Trẻ con yếu đuối nhất khi đứng trước cha mẹ chúng. Cha mẹ chính là trung tâm vũ trụ của đứa nhỏ.
Những lời tàn ác nhất: “Tao ước gì không sinh ra mày”
Một trong những ví dụ thuyết phục nhất của sự tàn phá gây ra bởi bạo hành lời nói là trường hợp của Jason, 42 tuổi, là một viên cảnh sát đẹp trai ở một trong những hospital groups của tôi nhiều năm trước. Sở cảnh sát Los Angeles kiên quyết rằng anh phải nhập viện vì nhà tâm lý học cảnh sát kết luận rằng Jason có nguy cơ muốn tự sát. Tại buổi họp nhân viên bệnh viện, tôi biết được rằng Jason luôn tự đặt mình vào tình huống đe dọa đến tính mạng một cách không cần thiết. Ví dụ như, mới đây nhất anh một mình cố truy bắt một vụ buôn ma túy bất hợp pháp mà không gọi viện trợ. Anh suýt nữa thì tử nạn. Nhìn bề mặt thì hành động này có vẻ như rất anh hùng, nhưng thật ra bản chất lại là hành vi bất cẩn và vô trách nhiệm. Lý do được nói ra rất rõ ràng trong phiên họp: Jason muốn tự sát trong quá trình làm nhiệm vụ.
Phải trải qua nhiều buổi nói chuyện tôi mới giúp Jason lấy lại được sự tự tin. Khi tôi làm được điều đó, giữa chúng tôi phát triển một mối quan hệ công việc tốt đẹp. Tôi còn nhớ rõ khi anh kể tôi nghe về mối quan hệ kỳ quái giữa anh và mẹ anh:
Cha tôi bỏ đi khi tôi hai tuổi vì ông không thể sống nổi với bà. Bà ấy còn cay nghiệt hơn sau khi ông bỏ đi. Bà có tính khí vô cùng bạo lực, và không ngừng công kích tôi, đặc biệt bởi vì tôi là hình ảnh thu nhỏ của ông già tôi. Không có ngày nào bà không nói là ước gì tôi không có mặt trên đời này. Những ngày bà ấy tâm trạng tốt, bà sẽ nói, “Mày giống y hệt ông già khốn nạn của mày. Mày cũng thối nát y hệt ông ta”. Vào những ngày xấu trời, bà sẽ nói mấy câu như, “Phải chi mày chết quách đi, phải chi ông già mày chết quách đi, rồi thối rữa ra dưới mồ”.
Tôi bảo anh mẹ anh điên rồi.
Tôi cũng cho là vậy, nhưng ai mà nghe lời một thằng nhóc. Một người hàng xóm biết chuyện. Bà cố giúp đưa tôi vào một nhà nuôi dưỡng trẻ em, vì bà chắc rằng mẹ tôi sẽ giết tôi. Nhưng cũng không ai nghe bà ấy nói.
Anh dừng lại một lúc và lắc đầu.
Chúa ơi, tôi không nghĩ mấy chuyện này còn làm tôi buồn phiền nữa. Nhưng mỗi lần nhớ lại bà ta ghét cay ghét đắng tôi, trong lòng tôi vô cùng băng giá.
Mẹ của Jason gửi một thông điệp rất rõ ràng: bà không muốn có anh. Khi cha anh bỏ nhà ra đi, và không muốn dính dáng đến cuộc đời anh nữa, ông nhấn mạnh một điều: sự tồn tại của Jason là vô nghĩa.
Thông qua những hành động của anh trong lực lượng cảnh sát, Jason vô thức cố gắng trở thành một đứa con vâng lời, dễ bảo. Về bản chất, Jason đang cố gắng tước đi sự tồn tại của mình, để tự sát, một cách gián tiếp làm vừa lòng mẹ anh. Anh biết đích xác cần phải làm gì để khiến bà hài lòng vì bà đã nói quá rõ ràng: “Tao ước gì mày chết quách đi”.
Bên cạnh việc gây ra tổn thương to lớn và hoang mang, dạng hình bạo hành lời nói này tự trở thành một lời tiên tri tự ứng nghiệm. Xu hướng muốn tự sát của Jason khá phổ biến ở nhóm con cái của những cha mẹ như thế này. Đối với những đứa trẻ người lớn này, đối diện và khắc phục mối liên kết độc hại với quá khứ đúng theo nghĩa đen là vấn đề sinh tử.
Khi “mày là đồ…” trở thành “tôi là đồ…”
Việc trẻ con có thể bị hủy hoại vì những lời nhục mạ của bạn bè, thầy cô, anh chị em, và các thành viên khác trong gia đình là quá rõ ràng, thế nhưng trẻ con yếu đuối nhất khi đứng trước cha mẹ chúng. Sau cùng thì cha mẹ chính là trung tâm vũ trụ của đứa nhỏ. Và nếu những bậc cha mẹ cái-gì-cũng-biết này nghĩ xấu về mình thì chắc chắn là họ nói đúng rồi. Nếu Mẹ lúc nào cũng nói, “Mày là đồ ngu ngốc”, vậy thì mình là đồ ngu ngốc. Nếu Cha lúc nào cũng nói, “Mày là đứa ăn hại”, thì mình chính là đồ ăn hại. Đứa trẻ không có cơ sở nào để có thể nghi ngờ những đánh giá này.
Khi trẻ con đưa những nhận xét tiêu cực từ miệng người khác vào tiềm thức của bản thân, nó đang “nội tâm hóa” chúng. Sự nội tâm hóa những nhận xét tiêu cực – biến từ những nhận xét của người khác về bản thân trở thành giá trị của bản thân – hình thành nền móng của sự không tự trọng. Ngoài việc gây hại nghiêm trọng cảm nhận bản thân như một người đáng được yêu thương, có giá trị và năng lực, bạo hành bằng lời nói có thể tạo ra kỳ vọng tiêu cực tự ứng nghiệm về cách trẻ đương đầu với thế giới. Trong phần hai của quyển sách này, tôi sẽ chỉ bạn cách đánh bại những kỳ vọng méo mó bằng cách đưa những thứ bên trong ra bên ngoài.
tamlyhoctoipham.com