Icon Collap
...
Trang chủ / Bí cấp truyền giáo

Bí cấp truyền giáo

Hân hoan cùng với Hội Thánh mừng ngày lễ kính các thánh tử đạo Việt Nam, một ngày lễ để mỗi người chúng ta nhớ lại các vị tổ tiên, những người đã có công xây dựng, là nền móng của Giáo Hội Việt Nam. Hôm nay ngày 24/11 cộng đoàn sinh viên Công Giáo Hưng Hóa đã quy tụ nhau nơi đền thánh Giê-ra-đô để cùng nhau tham dự thánh. Thánh lễ do cha linh hướng Gioan Lưu Ngọc Quỳnh chủ tế với bài giảng về bí cấp truyền giáo của Hội Thánh.

“Chứng nhân – tử đạo” – dường như đó là một truyền thống mà Giáo Hội chúng ta đã và đang thực hiện trong suốt dòng thời gian lịch sử của Hội Thánh. Và để có thể truyền giáo được thì bí cấp truyền giáo của Hội Thánh ấy chính là con đường tử đạo.

Điều đáng trăn trở hiện tại là sự khác biệt giữa Giáo Hội Triều Tiên, Giáo Hội Trung Quốc và Giáo Hội Việt Nam. Con số tử đạo ngang ngửa với nhau nhưng Giáo Hội Việt Nam dường như đang dậm chân tại chỗ. Số tín hữu không vượt quá 7% mà Giáo Hội Triều Tiên lên đến 14%-15%, còn Giáo Hội Trung Quốc dù gặp nhiều bắt bớ, dù bị tù đày nhưng người ta ước tính có 100 triệu người tín hữu. Câu hỏi được đặt ra cho chúng ta là tại sao các nước có bối cảnh lịch sử khá giống nhau, số vị tử đạo xấp xỉ nhau mà tại sao lại có sự chênh lệch nhiều đến như thế?.

Có lẽ đất nước chúng ta như đang vùi lấp đi lịch sử hiển hách của thời các thánh tử đạo. Còn đất nước Hàn Quốc được tự do trong tôn giáo, họ xây tượng để lưu giữ lại lịch sử, cầm giữ lịch sử ấy cho con cháu. Chính bởi vậy nên thế hệ sau này có nhiều người noi gương bắt chước đời sống các thánh tử đạo và có rất nhiều người trở lại đạo. Còn với đất nước Việt Nam, lịch sử ấy bị vùi lấp, bị lãng quên. Nếu như đất nước chúng ta cũng được tự do tôn giáo, cũng được dựng tượng của 117 vị thánh tử đạo như đất nước Hàn Quốc thì chắc chắn thế hệ con cháu của chúng ta cũng sẽ noi gương bắt chước các thánh tử đạo. Bởi vì lịch sử của Hội Thánh được bắt nguồn từ vị tử đạo đầu tiên là Chúa Giê-su trên thập tự giá. Tiếp nối Chúa Giê-su là các tông đồ bước theo con đường tử đạo. Và sau các tông đồ là các linh mục, giám mục và kể cả Giáo Hoàng của 3 thế kỉ đầu đã bị chặt đầu, bị chém, bị giết vì đạo. Giáo hội của chúng ta được sinh ra trong máu. Chúa Giê-su nói: Chính anh em là chứng nhân cho Thầy. và chứng nhân cho Chúa Giê-su đồng nghĩa với việc tử đạo. Có lẽ cách rao giảng, cách thu phục và truyền cảm hứng cho người ta tốt nhất không phải là những bài giảng hùng hồn mang tính triết học, thần học mà lời chứng bằng cách đổ máu mình ra. Giáo hội chúng ta 3 thế kỉ đầu bầm dập bởi đế chế La Mã. Họ đã giết chết biết bao nhiêu người nhưng càng bách hại thì đạo lại càng lớn mạnh. Còn ở Việt Nam chúng ta, 3 thế kỉ bị bách hại (16-19) tàn khốc và rồi nhờ đó mà có Giáo hội Việt Nam chúng ta. Giáo hội Việt Nam được sinh ra trong dòng máu các thánh tử đạo, giống với Giáo hội mẹ của chúng ta sinh ra trong dòng máu các thánh tử đạo dưới thời đế chế La Mã như thế nào thì Giáo hội Việt Nam chúng ta một cách nào đó cũng tương tự như vậy.

Cha linh hướng chia sẻ điều ấy để tất cả mỗi người chúng ta là thế hệ con cháu phải suy nghĩ với nhau về lòng tin, cách rao giảng, cách làm chứng của chúng ta. Liệu chúng ta có dám làm chứng cho Chúa trong đời sống sinh viên của chúng ta? Chúng ta có dám tuyên xưng chúng ta là người có đạo, có dám làm dấu hay không? Chứ chưa nói đến việc chúng ta tử đạo.

Mời đọc thêm: Hành trình từ bỏ và hi sinh

Vậy để làm chứng cho Chúa thì trước hết và trên hết chúng ta phải biết sống mầu nhiệm tử đạo trong bối cảnh hiện tại qua 3 chiều kích:

Thứ nhất: Dám làm chứng cho Chúa, tuyên xưng mình là người có đạo, dám làm dấu một cách công khai.

Thứ hai: Chúng ta cố gắng sống tốt, sống ngay thẳng, không làm những chuyện gian dối, bậy bạ. Chúng ta tử đạo bằng đời sống hi sinh, từ bỏ, sống theo tin mừng và từ bỏ lối sống vô thần. Chúng ta từ bỏ tội lỗi, chống đối lại những cám dỗ của những phim ảnh xấu, những hành vi xấu.

Thứ ba: Chúng ta cùng nhau xây dựng một đời sống đức tin lớn mạnh để ngang qua cộng đoàn đức tin này nhiều người được trở lại cùng Chúa. Để có được một cộng đoàn đông đúc với đời sống đức tin triển nở thì ắt hẳn sự hi sinh của ban điều hành là rất lớn và cùng với sự hợp tác các thành viên trong cộng đoàn. Sự hi sinh của tất cả các thành viên ấy chính là một phần trong mầu nhiệm tử đạo và chắc chắn rằng cộng đoàn sinh viên Công Giáo Hưng Hóa sẽ ngày càng sinh nhiều hoa trái.

Mời đọc thêm: Thiên Chúa luôn bên cạnh và lắng nghe chúng ta

Đó là 3 chiều kích của việc tử đạo trong đời sống hiện tại và mang lại hiệu quả tốt nhất trong công cuộc tân phúc âm hóa mà Giáo Hội đang mời gọi tất cả chúng ta.

Tạ ơn Chúa đã ban cho các thánh ơn tử đạo để làm gương cho chúng con, cảm ơn các thánh tử đạo đã cho chúng con giống các ngài để chúng con biết tiếp tục dòng máu tử đạo vì đức tin ấy. Nguyện xin các thánh tử đạo giúp chúng con kiên vững hơn nữa để làm cho cộng đoàn đức tin của chúng con ngày càng lớn mạnh, ngày càng lớn lên. Amen.

Truyền thông sinh viên
Maria Hoàng Thảo

 

Bình luận