Có lẽ các ngày trong tuần Bát nhật Phục sinh, mỗi người chúng ta đều được dự phần vào từng biến cố của Đấng Phục sinh. “Chậm tin – cứng tin – rồi tin” là chủ đề chính mà Cha Linh Hướng Gio-an chia sẻ cho anh chị em Sinh viên Công giáo Bùi Chu trong Thánh Lễ thường kì tại nguyện đường Thánh Giê-ra-đô. Qua đó, Ngài nhấn mạnh rằng: Mỗi người chúng ta có gặp được Đấng Ki-tô Phục sinh trong từng biến cố sinh hoạt thường ngày của chúng ta hay không? Hay mỗi người chúng ta vẫn cứ ” chậm tin – cứng tin – rồi tin “như các Tông đồ xưa?
Sự chậm tin trong việc đón nhận Chúa Giê-su Phục sinh
Như chúng ta biết niềm tin của chúng ta dựa trên nền tảng căn bản: Đó là Đức Giê-su đã đánh bại tử thần và chiến thắng Phục sinh vinh hiển, nên Người làm Chúa và làm chủ cả vũ trụ này. Nhưng niềm tin của chúng ta vào Đấng Phục sinh hoàn toàn phải dựa vào các Tông đồ. Vì Chúa Phục sinh chỉ hiện ra với các Tông Đồ và những người có liên quan, Ngài không hiện ra với tất cả mọi người một cách toàn diện, nhưng Ngài chỉ hiện ra với những người có liên quan đến Ngài, những người mà Ngài muốn tỏ mình ra. Bởi thế, đây chính là điều khó đối với chúng ta khi mỗi người đón nhận niềm tin vào Chúa Phục sinh. Hơn nữa, để niềm tin đó được lớn mạnh hơn, Thánh Kinh đã nói rất chân thật những khó khăn về sự “chậm tin – cứng tin – rồi tin ” của các Tông Đồ trong việc đón nhận Chúa Phục sinh như thế nào?
Mấy ngày qua, chúng ta thấy những người lính canh mộ, sau khi thấy Chúa Phục sinh thì hoảng loạng và chạy trốn hết, chạy về báo tin cho các Thượng tế. Các Thượng tế liền họp và cho lính một số tiền và bảo: “Các anh hãy nói thế này: Ban đêm đang lúc chúng tôi đang ngủ, các môn đệ của hắn đã đến lấy trộm xác. Nếu sự việc này đến tai quan tổng trấn, chính chúng tôi sẽ dàn xếp với quan và lo cho các anh được vô sự…” (Mt 28,11 – 15). Có thể nói người Do Thái đối diện với biến cố Phục sinh trong sự hoảng loạn, họ tìm mọi lí lẽ để biện minh cho việc Chúa Giê-su không Phục sinh mà Ngài đã chết như một con người. Đó là cái khó đến từ những đối thủ của Chúa Giê-su.
Tiếp đến, cái khó còn đến từ các Tông Đồ cùng các môn đệ của Ngài, đây là điều chúng ta phải suy nghĩ. Chúa Giê – su đã nhiều lần hiện ra với các Tông Đồ ở nhiều nơi chốn khác nhau, nhưng phần đông các ông không nhận ra. Chúng ta thấy câu chuyện của bà Maria, Chúa đã gọi tên bà Maria Mác-đa-la nhưng bà không nhận ra Chúa Giê-su mà cứ tưởng là người làm vườn. Hôm nay hai môn đệ trên đường Em mau sau khi đi được một quãng đường gần 11 cây số, được cùng đàm đạo với Chúa, được Chúa Giê-su gợi mở và giải thích Kinh Thánh cho họ. Tuy lòng họ bừng cháy nhưng đôi mắt tâm hồn của họ đã nhắm lại nên họ không nhận ra đó chính là Chúa Giê-su Phục sinh. Hơn nữa, trong Kinh Thánh đều nhắc lại rất nhiều lần Chúa đã hiện ra với các môn đệ, nhưng vì các ông đều chậm tin nên không thể đón nhận Chúa Phục sinh vào trong tâm hồn được. Dẫu cho các ông được sờ vào đầu gối và các vết thương, được cùng ăn cùng uống với Người. Nhưng mỗi lần Chúa hiện đến thì tất cả đều choáng váng hết và cứ tưởng là “ma”.
Bài đọc thêm: Chỉ cần tin
Tại sao họ cứng tin?
Tại sao vậy? Tại sao Chúa Giê-su làm mọi cách mà họ cứng tin vậy? Ngay cả đối với mỗi người chúng ta cũng vậy, giả sử hôm nay Chúa Phục sinh hiện ra tại đây, chắc có lẽ mỗi người trong chúng ta cũng không tin mà cứ tưởng là “ma” chứ không riêng gì các môn đệ. Câu trả lời đơn giản nhất đó là bởi vì Chúa Giê-su Phục sinh không thuộc về thế giới của con người nữa mà thuộc về thế giới của Đấng Phục sinh, thế giới của Thiên Chúa, mà thế giới của Thiên Chúa luôn bao phủ thế giới của chúng ta và không bị giới hạn bởi không gian và thời gian. Cho nên hiện tượng Ngài biến mất cho thấy Ngài không lệ thuộc vào thân xác thể lí của Ngài, mà thân xác đó đã được Phục sinh rồi nên không thuộc về thế giới của chúng ta nữa.
Trong Triết học người ta chia ra hai lĩnh vực, lĩnh vực thấy được người ta gọi là vật thể, còn lĩnh vực không thấy như: Tư tưởng, ước muốn, tình yêu, không khí, điện từ…thì được gọi là phi vật thể. Trong Kinh Tin Kính gọi là thế giới hữu hình và vô hình. Những phi vật thể nó bao trùm chúng ta nhưng mỗi người không tin được. Tại sao? Vì Khoa Học đã chứng minh thế giới xung quanh chúng ta luôn có các điện từ và điện sóng nhưng chúng ta có tin không? Khó lắm? Bởi vì con người chúng ta là một bản thể cho nên chúng ta luôn đòi những vật thể để tin và đón nhận, còn cái gì phi vật thể thì con người khó có thể tin được. Mặc dù các môn đệ được Chúa hiện ra nhiều lần với nhiều hình thức khác nhau như: Trong phòng tiệc ly, trên đường, trên biển hồ…thì mọi người cảm thấy vui lắm nhưng Chúa biến mất thì hoảng sợ. Có thể nói cái khó của Thiên Chúa là Ngài thuộc về thế giới Phục sinh, Ngài không thể hiện trong thế giới vật thể như chúng ta được. Cho nên Ngài có làm gì cho chúng ta đi chăng nữa thì lòng tin của chúng ta khó có thể đạt được như vậy. Có lẽ chính sự cứng tin của các Tông Đồ và Thánh Tô ma mới làm cho chúng ta vững tin hơn vào Đấng Phục sinh. Các ông nhát đảm và không tin lại còn dám thách thức Chúa “ nếu tôi không thấy dấu đinh ở tay Người…Tôi chẳng có tin” (Ga 20,24). Có thể nói để chinh phục sự cứng tin của các Tông đồ Chúa Giê-su đã vất vả lắm!
Nhưng sau khi đón nhận Thần Khí của Đấng Phục sinh, các Tông Đồ mới dám tin là Chúa Giê-su Phục sinh. Bằng chứng là các ông thay đổi hơn và không còn sợ sệt như xưa nữa, nhưng đã can đảm ra đi rao giảng Tin mừng làm chứng cho thế giới là Chúa đã sống lại. Hơn nữa, các Tông Đồ con nhân danh Chúa làm cho cả anh què đi được tại cửa thành Giê-ru-sa-lem, các ông sẵn sàng chấp nhận chết tử vì đạo, để làm chứng cho một chân lý Chúa đã Phục sinh, Chúa đã sống lại trong thế giới này. Qua đó các Tông Đồ hiểu được mầu nhiệm Chúa Phục sinh là quan trọng nhất. Mầu nhiệm đó dựa trên lời chứng của các Tông đồ và các môn đệ. Nhìn chung các Tông Đồ và môn đệ đều là những người cứng tin, hoài nghi. Chính vì thế Chúa Giê-su đã phải chinh phục nhiều lần và bằng nhiều cách khác nhau, để cuối cùng mới đánh bại sự “cứng tin – chậm tin – rồi tin” của các ông, nhờ đó các ông trở nên can đảm hơn để làm chứng nhân cho Chúa Phục sinh. Có thể nói niềm tin là vậy! Trong khi rao giảng Các Tông Đồ đã nhân danh Chúa và làm nhiều phép lạ để có thể chinh phục được thế giới này.
Niềm tin vào Chúa Phục sinh được thể hiện rõ trong Thánh lễ
Còn chúng ta, mỗi người có nhân danh Chúa Giê-su Phục sinh mà làm nhiều phép lạ cho người khác không? Có thể nói bằng miệng tôi tin nhưng để sống mầu nhiệm Chúa Phục sinh không dễ chút nào. Trong biến cố Chúa Giê-su chịu chết, Ngài phải dùng đến Bí Tích Thánh Thể thì các môn đệ mới tin vào Ngài. Chúa Giê-su Phục sinh được thể hiện rõ nhất trong Thánh Lễ: “Khi đồng bàn với họ, Người cầm lấy bánh, dâng lời chúc tụng và bẻ ra trao cho họ…( Lc 24,30). Vì thế, khi mỗi người chúng ta tham dự Thánh Lễ là chúng ta đang cử hành biến cố vượt qua và Phục sinh vinh hiển Chúa Giê-su. Vì thế mầu nhiệm tỏ tường, xác tín nhất đó chính là Thánh Thể. Vì trong Thánh Lễ, chính Mình Máu Chúa và Lời Chúa là sự hiện diện thật sự của Chúa Phục sinh.
Cho nên trong mỗi Thánh Lễ, chúng ta xin Đấng đã mở mắt cho các môn đệ trên đường Em mau cũng luôn mở mắt và đồng hành với mỗi người chúng ta để mỗi người không còn chậm tin, cứng tin nữa nhưng vững tin hơn vào Chúa Phục sinh. Nhờ đó, khi chúng ta tham dự Thánh lễ, chúng ta nghe được lời của Ngài nói với chúng ta và đặc biệt là đón rước chính Đấng phục sinh toàn vẹn hiện diện trong chính tâm hồn mỗi người.
Bài đọc thêm: Phục sinh – Biến Cố Vô Tiền Khoáng Hậu
Lời nguyện:
Xin Chúa Giê-su Phục sinh là Đấng đã thương soi lòng mở trí cho hai Môn Đệ trong tâm trạng chán nản, tuyệt vọng và muốn bỏ cuộc. Giờ đây, trong Thánh Lễ hôm nay, xin Ngài cũng tỏ mình ra cho từng người Sinh viên chúng con. Nhờ đó, chúng con có thể tin cùng đón nhận Đấng Phục sinh vào trong lòng chúng con, để chúng con can đảm đứng lên quay trở lại Giê-ru-sa -lem như hai Môn Đệ xưa, không theo đường cũ mà trở về nữa. Nhưng nhờ Thần Khí của Đấng phục sinh, chúng con trở thành những người ra đi, rao giảng làm chứng cho Chúa Phục sinh đã hiện ra cùng tỏ mình cho chính mỗi người chúng con. Amen
Truyền Thông Sinh Viên Công Giáo
Anna: Trần Thị Bảo Minh