-
Vào giờ nào?
Theo Mt 27,45-50; Mc 15,34-37, Lc 23,44-46, Chúa Giêsu chết vào giờ thứ 9. Quy chiếu vào thời chúng ta, “giờ thứ 9” chính là “15h00”.
-
Vào ngày nào trong tuần?
Ga 18,28-29a cho biết người Do Thái điệu Đức Giêsu đến dinh Philato vào sáng sớm nhưng không vào sân vì sợ bị nhiễm uế, không thể ăn lễ Vượt Qua được nên Philato phải ra ngoài gặp họ. Họ sợ là vì lễ Vượt Qua sẽ là ngày hôm sau.
Ga 19,31 còn cho biết lúc Chúa Giêsu chết thì chuẩn bị chuyển sang ngày Sabat, mà ngày Sabat đó lại là ngày lễ lớn.
Mt 27,62; Mc 15,42; Lc 23,54; Ga 19,42 cho biết Chúa Giêsu chịu chết vào ngày trước ngày Sabat, mà ngay sau đó là “ngày thứ nhất trong tuần” (x.Mt 28,1; Mc 16,2; Lc 24,1; Ga 20,1). Như thế ngày chịu chết chỉ có thể là ngày thứ sáu.
Các Tin Mừng không thống nhất với nhau vào ngày Chúa Giêsu ăn lễ vượt qua là thứ năm (Mt, Mc, Lc) hay thứ sáu (Ga). Bỏ qua lời giải thích mang tính thần học, ta có thể đoán rằng Chúa Giêsu bị bắt vào tối thứ 5 (vốn theo lịch Do Thái là đã sang thứ 6). Cuộc Thương Khó diễn ra từ lúc đó cho đến khi Ngài bị đóng đinh vào chiều hôm sau (chiều thứ 6).
Bài đọc thêm: Thăm phòng tiệc ly của Đức Giê-su
-
Vào năm nào?
Chúa Giêsu bị điệu đến trước mặt Thượng Tế Caipha trong cuộc Thương Khó (Mt 26,3-4; Ga 11,49-53). Theo sử liệu (ngoài Kinh Thánh), ông này làm Thượng Tế từ năm 18-36 AD. Như thế, Chúa Giêsu chịu chết trong khoảng thời gian này.
Chính Philato là người ra lệnh giết Chúa Giêsu (Mt 27,24-26; Mc 15,15; Lc 23,24; Ga 19,15-16). Cũng theo nguồn sử liệu ngoài Kinh Thánh, thời gian ông này làm Tổng Trấn là từ năm 26-36 AD. Tổng hợp hai dữ liệu này, chúng ta giới hạn lại khoảng thời gian Chúa Giêsu có thể chịu chết là trong khoảng thời gian từ năm 26-36 AD
Ngoài ra, Lc 3,1-2 cho chúng ta biết một sử liệu là “năm thứ 15 triều hoàng đế Tiberia… có lời Thiên Chúa phán cùng con ông Dacaria là ông Gioan trong sa mạc…”. Năm này là năm 29 AD. Chúa Giêsu hoạt động công khai sau Gioan Tẩy Giả một khoảng thời gian.
Từ ba dữ liệu này ta có thể đoán thời gian hoạt động của Chúa Giêsu có thể là từ năm 29 – 36 AD.
Cho đến bây giờ, chúng ta đã giới hạn được khoảng thời gian chịu chết của Chúa Giêsu: 15h00, thứ 6, vào khoảng từ năm 29-36 AD.
Từ năm 29 đến năm 36 AD, người ta đếm được có những ngày sau là ngày chuẩn bị cho ngày lễ Vượt Qua:
- Thứ 2, ngày 18.4.29
- Thứ 6, ngày 7.4.30
- Thứ 3, ngày 27.3.31
- Thứ 2, ngày 14.4.32
- Thứ 6, ngày 3.4.33
- Thứ 4, ngày 24.3.34
- Thứ 3, ngày 12.4.35
- Thứ 7, ngày 31.3.36
Trong những ngày này, có hai ngày là ngày thứ 6. Như thế, ngày Chúa Giêsu chịu chết là một trong hai ngày này.
Chúa Giêsu qua đời vào năm 30 hay năm 33?
Ở trên, ta biết là Chúa Giêsu khởi đầu sứ vụ công khai sau Gioan Tẩy Giả một chút mà Gioan Tẩy Giả hoạt động vào năm 29. Nếu Chúa Giêsu chịu chết vào năm 30 thì có nghĩa là Ngài chỉ hoạt động trên dưới 1 năm. Còn nếu là năm 33 thì khoảng 3 năm. Cái nào hợp lý hơn?
Tin Mừng Gioan thuật lại 3 lần Chúa Giêsu ăn lễ Vượt Qua: Ga 2,13 (lúc khởi đầu sứ vụ), Ga 6,4 (giữa thời gian sứ vụ), và Ga 11,55 (khi chuẩn bị kết thúc sứ vụ).
Thật khó để nghĩ rằng Ngài ăn lễ 3 lễ Vượt Qua mà chỉ trong vỏn vẹn chưa tới 1 năm. Như thế, khả thể năm 33 có phần hợp lý hơn.
Nói tóm lại, Chúa Giêsu đã chịu chết vào 15h00, thứ 6, ngày 3 tháng 4 năm 33!
Bài đọc thêm: Thư gửi Giuđa itcarriốt
Theo:https://www.aciprensa.com/noticias/cuando-murio-jesus-7-pistas-nos-indican-la-fecha-exacta?
Pr. Lê Hoàng Nam, SJ