Icon Collap
...
Trang chủ / Xin dạy chúng con biết cầu nguyện

Xin dạy chúng con biết cầu nguyện

Cầu nguyện là gì? Cầu nguyện là một phần tất yếu, không thể thiếu được trong đời sống thường nhật của một tín hữu, bất luận họ thuộc tôn giáo nào. Có vị thánh còn dám vì đời sống cầu nguyện như là linh hồn, là hơi thở, là nguồn sống của người tín hữu. Thánh Alfongso, đấng sáng lập Dòng Chúa Cứu Thế còn dám nói “ Ai cầu nguyện thì sẽ được cứu, ai không cầu nguyện thì sẽ hư mất”. Như vậy, cầu nguyện luôn được xem như là sợi chỉ, là nhịp cầu, là khối keo để nối kết, xe kết và gắn kết con người với vị thần linh của mình. Bên cạnh đó, đã là những đồ đệ của một bậc thầy tâm linh thì dĩ nhiên họ phải biết cầu nguyện và có khi lại là những người cầu nguyện mẫu mực. Vậy thì tại sao những đồ đệ của Đức Giê su mà Tin mừng vừa công bố lại xin Ngài dạy cho họ biết cách cầu nguyện?Có thể do hai nguyên nhân sau đây.

Cầu nguyện là gì, học cách cầu nguyện, cầu nguyện như thế nào

Nguyên nhân thứ nhất, có thể do các môn đệ chưa biết cầu nguyện. Điều hiển nhiên chúng ta phải ghi nhận đó là đã là một tín đồ chân chính, thuần thục của một tôn giáo thì dĩ nhiên họ luôn biết cầu nguyện và phải cầu nguyện thường xuyên với vị thần linh của mình. Nhưng không phải tất cả những người xưng mình là tín đồ đều nghiễm nhiên trở thành tín đồ chân chính, thuần thục của tôn giáo đó và biết cách cầu nguyện cả. Các tông đồ của Đức Giê su cũng không ngoại lệ. Không phải tất cả những tông đồ đi theo Đức Giê su vào thời điểm này đều đã đắc đạo, đã đạt tới bậc chân tu, nghĩa là đã trở thành những đồ đệ thật của Ngài.

Các tông đồ vốn dĩ xuất thân là những tín hữu của Do thái giáo. Họ có thể đón nhận hay phải đón nhận Gia vê Đức Chúa là Thiên Chúa của mình một cách miễn cưỡng, nhờ lòng tin mà gia đình, dân tộc hay tổ tiên của họ truyền lại. Nhưng trong sâu thẳm con người của họ, chắc gì các tông đồ đã xác tín, đă đặt trọn niềm tin vào Gia vê Thiên Chúa?Mà nếu giả như các tông đồ không có hay chưa có đủ được lòng tin chân thành vào Gia vê Thiên Chúa thì làm sao họ có thể biết cầu nguyện và thường xuyên cầu nguyện được? Chúng ta dễ dàng nhận ra một thực tại là khi đối diện với một người mà chúng ta có cảm tình, chúng ta cảm thấy đủ để tin tưởng vào họ thì mới có thể ngỏ lời tâm sự với họ được. Với Thiên Chúa cũng vậy. Nếu các tông đồ chưa đạt thấu độ tin tưởng đủ vào sự hiện diện của Gia vê Thiên Chúa đang ở với họ và chưa có được cảm tình với Ngài thì làm sao các ông có thể nói chuyện, tâm sự được với Thiên Chúa?

Đừng nói gì tới các Tông đồ cho xa mà chúng ta hãy đối diện với chính mình để xem thử tất cả những người Công giáo chúng ta, cách riêng những người có mặt trong ngôi nguyện đường này chắc gì trăm phần trăm đã biết cầu nguyện và thường xuyên cầu nguyện với Thiên Chúa phải không các bạn! Tôi tin rằng những người ngồi đây đều đã được rửa tội, đã được đóng mác Ki tô hữu chính hạng, nghĩa là người thuộc về Đức Ki tô. Nhưng thật sự chúng ta đã là môn đệ của Ngài chưa?Chúng ta đã biết và đã cầu nguyện như Ngài Chưa? Nếu chúng ta không có được một đức tin trưởng thành, một lòng khao khát Thiên Chúa thật thì dễ gì chúng ta biết cầu nguyện và thường xuyên dành giờ cầu nguyện. Ấy là chưa kể đến bao nhiên cản trở khác đến từ bên ngoài như việc vắt kiệt sức lực, thời gian do việc làm, việc học, do những nhu cầu khác; nhất là sự quấy phá của ma quỷ.

Nguyên nhân thứ hai có thể do các tông đồ đã biết cầu nguyện và đã cầu nguyện theo kiểu của những người Do thái giáo. Nhưng họ chưa bao giơ bắt gặp một rabbi nào lại có khả năng cầu nguyện hấp dẫn lạ lùng như Đức Giê su và chính bản thân họ cũng chưa lúc nào đạt tới trình độ cầu nguyện như vậy. Họ cảm thấy bỡ ngỡ, ngạc nhiên trước việc cầu nguyện lâu giờ của Đức Giê su nên muốn học thêm cho biết cách cầu nguyện của Ngài. Kinh thánh ghi nhận rằng dù bận với bao công việc nhưng Đức Giê su vẫn không bỏ giờ cầu nguyện. Ngài thường tìm đến nơi thanh vắng để cầu nguyện một mình và cầu nguyện lâu giờ. Có những lúc Ngài cầu nguyện suốt cả đêm, nhất là trong biến cố chọn các môn đệ làm tông đồ của Ngài.Việc Đức Giê su hay tìm nơi thanh vắng để cầu nguyện, việc Ngài cầu nguyện một cách say sưa đến nỗi thâu đêm suốt sáng, quên cả thời gian khiến không chỉ các tông đồ mà ngay cả chúng ta cũng phải lấy làm lạ. Vả lại, để trở thành một môn sinh của vị Thầy như thế, làm sao những tông đồ lại không thích cầu nguyện được như thầy mình?Vậy, bí quyết nào, sức mạnh nào khiến Đức Giê su có thể làm được điều này? Có nhiều lí do để diễn giải. Nhưng theo suy nghĩ của cá nhân tôi thì có vài lý do sau.

Bài đọc thêm:http://hoimehangcuugiup.com/2020/08/30/suc-manh-cua-loi-cau-nguyen/

Phép lạ nhiệm mầu

Thứ nhất, Đức Giê su không xem việc cầu nguyện như là một bổn phận, trách nhiệm như nhiều người tín hữu vẫn hay quan niệm. Ngược lại, Ngài xem việc cầu nguyện như là một cơ hội, một thời khắc tốt nhất để sống tình con thảo với Cha của Ngài, để yêu mến Cha. Lòng yêu mến, trân trọng dành cho Cha luôn là động lực khiến Đức Giê su không bỏ lỡ cơ hội để diễn tả lòng hiều thảo của mình. Với Đức Giê su cầu nguyện chính điểm hẹn, là giờ hẹn của tình yêu. Nơi đó, giờ đó tình yêu mà Ngài và Cha dành cho nhau được thể hiện và ứng đáp cách no thỏa. Việc Đức Giê su gọi Thiên Chúa là Ba, là Cha diễn tả cho thấy phần nào tâm tình con thảo và lòng thương mến chân thành của Ngài dành cho Thiên Chúa.

Thứ đến, Đức Giê su luôn xác tín và quyết ý làm theo thánh ý của Cha “ Ta đến không phải để làm theo ý Ta mà cốt để thực thi thánh ý của Cha”. Nhưng làm sao biết được thánh ý của Cha nếu không ngồi với Ngài, ngồi bên Ngài, hỏi ý kiến và lắng nghe được tiếng Ngài nói! Chính vì vậy, trong thời khắc nghiệt ngã nhất nơi vườn Giệt si ma ni, Ngài đã thưa lên với Cha rằng “ Cha ơi! Nếu có thể được xin Cha cất khỏi con chén đắng này. Nhưng một theo ý Cha đừng theo ý con”. Ý của Thiên Chúa Cha không phải lúc nào cũng tỏ tường. Muốn biết được ý của Ngài thì phải có thời gian ở với Ngài, lắng nghe Ngài nói và tâm sự cùng Ngài.

Chúng ta cũng vậy. Là những tín hữu của Đức Giê su, có thể chúng ta đã biết cầu nguyện hoặc đã từng có tuổi thọ cầu nguyện thâm niên khá cao. Nhưng chắc gì chúng ta cầu nguyện được lâu giờ và cầu nguyện say sưa như Đức Giê su? Nếu lỡ may trong chúng ta có một ai đó có khả năng cầu nguyện thâu đêm suốt sáng với Thiên Chúa như Đức Giê su thì chắc gì chúng ta có được động cơ và tâm tình cầu nguyện như Ngài. Chúng ta có dám gọi Thiên Chúa là Cha không? Chúng ta có dám cầu nguyện như những gì Đức Giê su đã cầu không? Dám chắc chúng ta chưa đạt được điều đó. Vậy thì hơn bao giờ hết lúc này đây, chúng ta hãy bắt chước các môn đệ chân thành xin Đức Giê su dạy cho chúng ta biết cách cầu nguyện như chính Ngài đã dạy các môn đệ xưa. Nhờ vậy, chúng ta có thể trở thành môn đệ đích thực của Đức Giê su ít là về đời sống cầu nguyện. Amen.

Bài đọc thêm: https://svconggiao.net/2020/08/12/hoc-cach-cau-nguyen-cua-duc-giao-hoang-phanxico/

Ga. Lưu Ngọc Quỳnh CsSR

Bình luận