Cái ách và Lề luật
Trong bài Tin Mừng, Chúa Giê-su có nhắc đến cái ách – một đồ vật rất quen thuộc, gần gũi đặc biệt là đối với người nông dân. Cái ách chính là một khúc gỗ uốn (hay đẽo) cong máng vào cổ con trâu con bò hay con ngựa để kéo cày hay kéo xe. Để cái ách nằm yên một chỗ trên cổ con vật, người ta buộc nó vào một sợi dây chạy vòng qua phía dưới họng của nó. Khi cổ con vật bị cái ách khung lại như thế nó bị kềm chế và người chủ sẽ dễ dàng điều khiển nó. Chúa Giê-su đã dùng hình ảnh cái ách, cái gánh để nói về Lề luật mà Chúa đến để kiện toàn đó là lề luật của người Do Thái. Vậy thời trước Chúa Giê-su, người Do Thái đã bắt những người theo đạo Do Thái phải tuân giữ luật như thế nào? Chúa Giê-su đã lấy hình ảnh cái ách để so sánh: “Ách tôi êm ái, còn gánh tôi nhẹ nhàng”. Đối với các bạn trẻ thế hệ 2k, Chúa Giê-su mà dùng hình ảnh “cái ách” thì có thể nhiều bạn không hiểu nhưng ngày xưa với hình ảnh đó thì ai ai cũng hiểu. Ngày xưa, trong đạo Do Thái các nhà luật sĩ và biệt phái ra rất nhiều luật, họ ngồi trên bàn giấy họ nghĩ ra đủ các thứ luật. Theo như chúng ta biết, một người theo Đạo Do Thái phải theo và giữ hơn 600 khoản luật. Ra đường chắc cũng phải xem bước chân trái hay chân phải ra trước để không phạm luật. Trong nhà cũng vậy, có rất nhiều luật chi li từ luật rửa tay đến luật rửa chén bát,… hầu như cái gì cũng phải theo luật lệ, nguyên tắc; nó chi phối con người làm cho con người khi theo đạo Do Thái thời ấy cảm thấy vô cùng mệt mỏi. Họ không thấy được tình thương của Chúa đâu chỉ thấy việc giữ Luật quá mệt mỏi. Luật lệ đè nặng trên tinh thần và cuộc sống, đời sống của họ.
“Cái ách” êm ái và “Lề luật” nhẹ nhàng
Và Chúa Giê-su đã đến, Chúa Giê-su đã lấy hình ảnh cái ách và nói: “Ách tôi êm ái và gánh tôi nhẹ nhàng”, Chúa muốn nói không phải là Ngài muốn đến để huỷ bỏ toàn bộ lề luật cũ để rồi Ngài thiết lập lề luật mới nhưng Ngài đến để kiện toàn, để xây dựng một lề luật dựa trên tình yêu. Ngài thổi vào trong lề luật của người Do Thái sự yêu thương để cho họ thấy được rằng họ đến với Chúa và sống cũng như tuân giữ lề luật của Chúa là bởi vì yêu Chúa và được Chúa yêu thương. Cho nên lúc đó, Chúa Giê-su đã kiện toàn Lề luật bằng cách Ngài đã loại bỏ đi tất cả những gì là không phải từ Luật của Thiên Chúa mà do người Do Thái tạo ra. Chúng ta thấy trong Tin Mừng có nói Chúa Giê-su nói rất thẳng thắn với những người biệt phái và những người luật sĩ: “Hỡi những tiến sĩ luật, khốn cho các ngươi nữa! Vì các ngươi chất lên người ta những gánh nặng không thể vác được, mà chính các ngươi dù một ngón tay cũng không động tới”, Chúa Giê-su muốn nói rằng họ luôn luôn sống trong sự giả dối, họ toàn là những kẻ đạo đức giả. Họ ra luật, họ bắt người theo đạo phải tin phải theo phải giữ còn họ thì lại không tuân giữ. Chúa Giê-su thấy tình cảnh như vậy thì Ngài rất bực bội và cũng rất đau xót. Ngài đến để mở ra cho con người có một lòng tin – lòng tin vào Thiên Chúa và muốn tuân giữ luật của Thiên Chúa. Chúa đã mở cho họ con đường mới để họ thấy được rằng không phải đi theo Chúa là mình phải đeo trên mình, phải gông cùm vào mình một cái lề luật một cách ngột ngạt như vậy. Nhưng là đi theo Chúa là một tinh thần tuân giữ luật hết sức tự do và thoải mái.
Giữ luật với lòng yêu mến
Ngày hôm nay chúng ta cũng vậy, không ai ép buộc chúng ta đến đây để đi lễ, tất cả chúng ta đến đây là vì lòng yêu mến Chúa. Ví dụ có ngồi đọc thêm một vài kinh cũng là vì lòng yêu mến Chúa, Chúa không bắt, không ra lệnh cho chúng ta phải đọc, cũng không đe doạ chúng ta nếu không làm thì sẽ bị phạt hay thế này thế khác. Chúa hoàn toàn không làm như vậy, hoàn toàn Chúa mời gọi chúng ta làm vì lòng yêu mến. Mỗi người chúng ta hãy ý thức điều đó để chúng ta sống đạo một cách hết sức thoải mái, không phải sống đạo bởi vì sợ Chúa. Nhiều người trong chúng ta hầu hết thường sống thường đi theo Chúa là vì sợ Chúa. Vì sợ Chúa nên không dám làm cái này cái kia, đi lễ ngày Chúa Nhật vì sợ Chúa phạt, đi lễ mà trong thâm tâm luôn luôn nghĩ rằng đi để cho hết trách nhiệm và bổn phận. Thôi thì đi lễ thì đi rồi ngồi quán nước cũng được, chỉ chờ cha chúc bình an làm dấu xong cái là về luôn. Chúa hoàn toàn không bao giờ muốn chúng ta như vậy hết. Chúa muốn chúng ta làm trong sự tự nguyện và tự do và làm trong lòng yêu mến.
Đọc thêm: Hãy trở nên “hiền lành” và “khiêm nhường” như Giê-su
Cầu nguyện
Lạy Chúa, xin cho mỗi người chúng ta ý thức điều đó để khi chúng ta làm những việc tôn kính Chúa hay việc đạo đức thì thà chúng ta có làm ít việc trong ít giờ mà làm với lòng yêu mến còn hơn làm nhiều mà chia trí, lo ra. Xin cho chúng con luôn biết làm mọi sự vì lòng yêu mến, với sự vui vẻ và bình an để rồi chúng con sống đạo và giữ đạo mỗi ngày một tốt hơn để luật Chúa trở nên nhẹ nhàng êm ái chứ không phải là gông cùng, xiềng xích trói buộc chúng con nữa. Amen!
Theo bài giảng của cha Vincente Phạm Văn Bằng trong Thánh lễ của cộng đoàn Bùi Chu ngày 09.12.2020
Tê-rê-sa Ngọc Duyên
Truyền thông Sinh viên Công Giáo