NGÀY SA-BÁT MỚI: Trong không khí rộn ràng, tất bật của những ngày tháng Chạp báo hiệu những ngày Tết đã gần kề cũng là thời điểm các bạn sinh viên kết thúc một học kì với những bài thi kết thúc môn, các bạn Sinh viên Hưng Hóa vẫn không quên tề tựu về nơi đền thánh Giê-ra-đô để tham dự Thánh lễ thường kỳ của cộng đoàn vào mỗi thứ 3 lúc 19h00′. Trong Thánh lễ, cha đặc trách Gioan đã chia sẻ với các bạn sinh viên với chủ đề: “Ngày Sa-bát mới”.
Chúa Giê-su đối với ngày Sa-bát
Khi nhìn lại những cuộc chất vấn giới lãnh đạo Do Thái dành cho Chúa Giê-su, đó là những thời điểm Chúa Giê-su chọn để thực hiện những dấu lạ, những điềm thiêng và thời điểm đó lại đúng vào ngày Sa-bát. Đối với dân Do Thái thời Cựu Ước, ngày Sa-bát là ngày nghỉ ngơi, không được làm gì cả. Và Chúa Giê-su là người Do Thái, Ngài hiểu rõ ý nghĩa của ngày Sa-bát chính vì vậy mà Ngài chọn lựa, Ngài làm những phép lạ vào đúng ngày Sa-bát. Điều đó khiến cho giới lãnh đạo Do Thái tức tối, bực bội, khó chịu nhưng Chúa Giê-su làm có ý nghĩa riêng của Ngài vì Ngài muốn nói rõ cho người ta biết rõ ngày Sa-bát đó được Thiên Chúa tạo dựng để cho con người được nghỉ ngơi, được thư giãn chứ không phải để làm nên Lề Luật trói buộc con người. Ngài khẳng định chính Ngài không những làm chủ của Lề Luật mà còn làm chủ luôn của cả ngày Sa-bát, chính Ngài làm chủ của mọi Lề Luật khác và Ngài có toàn quyền trên hết mọi luật lệ. Chúa Giê-su khẳng định vị trí của mình để Ngài chuẩn bị cho nhân loại bước sang một ngày mới, rời bỏ ngày Sa-bát để bước sang ngày Chúa Nhật – Ngày Chúa Phục Sinh để Chúa muốn nói cho nhân loại biết chính Chúa đã thực hiện một cuộc tạo thành mới.
Đón nhận ngày Sa-bát mới
Ngày Chúa Nhật mới chính là ngày mà Chúa hướng đến, ngày của Chúa, ngày mà tất cả mọi người phải nghỉ ngơi để thờ phượng Thiên Chúa, ngày mà tất cả mọi người biết gác bỏ mọi sự để đến thờ phượng Thiên Chúa vì Thiên Chúa là chủ tể của ngày đó. Cho nên không gọi là ngày Sa-bát nữa mà gọi là ngày Chúa Nhật – ngày của Chúa. Sự chuyển đổi từ ngày Sa-bát thời Cựu Ước chuyển sang ngày Chúa Nhật của thời Tân Ước và Chúa Giê-su chủ đích làm để chúng ta nhớ một giao ước cũ đã trôi qua và mở ra một giao ước mới và chúng ta đang sống trong thời đại của giao ước mới chứ không phải thời của giao ước cũ nữa. Cái cũ đã qua và cái mới xuất hiện, cái cũ chẳng còn có ý nghĩa gì nữa. Tuy nhiên, các giáo phái và một số trá hình là đạo Tin Lành thì sự trói buộc của con người vào ngày Sa-bát, họ không chấp nhận, lúc đầu họ nói tin vào Chúa Giê-su nhưng dần dần họ bỏ Chúa Giê-su và quay trở lại giữ tất cả lề luật của Cựu Ước. Thực ra, đó là một thể loại Do Thái giáo biến thể chứ không phải đạo Tin Lành. Những tôn giáo nào muốn đưa người ta trở lại thời Cựu Ước, muốn không ăn thịt, muốn phải rửa tay, muốn phải giữ ngày Sa-bát thì những người đó là những người của Cựu Ước, những người của Do Thái chứ không phải thời đại của người của Tân Ước, thời đại mà Chúa Giê-su muốn khai mở, thiết lập và trao ban cho chúng ta. Cho nên, chúng ta cần ý thức được ba điều sau đây để chúng ta đón nhận:
Thứ nhất: ngày Sa-bát là ngày đại diện, ngày cuối cùng nghỉ ngơi của thời Cựu Ước, ngày đó được Chúa thiết lập để con người được nghỉ ngơi thư giãn.
Thứ hai: Chúa Giê-su đến là để chuyển đổi ngày Sa-bát sang ngày Phục Sinh – ngày của Chúa để khai mạc một triều đại mới, một thời kỳ mới để chúng ta sống trong một thời kỳ mới.
Thứ ba: Chúa Giê-su cho chúng ta thấy Ngài là chủ thể tất cả, Ngài có quyền trên tất cả, Ngài có quyền trên tất cả lề luật, Ngài có quyền thay đổi, hủy bỏ và kiện toàn tất cả lề luật. Và Ngài khẳng định: Ta đến để kiện toàn lề luật.
- Đọc thêm: Bí cấp truyền giáo
Sự khác nhau giữa ngày Sa-bát “cũ” và ngày Sa-bát “mới”
Những gì mà từ thời Cựu Ước dọn đường, những gì mà từ thời dân man di vẫn chưa hiểu được thì thích ứng để cho họ được tồn tại trong giai đoạn đó. Chẳng hạn trong thời kỳ đó, luật là mắt đền mắt, răng đền răng, 10 Điều Răn là rất vĩ đại. Nhưng đến thời Tân Ước thì những cái đó phải bị bỏ qua, không thể nào là mắt đền mắt, răng đền răng nữa nhưng là tát má bên trái phải giơ má bên phải. Thời Tân Ước thay thế, luật Mười Điều Răn được thay thế bằng luật yêu thương, bằng 8 Mối Phúc Thật của Tân Ước. Nhưng rất tiếc nhiều người trong chúng ta hôm nay vẫn sống như thời Cựu Ước, vẫn xét mình như thời Cựu Ước mà không xét theo Tân Ước vì chẳng thấy ai xét mình theo 8 Mối Phúc Thật cả. Thời Tân Ước của chúng ta, những luật lệ đó đã qua và Chúa cho chúng ta không phải giữ luật theo kiểu vũ luật của người Do Thái nữa nhưng vì tình yêu vì lòng yêu mến. Thời của Cựu Ước là thời của lề luật và thời của Tân Ước là thời của ân sủng, của tình yêu, của hi vong. Chúng ta đang sống trong thời Tân Ước cho nên chúng ta canh chừng não trạng của Cựu Ước mà một số giáo phái đang dùng tìm cách thâm nhập và tìm cách đưa chúng ta trở lại vòng xoáy của người Do Thái và Chúa Giê-su đến để giải thoát chúng ta khỏi lề luật của Cựu Ước, khỏi nô lệ cho lề luật đó để trao ban cho chúng ta một luật mới là luật của tình thương. Chúng ta đến với Chúa không phải vì sợ luật nhưng đến với Chúa vì lòng yêu mến. Chúng ta đến đây để dâng lễ không phải để không bị trách cứ nhưng đến là để tỏ lòng con thảo, lòng biết ơn đối với Thiên Chúa của chúng ta. Và khi chúng ta sống tinh thần của Tân Ước thì cuộc đời chúng ta thay đổi, đời sống đạo của chúng ta thay đổi. Và bao lâu chúng ta đang câu lệ bởi luật của Cựu Ước, vì bổn phận, trách nhiệm vì lề luật đòi buộc là bấy lâu chúng ta đang ở trong tình trạng của Cựu Ước, chưa vươn tới được tình trạng của Tân Ước.
Chúng ta cùng dâng lời cầu nguyện:
Xin Chúa Giê-su cho chúng ta ý thức được điều đó để chúng ta quyết tâm vượt thắng những gì của Cựu Ước đã phải bỏ qua để đạt tới Tân Ước. Trước đây là mắt đền mắt, răng đền răng nhưng giờ Chúa dạy phải yêu thương cả kẻ thù, phải làm ơn và cầu nguyện cho họ. Tân Ước đã khác hẳn. Để đạt được điều đó, chúng ta phải:
- Ý thức não trạng Cựu Ước sẽ theo đuổi chúng ta rất mạnh.
- Luôn luôn đặt vấn đề mình đang sống đạo theo tinh thần Cựu Ước hay Tân Ước, nếu là Cựu Ước thì cần can đảm vượt qua còn sống theo tinh thần Tân Ước thì luôn luôn sống tâm tình tạ ơn đối với Thiên Chúa.
- Luôn luôn cầu nguyện cho chính chúng ta được sống theo tinh thần của Tân Ước đừng để con thụt lùi vào trong tinh thần của Cựu Ước kẻo con lại trở thành những kẻ nô lệ lề luật chứ không phải người con của ân sủng mà Thiên Chúa ban tặng cho chúng ta.
Tê-rê-sa Nguyễn Ngọc Duyên
Truyền thông Sinh viên Công Giáo