Icon Collap
...
Trang chủ / Tình yêu và trách nhiệm trong giáo dục gia đình (phần 1)

Tình yêu và trách nhiệm trong giáo dục gia đình (phần 1)

Giáo dục tiêu cực

Cha mẹ thường dùng những hình thức sau để giáo dục trẻ

1. Nghiêm nghị:

Loại hình này khiến cho trẻ sợ hãi, thiếu tự tin, không cảm nhận được tình thương và sẽ dẫn đến sự thất hụt về tình thương. Sự nghiêm nghị cũng có khả năng tạo nên những dòng máu lạnh nơi trẻ em.

2. Khắt khe kỷ luật:

Hậu quả cũng giống như trên nhưng thêm vào đó là sự khép kín và tập trung vào những gì được hướng tới. Khiến mất đi sự hồn nhiên lẽ ra phải có ở tuổi thơ. Sự khắt khe kỷ luật của bố mẹ cũng có thể tạo nên sự ù lỳ, vụ luật mà có thể góp phần làm mất đi tính sáng tạo của trẻ.

3. Chiều chuộng:

Loại hình này thường khiến cho trẻ trở nên người thụ động, không biết làm gì và dễ hình thành nên nhân cách của một đế vương. Những con đầu lòng và những gia đình hiếm muộn hoặc ít sinh con thường dễ rơi vào trường hợp này. Cần đối mặt với những hệ lụy tất yếu của việc chiều chuộng đã xảy ra mà cảnh tỉnh đừng để cha mẹ tự giết hại con mình.

4. Không quan tâm:

Sự hờ hững, vô cảm này thường làm cho trẻ đánh mất cảm thức về tình thương mà lẽ ra phải có từ cha mẹ. Khiến trẻ buồn tủi, thất hụt tình cảm và có nguy cơ đi tìm kiếm một đối tượng khác để thay thế và cũng là căn nguyên của sự ăn cắp và báo thù.

5. Bạo lực:

Những cái tát nảy lửa, những đòn vọt khiến cho trẻ một mặt sợ hãi và cái nguy hiểm hơn đó là lòng thù hận, khó tha thứ cho cha mẹ nơi trẻ ngày càng lớn. Gieo gì thì gặt cái đó. Lòng thù hận của trẻ không chỉ dành cho người tạo ra nó mà còn trút đổ lên những người chung quanh nữa.

6. Dọa dẫm:

Điều này dễ thấy nơi các gia đình. Có những người dùng sự dọa dẫm để trấn an trẻ. Có người lại dùng nó như một trò đùa. Người ta thường đưa hình ảnh đáng sợ để dọa trẻ như thả giếng, đưa trẻ vào bóng đêm, dọa ma quỷ, dọa ông bà Bị, dọa những gì mà trẻ sợ nhất.

7. Nhục hình:

Có những bố mẹ sử dụng nhục hình cho con cái như bắt con cái cởi hết quần áo rồi đánh trước mắt bạn bè khác hoặc đốt quần áo con cái, quát mắng rầy la con cái trước mặt bạn bè… đã làm cho con cái xấu hổ, mặc cảm, mất niềm tin vào người lớn và hận bố mẹ vô cùng.

8. Đùa giỡn vô ý thức:

có những bậc cha mẹ hoặc anh chị dùng trò đùa giỡn nguy hiểm như đưa trẻ vào những đám ma để xem, dùng trẻ làm thành quan tài để bắt chước đám tang, cắn vào bộ phận sinh dục và nói những lời tục tĩu… Tất cả những cái đó đã tạo nên nỗi sợ kinh khiếp nơi trẻ và sự mặc cảm tự ti về những lời đùa giỡn, chọc ghẹo của người lớn.

9. Nhạo báng:

Bên cạnh sự đùa giỡn, nhiều phụ huynh còn hay nhạo báng, chê bai con em mình như nhạo lại lời các em, những gì xấu các em đã làm để mua vui khiến các em bị ám ảnh, tổn thương và dễ hận thù bố mẹ.

10. Thiếu công bằng minh bạch:

Sự quan tâm đến các thành viên mà bố mẹ dành cho ảnh hưởng rất lớn đến nhân cách của trẻ. Sự đối xử thiếu công bằng khiến trẻ dễ mặc cảm nghĩ mình là người bị bỏ rơi và sinh ra sự giận giữ, ghen ghét và muốn báo thù cả cha mẹ lẫn người được thương hơn mình.

11. Gắn nhãn cho trẻ:

Thường là những cái nhãn tiêu cực như ngố, ăn cắp, mất dạy, điên,… Đây là những tội ác vô cùng nguy hiểm. Tự đóng đinh và hướng trẻ tới những điều xấu, khó có thể vươn lên được.

12. Làm gương mù gương xấu:

Với con cái, bố mẹ thường là thần tượng, là hình mẫu lý tưởng của nó. Bởi vậy nếu bố mẹ làm gương mù gương xấu cho trẻ thì chẳng khác gì giết chết cuộc đời của trẻ. Chúa Giesu đã rất nặng lời với những ai làm điều xấu cho trẻ đến nỗi thà buộc cối đá vất xuống biển còn hơn. Nhưng trong thực tế bố mẹ khó tránh khỏi rất nhiều lần làm gương mù gương xấu cho con mình.

13. Không nhất quán:

Sự thiếu thống nhất trong việc dạy con nơi bố mẹ cũng góp phần không nhỏ làm nên sự thiếu tin tưởng mà trẻ dành cho người lớn. Nếu có sự đồng thuận giữa bố và mẹ thì hiệu quả của việc giáo dục con cái sẽ cao hơn. Bố mẹ cần có một sự thống nhất trong cách dạy dỗ con cái.

Tiếp theo là những loại hình giáo dục tích cực đáng được áp dụng nhất thì thật đáng tiếc rất ít cha mẹ biết áp dụng cho con cái mình…

(Còn tiếp)

Trị liệu tâm lý Gioan Lưu Ngọc Quỳnh CSsR

Bình luận