LỊCH SỬ NHÓM SINH VIÊN CÔNG GIÁO SƯ PHẠM KỸ THUẬT
CÁC GIAI ĐOẠN HÌNH THÀNH VÀ PHÁT TRIỂN
(Trích hồi ức của Anh Nguyễn Công Tín thành viên sáng lập nhóm SVCG SPKT)
PHẦN 1: GIAI ĐOẠN HÌNH THÀNH
1. Bối cảnh lịch sử vào những năm 1980-1990- Các tác động khách quan
Đây là thời điểm mà “cơ chế lí lịch” được nhà nước áp dụng triệt để, 99% sinh viên đều là những người xuất thân từ những gia đình có “lí lịch đẹp”. Các học sinh trung học thuộc gia đình công giáo muốn bước chân vào đại học ngoài việc học giỏi thì còn phải “đi đường vòng”. Đa số SVCG của SPKT chỉ đậu trung cấp và sau đó học lên đại học.
Các Dòng được “chăm sóc rất kỹ”.
Sân chơi giải trí ít ỏi, ti vi chỉ có kênh HTV9, các hoạt đông văn nghệ của trường cũng ít được tổ chức.
Tài liệu học tập cũng quá ít.
2. Các tác động chủ quan
Vào những năm 1989 thì ĐH SPKT đã có 1 nhóm SVCG nhiệt thành, đây là các anh chị tham gia dạy giáo lý và tham gia ca đoàn tại GX. Bình Thọ. Tuy nhiên nhóm này tự phát và hoạt động co cụm, không có ý định phát triển và mở rộng thêm thành viên nên khi các anh chị ra trường thì nhóm cũng tan rã.
Năm 1990 thì nhóm SVCG Sài Gòn và SVCG Nông Lâm ra đời, họ hoạt động có tổ chức và phát triển mạnh mẽ có tác động lớn đến các trường lân cận như: ĐH Thể thao, ĐH Tổng hợp, ĐH SPKT cơ sở 2, ĐH Ngân hàng, Giao thông vận tải và các trường trung học chuyên nghiệp. Sau này phát triển thành SVCG cụm Thủ Đức.
3. Nhu cầu của SVCG – Ý định thành lập nhóm SVCG SPKT
Với những người trẻ xa nhà, môi trường học tập đơn điệu, các tác động khách quan đã ảnh hưởng mạnh mẽ đến đời sống tâm linh và 1 số SVCG bị dao động và khủng hoảng đức tin, (nhất là sau khi học môn triết học MÁC – LÊ NIN) . Vì thế hầu hết SVCG đều nảy sinh “nhu cầu gặp gỡ”.
Gặp gỡ để giải tỏa bức xúc
Gặp gỡ để có 1 môi trường “thể hiện mình”, phát huy những khả năng, sở trường của bản thân như: ca hát, diễn thuyết, kỹ năng tổ chức…
Nhưng ý định chủ đạo nhất là “củng cố niềm tin công giáo” thuở sơ khai.
Anh Vũ Quang Tuyên người thành lập “nhóm không tên” cùng với bác sĩ Phấn là những người nhiệt tình và đầu tiên khởi động cho sự hoạt động của nhóm SVCG Sài Gòn. Có một điều may mắn hay nói đúng hơn đó là sự sắp đặt của Thiên Chúa khi để Anh Nguyễn Công Tín và Anh vũ Quang Tuyên là đồng hương Gia Kiệm, cùng học chung trường phổ thông trung học Thống Nhất B. Một ngày đẹp trời, 2 anh đã gặp gỡ, chia sẻ và trao đổi về đời sống tinh thần. Anh Tín đã nói lên nhu cầu của mình và những thao thức muốn anh em SVCG có được 1 môi trường sinh hoạt quây quần bên nhau để giúp nhau sống Đức tin thì anh Vũ Quang Tuyên góp ý “Tại sao SVCG SPKT không làm thành 1 tổ chức?” chính câu hỏi này đã tác động mạnh và làm cho Anh Tín phải suy nghĩ rất nhiều.
Cùng thời gian này qua sự giới thiệu của anh Nguyễn Văn Hải (cựu nhóm Nông Lâm) thì anh Tín mới tham gia sinh hoạt với nhóm Nông Lâm. Tại đây anh Tín đã củng cố những kỹ năng sinh hoạt và học hỏi cách thức tổ chức nhóm SVCG sau này.
“Nhóm SAVIE nhiệt thành” – đây là nhóm gồm 04 người: anh Phước (hiện là tu sĩ), anh “Minh điện”, anh Đức và anh Công. Đây là những cộng tác viên của Dòng Tên. Nhóm SAVIE tham gia giúp các cộng đoàn công giáo dưới sự hướng dẫn của Dòng tên. Các anh đã tham gia sinh hoạt cùng nhóm SVCG Nông Lâm. Một “duyên may” là anh “Minh điện” và Anh Tín là những người đồng hành trên đường trở về kí túc xá. 02 anh đã trao đổi nhiều về kế hoạch thành lập nhóm. Sau này nhờ sự dẫn dắt và giúp sức nhiệt tình của Nhóm SAVIE nhiệt thành mà nhóm SVCG SPKT buổi sơ khai đã hoạt động như 1 tổ chức.
Anh Nguyễn Phước Anh – bạn cùng lớp với anh Tín, là một người “nhiệt tình, sôi nổi và đạo đức”. Khi chiều chiều anh Tín đi sinh hoạt ở Nông Lâm thì anh Phước Anh thường đến cầu nguyện ở nhà thờ Bình Thọ. Vì vậy khi đã manh nha ý định thành lập nhóm thì Anh Tín chia sẻ với anh Phước Anh. Nhờ tính cách “nhiệt tình, sôi nổi và đạo đức” nên anh Phước Anh đã ủng hộ và “khuấy động nhịp đam mê”.
Với tất cả những tác động, ảnh hưởng trên vào cuối năm 1991 nhóm SVCG SPKT chính thức được thành lập và đi vào hoạt động.
PHẦN 2: GIAI ĐOẠN ĐẦU PHÁT TRIỂN (1991-1994)
1. Phương pháp “vết dầu loang” và những thành viên ban đầu tham gia sinh hoạt.
Sau khi thành lập, bước đầu tiên là “phát triển thành viên”. Để đạt được hiệu quả trong việc phát triển thành viên tham gia nhóm, thì các anh chị áp dụng “chiến thuật vết dầu loang”. Các “đối tượng” được mời là những người bạn thân cùng lớp, đồng hương…, bất kể có công giáo hay không công giáo, miễn là người đó có nhiệt tình sinh hoạt cùng nhóm, hoặc thấy bạn sinh viên nào “đi lễ” thì lân la hỏi chuyện làm quen để “rủ rê” họ đến với nhóm. Mỗi thành viên đều có ý thức trách nhiệm và nhiệt tình trong việc phát triển nhóm. Sau này khi phong trào sinh hoạt SVCG đã phát triển mạnh thì các anh chị dùng “chiến thuật gõ cửa đầu năm học”, chiến thuật này đa số các bạn đều biết, vì hiện nay vẫn được sử dụng và mang lại hiệu quả cao.
Những thành viên ban đầu tham gia sinh hoạt nhóm bao gồm: anh Nguyễn Công Tín, anh Nguyễn Phước Anh, anh Phan Thanh Đường, chị Lê Thị Mỹ Trà và một số anh chị khác (không nhớ đầy đủ họ tên), anh Lâm (gia kiệm), chị Thu (lâm đồng), chị Yên Linh, anh Đồng, anh Ánh, anh Bích, anh Nam, anh Tâm… và một số anh chị không công giáo như: anh Tộ – biệt danh “gã đầu bạc”, anh Thuyết, Anh Nho, Chị Thủy…( nếu có điều kiện, tôi sẽ liệt kê sau).
Địa điểm sinh hoạt ban đầu là “sân đa dụng” sinh hoạt được khoảng 05 tháng, nhưng do ở đây không đủ ánh sáng học Thánh Kinh và chia sẻ Phúc Âm nên nhóm chuyển vào sinh hoạt trong GX.Bình Thọ được khoảng 03 tháng dưới sự hướng dẫn của Cha Phú, thầy Phiên. Sau đó, vì một số lý do khách quan mà nhóm chuyển sang sinh hoạt tại hội quán GX. Từ Đức từ năm 1992 cho đến nay.
2. Sinh hoạt
Sau khi được chuyển về hội quán GX. Từ Đức thì nhóm quyết định chọn thời gian sinh hoạt từ 19h30 đến 21h Chúa nhật hàng tuần dưới sự hướng dẫn của thầy Công và “nhóm Savie nhiệt thành”.
Nội dung sinh hoạt chính là đọc Phúc Âm và chia sẻ Lời Chúa hàng tuần, chia sẻ những đánh động tâm linh thông qua đoạn Phúc Âm đó. Ngoài ra còn có các giải đáp thắc mắc của sinh viên từ phía người hướng dẫn. Hàng tháng có 1 buổi lễ dành riêng cho SVCG cụm Thủ Đức, sau đó là sinh hoạt “hoạt náo”, ăn trưa cùng nhau, cuối cùng là giờ học nhân bản của “Phe Hồng”. Trong 01 năm thì có các buổi tĩnh tâm ở các Dòng như: Dòng Tên, Dòng Biển Đức, Dòng Đa Minh, dòng Đức Bà Truyền Giáo…( chủ yếu qua sự hướng dẫn của nhóm Savie).
3. Các “nhạc trưởng tâm linh” có ảnh hưởng sâu rộng đến đời sống đức tin của nhóm
Tu sĩ Hoàng Văn Đạt (hiện là Giám mục giáo phận Bắc Ninh): Cha Đạt là một tu sĩ thuộc Dòng Tên, thời đó Ngài là Lm. chánh xứ giáo xứ Thiên thần ở ngã ba Cát Lái. Cha là “Người Châm Dầu Vào Đèn đúng lúc”. Khi tinh thần nhóm có chiều hướng “đi xuống” hay đức tin bị khủng hoảng thì cha “châm dầu” bằng những bài giảng, bằng những lời giải thích, những minh họa cụ thể cho đời sống đức tin, giúp SVCG có 1 cái nhìn đúng đắn đối với Giáo Hội và những người xung quanh.
Thầy Công – một cộng tác viên đắc lực của Dòng Tên: ở thầy có một “tình yêu đặc biệt” dành cho sinh viên. Hình ảnh của một người thầy khiêm nhường, hiền lành, và là một “bác phó nháy” tận tụy, đồng thời là một “cua rơ đích thực”. Chiều chiều thầy lại đạp xe từ sài Gòn xuống Thủ Đức, đến giúp các nhóm SVCG. Thầy luôn “có quà” cho anh em sinh viên, đó là các tấm hình mà thầy chụp được, một quyển lịch công giáo bỏ túi, một số sách kể về các thánh hay các bản photo Phúc Âm hàng tuần để anh em dùng làm tài liệu chia sẻ. Đã là quà thì thường là “miễn phí”, thầy biết sinh viên thì nghèo nên thầy tặng SV.
Nhóm Savie nhiệt thành: nơi họ các SV nhìn thấy được một “thái độ sống và phục vụ vô tư”. Họ sẵn sàng hi sinh thời gian giúp nhóm không công, mà còn hi sinh cả tiền bạc để giúp nhóm trang trải những chi phí sinh hoạt chung. Chắc chắn các anh chị tham gia sinh hoạt thời đó không thể quên được “quán cà phê Bích” nơi mà lâu lâu nhóm tập trung tại đây mượn đầu video để chiếu các phim của công giáo.
Ngoài ra nhóm còn có sự trợ giúp của một số tu sĩ khác như: Cha Sơn (GX Từ Đức), Sơ Nga (dòng Đức Bà truyền giáo …)
4. “Trại phong Thanh bình” nơi hoạt động tông đồ đầu tiên
Thời gian đầu nội dung sinh hoạt còn nghèo nàn, nên gần 01 năm thành lập, thấy nhóm có dấu hiệu của “sự mệt mỏi”, thì cuối năm 1992 anh “Minh Điện” đề xuất nhóm đi làm công tác tông đồ.
Đó là việc “đắp một nền đất cho trẻ em ở trại phong Thanh Bình”. Trại phong Thanh Bình là nơi mà các bệnh nhân phong cùi đã được chữa lành bệnh, tuy nhiên, họ vẫn bị xã hội cô lập và phân biệt đối xử. Ở trại phong Thanh Bình đất không có để đắp nền, nên các anh chị phải chờ khi nước sông Sài Gòn rút thì đi vét đất ở các con rạch để đắp nên một cái nền cho các em.
Công việc hoàn thành, cũng là lúc “tình người tỏa sáng”. Chính hoạt động tông đồ là mảnh đất tốt cho hạt giống đức tin đâm chồi nảy lộc. Chính hoạt động tông đồ đã giúp cho anh em trong nhóm phát hiện ra được cảm giác tuyệt vời và hạnh phúc của vị thế “người cho”. Khác hẳn cảm giác sung sướng của vị thế “người nhận”.
Sau này, khi anh Tín có dịp gặp lại Anh Thuyết (một người không công giáo) thì nhận được câu hỏi “cái nền mà chúng ta đắp hồi đó đã xong chưa?” và Anh Tín cũng chia sẻ thêm “chính lúc ta làm một việc tốt cho người khác cách quên mình thì ta sẽ nhìn thấy được “tính bản thiện” tồn tại trong con người bất kể là người công giáo hay không công giáo” và sức mạnh của việc thiện sẽ tồn tại “vĩnh cửu”.
Anna-Maria Thu Hương, hành khất tình yêu