Icon Collap
...
Trang chủ / Làm thế nào để có sự “Tự do nội tâm”?

Làm thế nào để có sự “Tự do nội tâm”?

Tự do nội tâm – Ngay từ đầu, Thiên Chúa tạo dựng nên con người và Ngài đã ban cho con người sự tự do. Đối với Thiên Chúa, tự do là quyền căn bản nhất. Tự do chính là ân huệ nhưng không của Thiên Chúa ban cách không điều kiện. Thiên Chúa tạo dựng lên vũ trụ và giao cho con người quyền cai quản và thống trị vũ trụ. Nhưng con người lại lợi dụng sự tự do để phạm tội và hoàn toàn bị tước mất sự tự do mà bị ràng buộc với tội mà mình đã phạm. Khi ấy, Thiên Chúa lại sai Con của Ngài đến để đòi lại sự tự do cho con người. Có thể nói tự do là một trong những đích đến của con người. Giáo hội có trách nhiệm bảo vệ tối đa sự tự do đó.

Tự do nội tâm, làm thế nào để có sự tự do nội tâm

Định nghĩa “Tự do nội tâm”:

– Ân huệ: Tự do là một ân huệ nhưng không của Thiên Chúa tặng ban cho con người để con người có toàn quyền quyết định trên vận mệnh của riêng mình, để họ tự chọn cho mình
sự hư không đời đời hay là sự sống đời đời.
– Pháp lý: Tự do là khả năng mà Thiên Chúa ban tặng cho con người được hoàn toàn bình đẳng trước Thiên Chúa và pháp luật.
– Luân lý: Tự do là sự thong dong và sự siêu thoát nội tâm, là quyền chọn lựa cách sống xứng hợp với phẩm giá: chọn tội hay phúc, thiện hay ác. Là khả năng Chúa ban để con người
phân biệt được thiện hay ác.
– Ý chí: Tự do là sự nỗ lực của ý chí nhằm giúp con người thoát khỏi sự lệ thuộc, ràng buộc để chọn cho mình một kết quả như mình mong chờ và mục đích mà mình nhắm tới.
– Tâm lý: Tự do là sự giải thoát từ bên trong của con người, giúp con người thoát khỏi mọi sự kiểm soát của những ức chế, ràng buộc về tình cảm, khỏi những kí ức dĩ vãng.
– Nhân loại và xã hội: Tự do là một tiến trình mà cả lịch sử nhân loại thực hiện để dành cho mình quyền tự quyết đối với từng cá nhân, từng sắc tộc, dân tộc và toàn thể nhân loại.
– Triết học: Tự do là sự tự do chọn các đối tượng mà các cá nhân yêu thích và muốn được lệ thuộc vào họ. Như người tu sĩ đi tu là đang lệ thuộc vào Thiên Chúa, chọn Chúa để bị ràng buộc.

Như vậy, tự do không phải muốn làm gì thì làm nhưng chỉ được phép làm trong khuôn khổ, luật pháp, tôn giáo, văn hóa, tín ngưỡng qui định. Tự do nội tâm là một tiến trình chiến đấu liên lỉ đầy cam go của cá nhân với ơn trợ lực của Thiên Chúa, giúp mỗi người từ từ tháo cởi những ràng buộc bên trong và bên ngoài. Để có được sự thanh thoát hoàn toàn mà phụng sự và yêu mến Thiên Chúa hết lòng.

Những ràng buộc đối với sự tự do và sự giải thoát

a. Ràng buộc bên trong

– Nô lệ của tội lỗi, bị ám ảnh day dứt, bất an, lo lắng.
– Đeo bám tình cảm và kí ức dĩ vãng:
+ Kí ức dĩ vãng: lụy tình cảm, sợ hãi, lòng hận thù, nhớ nhung, lo lắng,…

+ Thế giới hình ảnh: ánh mắt, hình ảnh xấu,… tất cả đều được quy lại như camera, không thể quên được, kể cả chìm vào vô thức.
+ Thế giới âm thanh: tiếng quát mắng, lời nói, lời đường mật, tiếng la hét, lời tán tỉnh yêu thương, lời rỉ tai,…

+ Thế giới cảm xúc: sự đụng chạm trên thân xác, bóp cổ, tính dục, sự xô đẩy, nụ hôn, ôm,…
– Hoạt động tính dục
– Ý chí thống trị: sự kiêu ngạo, tự mãn
– Bệnh tật
– Sự ngờ vực của lòng tin, cứng tin, xao xuyến
– Sự giằng co giữa khát vọng vô biên và thực tại trong cuộc sống

Bài đọc thêm: https://svconggiao.net/2020/06/30/tu-do/

b. Ràng buộc bên ngoài

– Đến từ gia đình: những thông tin từ gia đình cung cấp (cha mẹ ốm,…), sự đồng thuận cho đi tu hay không, gia cảnh của gia đình (nghèo nên mặc cảm)…

– Đến từ nhà dòng: luật lệ, qui luật, chương trình, kế hoạch, xung đột, áp lực công việc, bề trên, chị em,…
– Cộng đoàn khác: sự khác biệt về chị em, linh đạo, đời sống chung,…
– Giáo hội: làm sao đẹp lòng Giáo hội, làm sao để vừa lòng cha xứ vừa vừa lòng nhà dòng và người mình phục vụ?

– Xã hội – chính trị: chúng ta không thể tự do khi Giáo hội bị bách hại, khó khăn hay đi tu ngoại quốc thì cũng phải lệ thuộc vào chính trị.

Rèn luyện tự do nội tâm

Để đạt được sự tự do nội tâm, ta cần để mình không lệ thuộc người khác. Dù bất cứ chuyện gì xảy ra vẫn chủ động, bình tĩnh đón nhận. Ai nói gì, tốt thì nghe, không tốt thì kệ họ. Khen chê là quyền của họ, mình cứ giữ sự tự do của mình. Khi đó mới không bị vùi dập. Muốn đạt được điều đó, ta cần phải có sự khiêm nhường thực sự nhờ ơn Chúa. Tuy nhiên, tự do nội tâm không phải là bất cần đời, không để tai hay không quan tâm bất kì người nào, nhưng mình cần ý thức mình đang cần hết mọi người, cần bận tâm và lo lắng đến tất cả. Dù là bệnh nhân, anh chị em trong cộng đoàn… mình đều cần đến họ, quý họ chứ không vô cảm, vô tâm với họ. Bù lại, ta phải có tình thương, sự nâng đỡ, quan tâm thật để có liên đới và tình yêu thật sự. Nhưng cũng không phải vì thế mà để cảm xúc làm nô lệ hóa bản thân. Mình quan tâm tất cả nhưng lại không để những điều đó đè bẹp được mình, làm mình mục nát mà vẫn giữ được sự độc lập của bản thân.

Lớp học ơn gọi

Lm. Ga Lưu Ngọc Quỳnh, CsSR

Bình luận