IV.Từ TK XI – XII
Bối cảnh lịch sử
Chúng ta thấy rằng các vị Giáo hoàng và các bậc đế vương đã ban cho các đan viện quá nhiều đặc ân khiến cho nên đời sống các đan sĩ bắt đầu xuống dốc. Đời sống của họ quá tự do, dễ dãi trong khi đó quyền lực thì lên cao. Bởi vậy những người đến với các đan viện không phải để được chiêm ngưỡng những hoa trái của Tin Mừng như trước đây nhưng họ đến đây cốt để can thiệp vào trong đời sống của đan viện.
Đời sống thánh hiến
Trong bối cảnh lịch sử như vậy, trong các đan viện đã nảy sinh ra nhiều điều tranh cãi gay gắt. Một số đan sĩ Molesme đan viện Cluny Biền Đức đã tách ra và tìm đến các vùng đầm lầy, cây cối um tùm, thanh vắng (Cistels – Xito) để khai sinh ra các đan viện khác và lấy tên gọi vùng này là Cistels – Xito. Tinh thần của các đan sĩ Xito là trở về với bản luật nguyên thủy của Thánh Biển Đức với tôn chỉ là tìm Chúa và Thánh ý Chúa. Nhưng cách giải thích và áp dụng luật Thánh Biển Đức quá rộng nay được bác bỏ. Đường hướng thực hành đó là cầu nguyện và làm việc.
Cũng trong giai đoạn này, có một hình thức khác của đời sống thánh hiến đó là Cộng Đoàn các kinh sĩ dòng cố gắng tìm cha những phương thế mới để canh tân đời sống Tin Mừng. Hình thức này lấy lại tinh thần kinh sĩ của Thánh Augustino, nghĩa là một cộng đoàn gồm Linh mục quy tụ và Giám mục của mình. Cộng đoàn các kinh sĩ dòng chủ yếu lấy cảm hứng luật của Thánh Augustino và một số điểm lấy từ Dòng Xitô. Nét đặc biệt của hình thức tu trì này là cử hành Kinh Thần Vụ tại các ngai tòa ngày cũng như đêm, lao động chân tay và trí óc, thinh lặng, sống gần như các đan tu, nhưng vẫn làm việc mục vụ, nhất là giảng dạy.
V. TK XIII – XIV
Bối cảnh lịch sử
Đây là thời kỳ mà xã hội và tôn giáo có nhiều biến đổi phức tạp. Lối sống đô thị được hình thành với những phô trương, xa hoa, hưởng thụ. Sự phân biệt giàu nghèo ngày càng trở nên rõ rệt. Một bên là cảnh phồn vinh của thành thị, bên kia là cảnh bần cùng nghèo khổ của nông thôn. Sự phân biệt đối xử giữa đô thị và nông thôn đã xuất hiện.
Ngay trong đời sống của Giáo hội bây giờ cũng có nhiều ung nhọt nhức nhối. Đời sống của các giáo sĩ, tu sĩ sa sút về nhiều mặt. Người tu sống phong kiến xa hoa, bè phái, phóng túng, sa đọa quá nhiều. Một số các Linh mục và thầy tu có đời sống trưởng giả giàu sang, đồng thời các Giám mục đóng vai trò như các ông hoàng cai trị các vùng. Vì vậy, Giáo hội cần phải trở về với nguồn cội Tin Mừng, cần phải có một cuộc cải tổ đời sống tu trì, nhất là đức khó nghèo. Cần có một cuộc canh tân đời sống các Linh mục và các tín hữu, để loan báo Tin Mừng và đón nhận các Bí tích.
Đời sống thánh hiến
Kinh nghiệm của Hội Thánh cho thấy Chúa Thánh Thần luôn hoạt động trong Hội Thánh và dẫn dắt Hội Thánh qua những chặng đường khác nhau. Trong bối cảnh Giáo hội bị chao đảo như vậy, đời tu bị xuống cấp như thế, Chúa Thánh Thần đã khơi dậy trong lòng Hội Thánh những đoàn sủng lạ lùng với những khuôn mặt đặc biệt trong đời sống thánh hiến trong giai đoạn này. Đặc biệt phải kể đến là Thánh Đaminh và Phanxicô.
- Thánh Đaminh (1170 – 1221): Thánh nhân dùng lý trí để rao giảng Tin Mừng. Phương châm của Ngài là trao cho người khác những gì mình đã chiêm niệm. Ngài đã thiết lập nên một dòng tu thiết giáo với sứ mạng loan báo Tin Mừng và giảng dạy những gì đã được chiêm niệm, được nghiên cứu một cách nghiêm túc. Khác với lối sống đan tu, dòng Đa Minh coi trọng việc nghiên cứu các chân lý Thánh thay thế việc đọc lời Chúa Lectio Divina và việc lao động chân Sự tĩnh lặng nơi các cư xá chỉ nhắm tới mục đích là tạo nên những bầu khí nghiêm túc cho việc nghiên cứu. Đời sống của dòng Đa Minh có thể được ví như “chiếc bàn 4 chân”. Trong đó mặt bàn là sứ vụ loan báo Tin Mừng, còn bốn chân kia là đời sống cộng đoàn, kỷ luật tu trì, cầu nguyện, học hỏi nghiên cứu.
- Thánh Phanxicô (1182 – 1226): Thánh nhân được Chúa sai đến để sửa chữa ngôi nhà của Giáo hội. Độc lập với lối sống sa đọa đang làm lu mờ giá trị Tin Mừng trong Giáo hội, Thánh Phanxicô tổ chức một hình thức sống cộng đoàn với những khất sĩ không có tài sản, không có lợi tức cố định nhưng sống tình huynh đệ gắn bó với nhau trong tinh thần nghèo khó để làm nên lời loan báo Tin Mừng của họ.
VI. Thế kỷ XVI
Bối cảnh lịch sử
Từ năm 1532, đây là giai đoạn cải cách của anh em Tin Lành. Trong giai đoạn này, thể chế nông nghiệp bị thay bằng thể chế tài chính. Thương mại phát triển kéo theo sự mở rộng của các thành phố, thương gia và giới ngân hàng tự cảm thấy mình đang sống trong tình trạng tội lỗi nên họ muốn đền tội bằng cách lấy tiền bỏ vào trong Giáo hội. Và Giáo hội từ đó có sự mại Thánh nghĩa là buôn thần bán Thánh. Đứng trước tình trạng đó, Luther không chấp nhận và tìm cách phản kháng lại. Thế là xảy ra một sự rạn nứt trong Giáo hội.
Đời sống thánh hiến
Công đồng Trentô diễn ra từ năm 1545 -1563 do Giáo hoàng Phaolô III triệu tập. Ngoài những điều cần xác quyết lại, Công đồng còn canh tân đời sống của giáo sĩ và tu sĩ. Công đồng lấy lại lòng trung thành của đời tu dựa vào 2 nền tảng đó là:
- Công đồng bãi bỏ mọi tiền của, của cải riêng kể cả quyền hưởng dùng
- Công đồng muốn các tu viện độc lập thành hội dòng, cấm không được đi du lịch nếu không được phép. Và cấm không được chuyển sang hội dòng khác có luật dòng lỏng lẻo hơn.
Mời đọc thêm: Lịch sử đời sống thánh hiến phân 1
Sau đây là những khuôn mặt nổi bật về đời sống thánh hiến:
- Thánh Inhaxiô (1491 – 1556): từ kinh nghiệm thiêng liêng được hoán cải của mình, Thánh Inhaxiô đã thiết lập một hội dòng gồm những anh em thường xuyên chiêm niệm Chúa, ý Chúa và phụng sự Chúa trong mọi sự. Dòng mang tên Chúa Giêsu (Dòng Tên). Tập Linh thao do Ngài viết ra là một lược đồ chỉ dạy tâm linh bằng 4 tuần:
- Tuần 1: Nói về ý nghĩa và nền tảng đời sống Kitô giáo. Thực chất là 1 trình bày về ý nghĩa, mục đích tối hậu của đời người là Thiên Chúa.
- Tuần 2: Ứng sinh được mời gọi suy niệm về nước Trời với các mầu nhiệm liên quan qua cuộc đời của Chúa Giêsu từ nhỏ đến khi Ngài 30 tuổi.
- Tuần 3: Gồm các bài suy niệm về Chúa Giêsu chịu khổ nạn.
- Tuần 4: Suy niệm về cuộc khải hoàn vinh quang của Đức Kitô.
Cốt yếu của hội dòng là để truyền bá đức tin. Hình thức truyền bá được đúc kết ngắn gọn trong phương châm đó là chiêm niệm trong hành động, như chương trình cứu chuộc của Ngài. Nói cách khác, Linh đạo của dòng tên là lấy Đức Giêsu Kitô làm trọng tâm cho cuộc sống của mình, cùng bước theo Chúa Kitô vác Thánh giá để thi hành thánh ý Ngài. Từ kinh nghiệm cá nhân về Thiên Chúa, anh em Dòng Tên sẽ chia sẻ với mọi người cách thực hành phân định thiêng liêng để khám phá ra lời mời gọi yêu thương của Thiên Chúa và từ đó quảng đại đáp lại lời mời gọi mỗi ngày.
Nét đặc biệt trong Linh đạo của Dòng Tên chính là kinh nghiệm cá nhân với Thiên Chúa, từ đó quyết định những cấu trúc, cơ chế của nhà dòng. Trong khi Công đồng Trento mời gọi sự ổn định trong đời tu thì Linh đạo Dòng Tên lại vượt quá sự ràng buộc này. Nên họ đã chấp nhận bãi bỏ đời sống đan tu để dấn thân phục vụ, phục vụ và cầu nguyện
- Thánh nữ Têrêsa Avila và Gioan Thánh Giá được xem là hai vị thánh có công rất lớn trong việc cải tổ dòng Cát Minh đã bị xuống cấp vì thời cuộc. Linh đạo của dòng này chính là chiêm niệm. Đời sống của một đan sĩ Cát Minh được nối kết bởi hai khía cạnh có vẻ trái ngược nhau đó là vừa ẩn tu vừa sống cộng đoàn. Các tu sĩ dòng này là thừa kế của dòng ẩn sĩ Palentin. Do khó duy trì sự hiện diện ở Công đồng vì sự xâm lăng của Xalaxin nên một số ẩn sĩ ở Tây Phương đã quay về nguyên quán của mình. Ở tại đây, họ bỏ đời sống ẩn tu nghiêm ngặt để theo đuổi một quy luật thích hợp hơn với hoàn cảnh. Quy luật này được phê duyệt năm 1626. Đến thời của hai Thánh này, dòng Cát Minh sa sút nghiêm trọng, lạc xa dần tinh thần ban đầu của dòng. Bởi vậy, 2 Thánh đã kiên quyết là một cuộc cải tổ nhầm đưa hội dòng đi vào chiều sâu chiêm niệm và trở về nguồn. Đối với các ngài, kinh nghiệm thiêng liêng phải được chuyển dịch từ suy niệm sang chiêm niệm, chuyển những ý hướng từ mình sang Chúa. Ba giai đoạn của hành trình nội tâm đã được các Ngài vạch ra rất khá rõ:
- Giai đoạn 1: Thanh luyện là giai đoạn ứng sinh bước vào sự khổ chế thực sự để bắt chước Chúa Giêsu chịu đóng đinh
- Giai đoạn 2: Đây là giai đoạn linh hồn trở nên cô độc, đối diện với Thiên Chúa. Thánh Gioan Thánh Giá dùng hình ảnh đêm tối để mô tả về giai đoạn này. Trong giai đoạn này, con người rơi vào tình trạng tăm tối, cô độc, không còn gì bám víu vào nữa và cảm thấy chới với.
- Giai đoạn 3: Sau khi vượt qua sự thanh luyện và những đêm dài của lòng tin, linh hồn đi vào trong mối tương quan giao hiệp thông với chúa. Họ trở nên một với Thiên Chúa, khiến họ xuất thần và tràn ngập niềm hạnh phúc.
VII. Thế kỷ XVII – XVIII
Bối cảnh lịch sử
Đây là giai đoạn vua chúa trần gian thực hiện quyền thống trị của mình cả về vấn đề tôn giáo. Thế quyền chủ trương Giáo hội ở trong tay nhà nước chứ không phải là nhà nước ở trong Giáo hội. Có những ông đi đến chỗ cực đoan là tìm mọi cách để giảm thiểu năng quyền của Giáo hoàng ở mỗi nước.
Giáo hội chịu quá nhiều áp lực của thuyết Ánh Sáng. Đây là thế kỉ đề cao lý trí của con người. Nhiều triết gia đi đến chỗ cực đoan, lấy ánh sáng của lý trí làm thước đo cho mọi vấn đề. Nói rõ hơn, trong thời kỳ này, người ta đề cao lý trí đến mức mà bất cứ điều gì nếu không có lý là vô giá trị. Những vấn đề của đức tin và Thánh Giá trở nên bất hợp lý và vô giá trị. Đỉnh điểm của sự phá hủy Giáo hội chính là cuộc Cách mạng tư sản Pháp 1789. Ngoài ra trong thời gian này, Giáo hội phải chịu đối diện với chủ nghĩa cực đoan. Chủ nghĩa này cho rằng bản tính con người đã hư hỏng do tội nguyên tổ. Chỉ những ai được tiền định mới được cứu và dấu chỉ cho thấy người tiền định là người sống nghiêm ngặt về mặt luân lý và phải thực sự thánh thiện mới được rước lễ. Mặt khác, có một chủ thuyết vô vị đối lập với chủ thuyết khắc kỷ. Chủ thuyết vô vị đề cao vai trò của Ơn Thánh và sự phó thác nơi Thiên Chúa, rồi coi thường những việc đạo đức hay khổ chế, nghiêm ngặt.
Đời sống thánh hiến
Một trong những gương mặt sáng giá của đời sống thánh hiến ở thế kỷ XVII phải kể đến là Thánh Faxico Doxan. Công trình của Thánh nhân để lại cho Giáo hội chính là sự đánh thức về đời sống nội tại của người tín hữu. Vì với Ngài mọi người đều có thể nên Thánh. Đối với Thánh nhân, sự thánh thiện không hệ tại ở những hành vi phi thường, cũng không phải theo một nếp sống đặc biệt mà là sống đức ái cách trọn hảo. Tiếng gọi này gửi tới hết mọi người, bất kể họ là ai, đang sống trong hoàn cảnh sống độc thân, ở đời hay sống trong đan viện. Hết thảy mọi người đều được mời gọi nên Thánh và có khả năng đạt tới sự thánh thiện một cách bình thường. Có thể nói Thánh Faxico Doxan là một nhân bản mới của thời bấy giờ, vì Ngài đề cao giá trị của con người.
Cũng khởi đi từ nguồn cảm hứng từ Ngài mà một số vị khác nữa cũng đã xuất hiện cùng với những tu đoàn tông đồ để làm nên những dòng tu lớn trong xã hội, trong đó có Dòng Thăm Viếng. Thánh Vinh Sơn De Paul (Dòng nữ tử Bác Ái) (1581 – 1660) được mệnh danh là vị tông đồ của người nghèo, người chịu ảnh hưởng rất lớn bởi Thánh Fanxico Doxan. Ngài quyết định tận hiến cuộc đời mình cho Thiên Chúa bằng cách phục vụ những người nghèo khổ và bần cùng nhất. Linh đạo của Thánh Vinh Sơn là tìm kiếm Thiên Chúa nơi người nghèo. Người nghèo chính là hiện thân của Thiên Chúa và phục vụ người nghèo là phục vụ chính Chúa. Thánh nhân là người sáng lập ra Dòng Nữ Tử Bác Ái chuyên lo cho người nghèo. Ngài căn dặn các chị em rằng: “Phải ưu tiên phục vụ người nghèo, không được trì hoãn. Vậy khi chị em bỏ đọc kinh mà phục vụ người nghèo thì đó là phục vụ chính Chúa”.
Gioan Lưu Ngọc Quỳnh, CSsR
Truyền thông sinh viên Công giáo
Mời đọc thêm: Mùa thu và ơn gọi