Với thứ tư Lễ Tro, chúng ta bước vào Mùa Chay Thánh – Mùa ăn năn sám hối trở về với Thiên Chúa để được đón nhận hồng ân cứu độ. Qua việc xức tro trên đầu, Giáo Hội muốn nhắc nhở con cái mình về nguồn gốc, thân phận và ý nghĩa cùng đích của cuộc đời mỗi người; mà hoán cải trở về với Thiên Chúa một cách chân thật, không giả hình giả bộ để đón nhận ơn tha thứ chính là hồng ân cứu độ của Thiên Chúa. Việc hoán cải này được thể hiện bằng những việc làm cụ thể như: bố thí, cầu nguyện và ăn chay.
Ý nghĩa việc xức tro trước hết, nhắc nhở cho chúng ta về nguồn cội thật của mình. Truyền thống Thánh Kinh cho chúng ta thấy rõ, con người vốn dĩ là một hữu thể được Thiên Chúa tạo dựng cách đặc biệt hơn mọi sinh vật khác trên mặt đất. Con người này gồm xác thể và Linh Khí của Thiên Chúa. Xác thể đó được Thiên Chúa tạo dựng nên từ bùn đất: Thiên Chúa lấy bùn đất mà dựng nên con người. Sau khi tạo dựng xong xác thể, Kinh thánh nói tiếp: Thiên Chúa thổi linh khí vào lỗ mũi. Vậy là con người trở nên một sinh vật rất đặc biệt do sự hòa quyện giữa vật chất và linh thiêng. Như thế, xét về mặt sinh học, thân xác con người cũng chỉ là tro bụi: Hỡi người là bụi tro, rồi đây cũng trở về với bụi tro. Nhưng con người không chỉ là tro bụi mà còn là Linh Khí của Thiên Chúa. Đã là Linh Khí của Thiên Chúa, con người thật sự trở nên cao trọng và chỉ thua kém các Thiên Thần trong một khoảng thời gian ngắn mà thôi. Tro bụi lấy từ bùn đất còn Linh Khí đón nhận trực tiếp từ Thiên Chúa. Bụi đất thì mỏng giòn, dễ tiêu tan và sẽ trở về với nó khi kết thúc hành trình làm người. Còn linh khí của Thiên Chúa thì bất diệt và sẽ trở về với Thiên Chúa. Linh khí ấy chính là hồn sống, là linh hồn của chúng ta.
Thứ đến, việc xức tro nhắc cho chúng ta nhớ lại thân phận mỏng manh, dễ vỡ, dễ vụn của con người. Con người ta trở nên mỏng manh yếu đuối như vậy không chỉ một phần do gốc rễ của thân xác mình là từ tro bụi mà còn vì linh hồn đã bị tội nguyên tổ làm tổn thương một cách sâu xa kèm theo những hệ lụy tất yếu của nó là thường lôi kéo và hướng con người về đường tội lỗi. Vì thế, chúng ta cần ý thức rõ thân phận yếu đuối mà xa lánh tội lỗi và mau quay đầu trở lại với Thiên Chúa. Có lẽ ai trong chúng ta cũng trải qua kinh nghiệm bi thương của sự mỏng dòn, dễ phạm tội, dễ vấp ngã dù mình đã cố gắng và muốn vượt thắng sự yếu hèn này. Chính Thánh Phaolô đã phải thốt lên rằng “sự thiện nên làm thì tôi lại không làm. Sự ác nên tránh thì tôi lại làm”. Trải nghiệm rõ điều này, Thiên Chúa muốn chúng ta phải cảm thông, cảm thương và tha thứ cho những yếu hèn tội lỗi của người khác cũng như của chính mình như chính Thiên Chúa đã từng cảm thông, cảm thương và tha thứ cho chúng ta. Đừng vội kết án, tố cáo hay bất mãn, chán nản, thất vọng vì những tội lỗi này. Nhưng hãy khiêm tốn nhìn nhận tội lỗi của mình mà chạy đến với Thiên Chúa – Đấng đầy lòng xót thương sẵn sàng tha thứ và ban ơn trợ lực cho chúng ta.
Bài đọc thêm: Con người của Mùa Chay
Hơn nữa, bên cạnh bụi đất mỏng giòn mang trong mình, con người còn có một báu vật vô giá đó chính là linh hồn, là Linh khí thần thiêng của Thiên Chúa. Chúng ta biết rõ cái thoáng qua và cái vĩnh cửu trong ta để chọn lựa, đầu tư và ưu tiên cho đúng. Lẽ ra chúng ta phải ưu tiên đầu tư cho cái vĩnh cửu chính là linh hồn bất tử của ta mới hợp lý. Trong khi đó, nhiều người chỉ biết lo đầu tư cho cái xác đất vật hèn thoáng qua mà quên đi cái vĩnh cửu là sự sống bất diệt của linh hồn. Họ đầu tư cho nhau việc ăn uống, làm đẹp nhan sắc, tăng cường sức khỏe, thỏa mãn nhục dục…quá nhiều. Trong khi đó, cái quan trọng hơn là linh hồn thì lại không mấy bận tâm. Nhiều người lo cho con ăn học văn hóa, học thêm, học đủ thứ; nhưng bảo con đi học giáo lý hay đi nhà thờ thì không có thời gian. Có một số người không cần biết rõ linh hồn mình đang đói khát thèm muốn cái gì. Có phải họ không hiểu rõ thực chất cùng đích của con người mình nên mới đầu tư không đúng như vậy hay còn vì nguyên do khác? Với những người tự xưng mình là vô thần thì chúng ta không bàn đến. Nhưng với những người xưng mình là người có đạo – là Kitô hữu thì chúng ta không thể làm ngơ trước sự thờ ơ dại dột này. Có lẽ một phần do sự thiếu hiểu biết về giáo lý chân truyền, một phần nữa tuy hiểu biết nhưng những hiểu biết của họ chỉ sơ sơ không thấm vào đâu. Còn một phần nữa tuy nhận thức đúng giá trị của thân xác thì tạm bợ và của linh hồn thì bất tử, nhưng do sự yếu đuối mỏng manh của phận người mà không sao vượt thắng được những ham muốn trần tục.
Ý thức được nguồn gốc và thân phận mỏng manh bèo bọt của mình cùng với giá trị vĩnh cửu trong ta, chúng ta mới nhận thức được sứ mạng hay ý nghĩa cùng đích của cuộc đời này là gì để mà chọn lựa và phấn đấu cho đạt được mục đích tối hậu đó. Với những người vô thần, cuộc đời của họ chỉ thật sự có ý nghĩa khi đạt được những giá trị trần thế như tiền bạc, học vấn, quyền lực, vị thế xã hội hay mái ấm gia đình, vợ hiền con thảo…Còn với những Phật tử thì ý nghĩa của cuộc đời chính là những vành khăn tang. Sống làm sao cho tới khi chết, nhiều người sẽ khóc thương mình. Càng nhiều người khóc thương mình thì càng cho thấy mình đã sống một cuộc đời có ý nghĩa. Còn ngược lại, dù mình có sống cả trăm tuổi, nhưng khi chết chả có mấy ai muốn khóc thương mình, thậm chí nhiều người còn muốn mình chết sớm thì rõ ràng cuộc sống của người đó nơi trần gian này chẳng làm nên được ý nghĩa gì. Nhưng với người Công giáo chúng ta, cuộc đời này chỉ thật sự có ý nghĩa khi ta biết dùng quỹ thời gian tại thế này để dốc công tìm kiếm, gặp gỡ và thiết lập cho được mối thân tình với Thiên Chúa. Thánh vịnh đã tóm kết ý nghĩa đó “Chỉ trong Thiên Chúa mà thôi, hồn tôi mới được nghỉ ngơi yên hàn”. Thánh Augustino cũng diễn tả cách tương tự : “Lạy Chúa, Chúa tạo dựng nên con cho Chúa và lòng con khắc khoải âu lo cho đến khi nào con được nghỉ yên trong Chúa”. Nhưng làm sao chúng ta có thể hoàn thành được vận mạng chung cục của đời người? Có ba phương thức cụ thể mà sách thánh chỉ rõ cho chúng ta cần làm đó là ăn chay, cầu nguyện và bố thí.
Ăn chay sẽ nhắc nhở cho chúng ta sự khổ chế cần thiết của thân xác, đừng để cho mình buông theo những dục vọng thèm khát của bản năng. Việc chay tịnh không hệ tại ở việc giảm bớt lượng thức ăn, thức uống thường nhật. Nhưng là cơ hội, là thời khắc để nhắc nhở chúng ta hướng về thực tại vĩnh cửu trong ta là linh hồn và cứu cánh cùng đích của đời người chính là tìm kiếm, gặp gỡ và yêu mến Thiên Chúa. Nhờ đó, chúng ta kịp thời điều chỉnh và có những định hướng đầu tư cần thiết để giúp ta hoàn thành vận mạng chung cục của đời mình cách tốt nhất. Chay tịnh mà không vì và không hướng tới việc canh tân một đời sống tâm linh tốt đẹp hơn thì chẳng làm nên ý nghĩa gì. Như vậy, việc ăn chay đích thực phải dẫn người ta tới việc sám hối, tìm về với bản ngã chân thật và cứu cánh cùng đích của cuộc đời mình.
Nếu như việc ăn chay hướng con người trực tiếp tìm về bản ngã của chính mình thì việc cầu nguyện lại hướng ta về với một đối tượng bên ngoài, một đối tượng cao cả chính là Thiên Chúa. Cầu nguyện là hướng tâm hồn mình lên cùng Chúa, là đàm đạo, tâm sự với Thiên Chúa. Càng ý thức rõ thân phận mỏng manh, bèo bọt của mình, con người càng thấy mình cần đến sự trợ giúp của Thiên Chúa. Muốn đón nhận sự trợ giúp của Thiên Chúa thì con người càng cần phải cầu nguyện nhiều hơn.
Ăn chay hướng về chính mình. Cầu nguyện hướng về Thiên Chúa, còn bố thí thì lại hướng tới tha nhân. Tại sao vậy? Thưa rằng, con người được Thiên Chúa tạo dựng nên không chỉ để sống cho riêng mình mà còn để sống cho người khác và với người khác. Hơn nữa, theo truyền thống Thánh kinh, con người là hình ảnh, họa ảnh của Thiên Chúa. Chúa Giê su còn khẳng định những gì anh em làm cho những người bé nhỏ nhất là làm cho chính thầy. Ai cho những người bé nhỏ này, dù chỉ là một bát nước lã, vì danh thầy, họ cũng không mất phần thưởng đâu. Vì thế, công việc bố thí mời gọi chúng ta hãy mở lòng ra cho tha nhân.
Lạy Chúa Giê-su là đối tượng duy nhất của lòng trí chúng con, Mùa Chay là mùa cứu độ, xin ban cho chúng con lòng ăn năn sám hối chân thành để quay trở về với Ngài là ý nghĩa cùng đích của đời sống chúng con. Amen.
Lm. Gioan Lưu Ngọc Quỳnh, CSsR
Svconggiao.net