“Lười học” – Là sinh viên, phần lớn đều đã chính mình tự nói ra câu ấy. Nghĩa là chúng ta biết ngay từ đầu.
Có rất nhiều nguyên nhân khách quan khiến sinh viên lười học. Chương trình giáo dục đại học cồng kềnh, nặng về lý thuyết, các giờ học trên lớp quá dài và nhàm chán, thời gian tự học, tự nghiên cứu của sinh viên rất ít, khâu kiểm tra, quản lý ở bậc đại học vô cùng lỏng lẻo. Ngoài ra, các lý do khác cũng được đưa ra để biện minh, đó là có nhiều hoạt động ngoại khóa bên lề, bận rộn với công việc làm thêm, thời gian quá hạn hẹp… Đối với sinh viên công giáo, còn có thêm lí do là “sinh hoạt cộng đoàn”.
Nhưng ở cái tuổi còn đến lớp đến trường, có điều gì quan trọng hơn việc học. Bởi vậy nói gì đi nữa, thì nguyên nhân chính của bệnh lười xuất phát từ lý do chủ quan ở chính là ở bản thân sinh viên. Nhiều bạn coi đại học là bến đỗ xả hơi, điểm nghỉ ngơi sau 12 năm phổ thông miệt mài cố gắng để thi đỗ đại học. Nhiều học sinh đỗ vào trường đại học với điểm số khá cao, nhưng sau một thời gian học đại học lại tụt dốc bởi sự chủ quan và lơ là trong học tập.
Trong thực tế, một bộ phận không nhỏ sinh viên chỉ học đối phó, sức học có thể rất tốt nhưng không nỗ lực, tập trung vào học tập, coi chuyện học lại, thi lại là điều bình thường, thậm chí là tất yếu của sinh viên. Với tư tưởng như vậy, sinh viên lười tư duy, lười tìm tòi, nghiên cứu tài liệu, thụ động trong học tập, trong việc tiếp nhận những kiến thức mà thầy cô truyển tải, dẫn tới cạn kiệt dần sức sáng tạo. Có thể tóm gọn lại với một số lí do căn bản dẫn đến việc lười học:
Lệ thuộc vào cảm xúc và hứng thú của bản thân
Một sinh viên từng kể lại tâm sự của mình: “Thông thường, cứ mỗi lần chuẩn bị ngồi vào bàn học là mình lại cảm thấy…đói bụng. Đó là cái cớ để ngay lập tức bật dậy đi tìm cái gì đó để ăn. Tuy nhiên sau khi ăn thì lại cảm thấy muốn…ngủ mặc dù trong lòng cũng cảm thấy hơi “tội lỗi”. Nằm không thì phí thời gian quá nên bật tivi lên xem hay với lấy cuốn báo để đọc cho có kiến thức… Cứ việc cỏn con này nối tiếp việc be bé kia mà nhiệm vụ chính thì vẫn còn nằm “chình ình” ra đó.
Trường hợp này không phải là hiếm. Chúng ta luôn tìm cách để có được những cảm giác dễ chịu tức thời, trong khi hậu quả lâu dài thì còn xa nên để tính sau.
Bài đọc thêm: Mách bạn 13 cách tự học hiệu quả nhất
Ý chí ít được mài giũa
Khi gặp bài toán khó, bạn thường hay quyết tâm giải bằng được hay tự nhủ: “Thôi kệ, để mai lên lớp, thầy giải luôn cho khỏe”?
Bài vở còn vài trang sẽ cố để “xử lý” nốt hay ngồi nghỉ tí rồi ngáp ngắn ngáp dài: “Thôi để sáng mai dậy sớm rồi học”. Và sáng hôm sau đồng hồ báo thức reng lên, phản xạ tự nhiên là với tay tắt và tự cho mình được quyền ngủ nướng một tí trước khi thức dậy. Dần dà, những lần phản ứng theo kiểu dây dưa như thế sẽ tạo nên một lối mòn và thói quen chây lười. Và dần dà là buông xuôi, tới đâu thì tới.
Không có động lực hành động
Theo cuộc khảo sát về hứng thú học tập trong những năm gần đây, gần 75% học sinh và sinh viên cho rằng học hành thì chẳng mấy thú vị. Thậm chí những “ưu tư” của tuổi chuẩn bị bước vào đời còn được công khai trên các trang mạng xã hội: “Sáng sớm mở mắt đã thấy chữ “chán” treo lơ lửng trên đầu. Ngồi vào bàn chưa đầy 15 phút là đã muốn bật dậy đi đâu đó.
Sinh viên lên giảng đường chỉ mong thầy cô “có việc” tới muộn chút. Ngồi chờ thầy cô thì đứa gục mặt bàn, đứa ngồi ngáp ngẩn ngơ. Ấy thế mà được thông báo cho nghỉ luôn tiết ấy thì ngay lập tức khí thế trào dâng, lớp vui như hội.
Không có kế hoạch rõ ràng
Có bao giờ chúng ta thấy ngập đầu bởi có quá nhiều việc để làm nên chẳng biết phải làm cái nào trước? Giống như không muốn đi vì không biết đường. Thiếu kế hoạch, thiếu sắp xếp sẽ làm cho đầu óc trở nên ngập chìm trong một mớ hỗn độn mà sắp xếp lại là cả một vấn đề và điều duy nhất chúng ta hay nghĩ đến là ” thôi kệ, để Chúa lo “.
Trợ giúp của mạng xã hội
Một lí do khách quan nữa là sự “bùng nổ” của Internet đã dấy lên một sự thay đổi khó kiểm soát.
Bên cạnh đó là một trong những phương tiện học và tìm hiểu hữu hiệu thì cũng không ít trong chúng ta đang “lạm dụng” nó như một món quà, mà thế hệ trước đã bị “thiệt thòi” vì chưa được biết đến. Thay vì phải suy nghĩ, phải đi hỏi bạn bè thầy cô, phải lên thư viện lục tung đống sách, phải đi photo hay chép lại để nhớ cho kịp thì nay không cần nữa. Vì nay tất cả đã có hết trên mạng xã hội. Một cái kích chuột, chúng ta có Google và mọi thứ cần tìm trở nên quá đơn giản.
Sức khỏe kém
Sức khỏe rất quan trọng đối với việc học vì luôn phải cần suy nghĩ. Chỉ cần có cảm giác không thoải mái sẽ thấy uể oải ngay. Chưa nói đến việc bị suy nhược sẽ làm cho kế hoạch bị chững lại, đứt đoạn, thậm chí là sẽ bị bỏ lỡ cả những kì thi quan trọng. Và sau một trận ốm dậy, đầu óc chúng ta dễ có cảm giác “rỗng tuếch”, lại phải chạy đua với việc chép bài, học bài, ôn bài cho kịp với bạn bè. Sẽ ảnh hưởng rất nhiều đến tinh thần học tập. Bởi vậy kể cả trong thời gian thi cử bận rộn thì cũng hãy chú ý đảm bảo thời gian nghỉ ngơi và ăn uống điều độ. Một điều đáng buồn hơn là sinh viên công giáo cũng nằm trong tỷ lệ mắc “bệnh” này khá cao.
Hãy tự tìm cho mình “một lối đi” ngay từ khi đang học
Đừng đổ lỗi cho những kiến thức dài, áp đặt của một nền giáo dục nặng tính giáo điều đã làm cho bạn trở nên lười học. Bạn thấy chán ngán vậy bạn hãy thay đổi?
Có thể bạn không đi làm thêm mà học tốt và ra trường xin được một công việc ổn định, sớm tự lập được cuộc sống của mình sẽ tốt hơn rất nhiều khi bạn bỏ bê thời gian học lúc đang trên ghế nhà trường để làm thêm kiếm thật nhiều tiền lúc ấy, để rồi sau khi ra trường, bạn lại là một người phải “vất vưởng”, thậm chí là thất nghiệp.
Thay vì ngồi đó đổ lỗi cho nhà trường không dạy những kiến thức bạn cần, bạn nên chủ động ra ngoài tìm học những cái bạn thiếu. Thời đại công nghệ và dịch vụ phát triển, bạn có nhiều cách để tự phát triển kỹ năng chứ không phải chỉ dựa vào thầy cô và trường lớp.
Đừng đổ lỗi cơ chế gò bó khiến bạn lười không muốn nghĩ, bởi cái chính là bạn tự quyết định bạn nghĩ cái gì. Chúng ta không chọn được vùng đất nơi chúng ta sinh ra, nhưng chúng ta chọn được vùng đất mà chúng ta muốn đến.
Lười học là một căn bệnh nguy hiểm đối với sinh viên trước ngưỡng cửa cuộc đời. Nó biến cuộc sống của chúng ta trở thành sự tồn tại nhàm chán cho bản thân, lười học cũng sẽ tạo nên thói quen xấu cho việc lười làm việc và nhiều người lười biếng sẽ là một gánh nặng cho xã hội, gánh nặng cho chính tương lai của chúng ta.
Có một thầy dạy tư duy phản biện ở một trường đại học. Buổi đầu tiên giới thiệu về môn học, thầy cầm viên phấn trên tay và hỏi sinh viên nhìn thấy cái gì? Câu trả lời nhanh nhất và đồng loạt từ các em là viên phấn. Thầy khuyến khích cả lớp nhìn tiếp, sau một lúc, một số em trả lời ngập ngừng rằng các em nhìn thấy đó là một “vũ khí”, một món quà tặng, là vật chứng để xét nghiệm dấu vân tay,… Thầy gật đầu, bởi cái mà ai cũng thấy viên phấn là điều quá hiển nhiên và thầy không cần đến sinh viên học tư duy phản biện trả lời câu hỏi đó. Để phát triển tư duy, các em hãy tập nhìn những điều chưa ai nhìn thấy, và rất có thể đó sẽ là những suy nghĩ đầu tiên nền móng cho những phát minh, sáng tạo mới.
Chúc các bạn sinh viên học tập tốt và thực hiện thành công những “mục tiêu” của riêng mình bằng nội lực bản thân thay vì chờ một “phép lạ” nào đó. Chúng ta là những người trẻ, có thể không có đủ kiến thức để biết về tất cả mọi điều. Nhưng chúng ta hoàn toàn có thể quyết định tương lai của mình, tự tạo động lực để suy nghĩ và hành động, bắt đầu từ việc chăm chỉ học tập và tìm hiểu.
Thiên Thần Buồn