinh đã giới thiệu và trình bày. Bằng chứng là rất nhiều người tín hữu có thể biết về Chúa Giê-su nhưng về Chúa Thánh Thần thì lại rất mơ hồ, rất mông lung. Có thể cầu nguyện với Chúa Giê-su nhưng lại rất ít khi cầu nguyện với Chúa Cha như chính Chúa Giê-su đã dạy. Có chăng chỉ đọc Kinh Lạy Cha theo thói quen tập quán chứ thật sự chưa có sự xác tín vào mối tình tâm giao với Chúa Cha như chính Chúa Giê-su đang mong đợi nơi mỗi người.

Tại sao vậy? Tại sao Chúa Giê-su nói rất rõ về hoạt động của Chúa Cha và Chúa Thánh Thần từ Cựu ước đến Tân ước nhưng người tín hữu xem ra vẫn mập mờ và chưa xác tín vào quyền năng của các Ngài. Niềm tin vào Chúa Thánh Thần rất mơ hồ, mông lung; trong khi đó Chúa Thánh Thần lại quá vĩ đại, quá mạnh mẽ. Ngài hoạt động quá mức trong dòng lịch sử nhân loại để chúng ta nhận biết đón nhận Ngài nhưng dường như việc đón nhận Ngài vẫn chưa xứng đáng với những gì Ngài đã tỏ lộ cho chúng ta. Chúng ta biết rằng, trong lịch sử cứu độ, Chúa Cha tỏ mình dưới nhiều hình thức khác nhau và trong Tân ước, Chúa Giê-su xuất hiện khá tỏ tường nhưng Thánh Thần dường như vẫn im lặng. Ngài là Đấng làm mọi sự nhưng không nói, không xuất hiện. Trong Cựu ước, Thánh Thần được biểu trưng qua các hình ảnh Lửa, Nước, Gió, Khí, Dấu ấn của Thiên Chúa, ngón tay của Thiên Chúa, bàn tay của Thiên Chúa. Rất nhiều những biểu tượng nói lên sự vô biên vô tận của Thần Khí. Ngài hoạt động để canh tân biến đổi và thực hiện quyền năng của Thiên Chúa trong chúng ta. Trong Tân ước, từ Mầu nhiệm Giáng Sinh Nhập Thể, rao giảng,… của Chúa Giê-su, Ngài hoạt động và bao phủ lấy Chúa Giê-su và trong Chúa Giê-su để làm mọi việc. Nhưng chúng ta vẫn không nhận ra và đón nhận Ngài. Bởi đó Chúa Giê-su đã chuẩn bị để giúp chúng ta đón nhận Ngài cách hiệu quả.

  1. Chúa Thánh Thần khai sinh Hội Thánh

Sự hiện diện của Ngài được công khai trong ngày lễ Ngũ tuần. Chúa Giê-su muốn tất cả các môn đệ không được từ chối ân ban mà Chúa Cha trao ban là Thánh Thần. Vì nhờ có Thánh Thần, Hội Thánh mới được khai sinh, mới thực thi được sứ vụ Loan Báo Tin Mừng. Chúa Thánh Thần có hàng trăm danh xưng khác nhau và mỗi danh xưng sẽ diển tả một năng lực phi thường của Ngài, mỗi danh xưng diễn tả một khía cạnh trong cái vĩ đại và mênh mông của Ngài. Nhờ được đón nhận Thần Khí Thánh, các Tông đồ được ơn biến đổi.

 

  1. Hoạt động của Chúa Thánh Thần trong Giáo Hội

Trong ngày lễ ngũ tuần, các môn đệ tề tựu và Thánh Thần ngự xuống trên các ông qua hình Lưỡi Lửa và lập tức các ông được biến đổi. Chúa Thánh Thần đã biến đổi các tông đồ từ tình trạng nhút nhát sợ hãi trở nên can đảm công khai làm chứng cho Chúa trước mặt đám đông, từ tình trạng kém cỏi không hiểu biết Lời Chúa được trở nên khôn ngoan sáng suốt và thấu hiểu mọi điều Chúa đã dạy, từ tình trạng buồn chán thất vọng muốn thúi lui được trở nên nhiệt thành và yêu mến Chúa, tràn đầy niềm vui và hi vọng. Khởi đầu Hội Thánh, Thánh Thần đã mở trí mở lòng cho người nghe đón nhận được Lời Thiên Chúa. Như vậy, sự vâng phục của các tông đồ đã minh chứng cho chúng ta thấy Thánh Thần là Đấng khai sinh ra Hội Thánh, Thánh Thần là Đấng làm cho các tông đồ rao giảng và làm cho mọi người đón nhận Tin Mừng cứu độ. Suốt thời kì khởi đầu của Giáo Hội tiên khởi, tất cả các tông đồ được đặt mình dưới sự hướng dẫn của Chúa Thánh Thần và Chúa Thánh Thần luôn luôn chỉ dẫn dạy bảo các ông phải làm gì. Qua đó, Thánh Thần đã thực hiện bao điềm thiêng dấu lạ. Từ 12 môn đệ nhỏ bé đã làm nên một Giáo Hội vững mạnh dám đối dầu với Do Thái Giáo, với các đế chế La Mã. Quyền lực của Chúa Thánh Thần là vô biên vô tận, mạnh mẽ khôn lường khiến cho các tông đồ sẵn sàng chết vì đạo, sẵn sàng hi sinh để thực hiện lệnh truyền của Thiên Chúa. Tiếp nối truyền thống của các tông đồ và các thánh giáo phụ, Hội Thánh luôn luôn đón nhận lấy Chúa Thánh Thần trong các công đồng, các nghị quyết: “Chúng tôi và Thánh Thần quyết định…” Thánh Thần hoạt động liên tục trong Hội Thánh để thúc đẩy Hội Thánh thực hiện lệnh truyền của Chúa Giê-su: Đi khắp muôn nơi muôn nước rao giảng Tin Mừng và làm cho muôn dân trở thành môn đệ của Thầy. Thánh Thần là tác nhân chính yếu trong sứ mạng loan báo Tin Mừng nước Thiên Chúa. Ngay cả Chúa Giê-su cũng đặt mình dưới sự hướng dẫn của Chúa Thánh Thần để thực hiện nhiệm vụ rao giảng, đem Tin Mừng cứu độ cho muôn dân muôn nước. Ngay trong thời Cựu ước, chính Thần Khí đã linh hứng để giúp các tác giả viết nên những điều Thiên Chúa muốn trong Cựu ước, và để chuẩn bị cho Tân ước, chính Ngài cũng hoạt động và linh hứng trong các Thánh sử để ra đời cuốn Kinh Thánh cho chúng ta. Như vậy, Thánh Thần là linh hồn của sứ mạng loan báo Tin Mừng, là chủ nhân của công cuộc phúc âm hóa. Khi Tin Mừng được đến với Việt Nam nhờ các nhà thừa sai, hạt giống đức tin mới bắt đầu được triển nở nhờ sự hi sinh dám sống dám chết để làm chứng cho Chúa. Tuy nhiên nhìn lại Lịch sử Giáo Hội Việt Nam từ năm 45 đến nay, tỉ lệ người theo đạo vẫn không vượt ngưỡng 7%. Trong khi đó Giáo Hội Hàn Quốc từ năm 45 đến nay đã phát triển từ 7% đến 15%. Các Giáo Hội đang phát triển mạnh mẽ con Giáo Hội Việt Nam xem ra rất đạo đức hoành tráng nhưng là một Giáo Hội già nua không sinh con.  Thánh Thần đang bị tắc nghẽn, Thánh Thần không thẻ hoạt động trong Giáo Hội của chúng ta. Dướng như, cách dạy gáo lí, cách trình bày về Chúa Thánh Thần có điều gì đó không ổn. Cho nên từ hàng giám mục, linh mục, tu sĩ đến giáo dân thường xem việc sống đạo là cốt lõi còn việc truyền đạo không phải là của mình. Có vẻ như Thần Khí đang ở ngoài luồng và chưa thể đến được với từng người, từng gia đình, từng cộng đoàn đức tin.

Cộng đoàn Vinh – Hà Tĩnh cũng là một cộng đoàn được Thần khí sinh ra nơi mảnh đất Hà Nội. Chúng ta phải cố gắng thoát ra khỏi não trạng già nua đó, đừng sống đạo giữ đạo theo kiểu không có Thần Khí mà hãy xin và đón lấy Thần Khí để trăn trở, để ôm ấp, để thực hiện lệnh truyền mà Chuá Giê-su trao lại cho từng người chúng ta. Qua dòng thời gian 11 năm, cộng đoàn chúng ta đã có những hoạt động rất tốt để diến tả mầu nhiệm Thần Khí nơi cộng đoàn là mạnh mẽ, là can trường, là nhiệt thành dấn thân, là sẵn sàng làm chứng cho công lí hòa bình,… Đó chính là sức mạnh của Thánh Thần ở trong cộng đoàn chúng ta. Và cộng đoàn chúng ta cũng đã tìm mọi các để nối kết để quy tụ tất cả thành viên vào trong Hội Thánh là cộng đoàn của mình. Cộng đoàn cũng đã thực hiện những kế hoạch để đến với anh chị em để thực thi lệnh truyền của Thiên Chúa nhưng mấu chốt của vấn đề đó là loan báo tin mừng bằng mọi cách để cho Tin Mừng của Chúa không bị cầm tù không bị giam hãm vẫn chưa phát triển cách mạnh mẽ, xứng tầm trong cộng đoàn chúng ta. Cho nên hôm nay, trong ngày lễ Ngũ tuần, Cha linh Hướng tha thiết mời gọi mỗi người trong cộng đoàn hãy thử một lần tha thiết khao khát đón nhận lấy Thánh Thần để Ngài biến đổi, Ngài canh tân đổi mới não trạng, cách suy nghĩ, cách sống đạo của chúng ta để Ngài làm cho chúng ta trở nên những tông đồ đích thực của Chúa Giê-su giữa lòng thế giới, Ngài làm cho chúng ta trở nên mạnh mẽ can trường hơn và thực thi sứ mạng mà Chúa Giê-su đã chết và sống lại để ủy thác cho mỗi người chúng ta.

Xin Thần Khí của Thiên Chúa tha thứ cho sự bất hiếu bất trung của chúng con và ngự xuống trên chúng con để làm mới lại lòng tin cho chúng con, ban thêm sức mạnh để chúng con bước ra khỏi con người cũ, can đảm thực hiện lệnh truyền “được sai đi”- tiếp nối sứ mạng của các tông đồ thuở xưa. Amen!

Maria Thanh Tâm

TT Svconggiao.net

Bình luận