DẤU NÀO ĐỂ NHẬN BIẾT CHÚA THÁNH THẦN?
Điều răn II trong kinh Mười điều răn: “Chớ kêu tên Đức Chúa Trời vô cớ”. Nhưng nguyên văn: “Ngươi không được tạc tượng, vẽ hình bất cứ vật gì ở trên trời cao, cũng như dưới đất thấp, hoặc ở trong nước phía dưới mặt đất, để mà thờ” (Xh 20, 4).
1. NHỮNG BIỂU TƯỢNG VỀ CHÚA THÁNH THẦN.
Sở dĩ Thiên Chúa cấm tạc tượng vẽ ảnh vì Ngài là Đấng vô hình. Cũng vậy, Chúa Thánh Thần là Thiên Chúa, mắt ta cũng không thể nhìn. Chỉ có Ngôi Hai nhập thể làm người, mang thân xác, ta mới có thể nhìn thấy.
Trong khi con người vừa là linh hồn, vừa thể xác. Mà thể xác cần cụ thể để nhận ra, nên Kinh Thánh có nhiều biểu tượng để chỉ Chúa Thánh Thần.
Chẳng hạn, Chúa Thánh Thần lấy hình bồ câu đậu xuống trong ngày Chúa Giêsu chịu phép rửa. Hoặc như Tin Mừng lễ vọng lễ Hiện Xuống, Chúa Giêsu nói đến nước mà những người tin sẽ lãnh nhận. Thánh Gioan ghi nhận: Chúa Giêsu nói về Chúa Thánh Thần.
Hôm nay, phụng vụ Lời Chúa cũng ghi nhận những biểu tượng về Chúa Thánh Thần:
– Bài đợc I: Chính trong ngày Chúa Thánh Thần ngự đến, còn đang cầu nguyện trong nhà tiệc ly, lập tức các tông đồ nhận được Chúa Thánh Thần qua hình lưỡi lửa ở trên đầu. Các ngài phát ngôn và rao giảng Tin Mừng của Chúa. Biểu tượng của Chúa Thánh Thần là hình lưỡi lửa.
– Trong Tin Mừng, Chúa Giêsu Phục sinh ban Chúa Thánh Thần cho các tông đồ, cũng chính là ban cho Hội Thánh bằng cách thổi hơi và nói: “Các con hãy nhận lấy Thánh Thần”. Biểu tượng của Chúa Thánh Thần là làn hơi từ miệng Chúa Giêsu.
Quá nhiều biểu tượng để nói về và cho thấy Chúa Thánh Thần. Qua đó chứng minh Chúa Thánh Thần luôn hiện diện, nhưng Ngài vô hình.
Thiên Chúa dùng biểu tượng để ta có thể hiểu. Nhờ đó, ta có một chút khái niệm về Đấng là Thiên Chúa thánh hóa ta.
2. SỨC MẠNH CỦA ƠN CHÚA THÁNH THẦN, MỘT LOẠI HOA TRÁI CÓ THỂ NHẬN THẤY.
Dù không thể nhìn thấy, nhưng ta có thể nhận ra kết quả của Chúa Thánh Thần. Thánh Phaolô gọi kết quả ấy là hoa trái của Thánh Thần.
Trong thư gởi tín hữu thành Galata (5, 22), thánh nhân nói: “Hoa trái của Thánh Thần là bác ái, vui mừng, bình an, rộng rãi, tốt lành, lương thiện, tín trực, hiền từ, tiết độ”.
Ví dụ: Với khẳng định của thánh Phaolô, nếu ai thực sự sống hiền hòa, hoặc luôn đề cao tinh thần bác ái, hay sống trong niềm vui của đức tin hoan lạc, người đó đang cho thấy, chính mình là hoa trái của Chúa Thánh Thần.
Hoa trái của Chúa Thánh Thần là những kết quả được khơi lên trong mỗi Kitô hữu, trong Hội Thánh và trên cuộc đời của từng người.
Tôi có thể kể cho bạn ví dụ về sức mạnh của Chúa Thánh Thần: Ngay khi ngự đến, Ngài làm cho các tông đồ đang hết sức nhát sợ – đến nỗi thu mình trong nhà, đón kín cửa. Không phải đóng để thoát tiếng ồn, hoặc hết chia trí nhằm tập trung cầu nguyện. Không! Đóng kín cửa chỉ vì “sợ người Do thái” (Ga 20, 19) – bỗng dưng mạnh mẽ phi thường.
Họ không chỉ mở bung cửa nhà, hết chết khiếp, mà còn phát ngôn để nói về Chúa Kitô, nói về sự phục sinh của Chúa Kitô cho muôn người, đến nỗi mọi người ở mọi nơi nghe được tiếng họ rao giảng.
Những điều hết sức lạ thường, trở thành hiệu quả và hiệu quả lập tức. Đó chính là kết quả, là hoa trái của ơn Chúa Thánh Thần. Chúa Thánh Thần trở thành sức mạnh của lòng tin nơi các tông đồ.
3. CHÚNG TA SỐNG ƠN CHÚA THÁNH THẦN.
Như các tông đồ, bạn và tôi đâu thiếu những đắng cay, thử thách. Bình thường, ai thúc giục hãy chầu Mình Thánh Chúa, có khi ta chán lắm. Hoặc bảo hãy cầu nguyện, có thể ta vâng lời, nhưng hời hợt lắm…
Nhưng ta đang đau khổ, nỗi đau ấy chỉ còn cách dựa vào Chúa, chắc chắn ta cầu nguyện thống thiết lắm, nhằm xin ơn Chúa, thậm chí lợi dụng Chúa…
Hoặc mỗi ngày, mọi sự diễn ra trôi chảy, ta sẽ cho đó là bình an, chắc chắn không bao giờ nhớ Chúa đủ, hoặc nhớ Chúa ở mức độ cần thiết.
Vì thế, chính khi không có gì đáng lo, mới thật đáng lo, vì thiếu sốt sắng, thiếu gắn bó với Chúa, thiếu quan tâm đến việc cầu nguyện.
Chúa Thánh Thần là sức mạnh của ta. Những lúc bản thân chạm phải thách thức trong đời, thì sức mạnh của ơn Chúa thúc đẩy mình.
Vì thế, giữa lúc khó khăn, các tông đồ đã có sức mạnh của Chúa. Sức mạnh ấy không do chính họ, nhưng đến từ Chúa của họ, giúp họ ra đi mang cái cảm nghiệm đã nhận được sức mạnh của Chúa, đến với muôn người trong trần thế.
Chúng ta sống với Chúa từng ngày, dù đang trong hoàn cảnh nào, vui hay buồn, sướng hay khổ, hãy trung thành bám chắc vào Chúa, đừng lúc thì chạy đến Chúa mãnh liệt, lúc thì ơ hờ nguội lạnh như chẳng có Chúa trong đời mình.
Hãy để sức mạnh của Chúa trỗi dậy nâng đỡ đức tin, nâng đỡ cuộc đời. Hãy để Chúa Thánh Thần, Đấng vô hình, nên sức mạnh luôn luôn của chúng ta.
Bài đọc thêm: 7 ơn Chúa Thánh Thần
Lm JB NGUYỄN MINH HÙNG
Nguồn: Thanhlinh.net