Bản tính con người là thiện hay ác vốn dĩ là một trong những vấn đề được tranh cãi nhiều nhất trong lịch sử triết học Trung quốc và đạt tới đỉnh điểm của nó trong cuộc tranh luận giữa Mạnh Tử, người chủ trương bản tính con người là thiện, và Tuân Tử, người chủ trương ngược lại, bản tính con người là ác, diễn ra vào thế kỷ thứ III trước C.N. Dưới nhãn quan của Nhân học Kitô giáo, cả hai quan điểm này được soi sáng như thế nào? Và đâu là quan điểm thiện ác của Kitô giáo ? Đây là những vấn nạn chúng ta cố gắng làm rõ.
Trước hết, với Mạnh Tử, bản tính con người vốn dĩ là thiện, dẫu nơi con người không phải không có những yếu tố không thiện, không ác và những yếu tố này có thể trở thành bất thiện nếu không được kiềm thúc. Nhưng nếu xét cho cùng thì những yếu tố này không thuộc về tính “người” mà chỉ thuộc về tính “con”. Do vậy, bản tính con người chỉ có thiện. Sở dĩ Mạnh Tử dám khẳng quyết như vậy bởi vì ông nhìn thấy nơi con người “ai cũng có lòng chẳng nỡ khi thấy người khác đau khổ…thấy một trẻ em sắp rơi xuống giếng ai cũng lo sợ xót thương…không có lòng thương xót thì không phải là người, không có lòng hổ sợ, lòng từ bi, lòng phải trái…không phải là người. Trong bản tính nguyên lai của mình, mọi người đều có “tứ đoan”, và khéo phát triển chúng thì “tứ đoan” sẽ trở thành “tứ đức” (Phùng Hữu Lan, Đại cương triết sử Trung quốc, bản dịch của Nguyễn Văn Dương, Nhà xuất bản Thanh niên, tr 83-85). Như vậy, Mạnh Tử đã thấy rõ tính “thiện” nơi con người và cố gắng làm sao để cho tính thiện ấy được đẩy lên cao, để con người sống tốt với nhau hơn. Điều này không sai. Nhưng những ham muốn, dục vọng nơi con người là một thực tại không thể phủ nhận được. Làm sao có thể giải thích được sự hiện diện của sự ác nơi con người ?
Thứ đến, với Tuân Tử thì con người sinh ra chẳng những không có những đầu mối của sự thiện mà trái lại lại có sẵn những đầu mối của sự ác. Đó chính là lòng ham lợi và dục vọng. Để có được tính thiện thì con người cần được giáo hoá. Những giá trị con người có được đều do giáo dục. Giáo dục là sự hoàn thiện của con người. Tính người cần được giáo hoá “tính người là ác, thiện ác là do con người làm ra”(Tuân Tử, thiên 17). Sự ác hiện diện nơi con người không ai có thể phủ nhận được. Vai trò của giáo dục không ai có quyền phủ nhận. Nhưng chẳng lẽ nơi con người chỉ có sự ác thôi chăng và chỉ riêng sức mình con người có khả năng thoát ra khỏi sự ác luôn kìm toả mình chăng? Làm sao giải thích được những phẩm tính nhân ái tốt lành vốn sẵn có nơi con người ?
Rõ ràng hai ông có quan điểm hoàn toàn trái ngược nhau, nhưng điều lạ lùng là cả hai đều thừa nhận với nhau là con người có thể trở thành thánh nếu họ muốn. Như vậy, chủ đích mà hai ông nhắm tới là đề cao vai trò của giáo dục chứ không phải tìm về bản tính do lai của con người. Mạnh Tử thì cố nhấn mạnh tính thiện nơi con người để tìm cách khơi lên tính thiện ấy. Với ông, chủ đích là “Xây” chứ không “Chống”. Cứ khích lệ làm điều thiện thì tự khắc tính ác sẽ bị triệt tiêu, và con người trở thành tốt. Còn Tuân Tử thì chủ trương tìm cách loại bỏ dần những tính ác như tham lam, dục vọng nơi con người thì điều thiện sẽ xuất hiện như là sản phẩm tất yếu vậy. Tuân Tử chủ trương “Chống” chứ không “Xây”. Cả hai đều dừng lại trên bình diện luân lý tự nhiên của con người. Việc này cũng hoàn toàn phù hợp với tâm thức và chủ đích của người Trung quốc là làm sao kiến tạo một xã hội tốt lành, dựa trên việc thiết lập tốt các mối tương quan giữa con người với nhau chứ không phải dựa trên một mối tương quan thần linh nào khác. Vì mục đích nhắm tới giáo dục và chỉ dừng lại trên bình diện con người nên cả hai ông đều gặp bế tắc trước thựa tại con người là vừa có tính thiện lại vừa có tính ác và không thể lí giải được gốc rễ của tính thiện, tính ác nơi con người để có được những phương dược khả dĩ giúp con người vượt qua được tính ác để đạt thấu tính thiện, hầu tiến xa hơn và sống tốt hơn.
Theo quan điểm của Kitô giáo, bản tính con người vốn dĩ không chỉ là “thiện” mà còn linh thánh, vì nó được chính Thiên Chúa – Đấng thánh thiện vẹn toàn, duy nhất tạo dựng nên, giống “hình ảnh-hoạ ảnh” của chính Thiên Chúa(St 1, 26-27), tức là “ y như, theo như, hợp với và thậm chí là phục hồi lại sự hiện diện hữu hình của chính Thiên Chúa”. Như vậy, sự thiện nơi con người mà Mạnh Tử nhìn thấy chính là sự thiện dư đầy từ nơi Thiên Chúa vọt trào ra nơi tạo vật của Ngài. Nhưng con người đã lạm dụng tự do, nghe theo lời dụ dỗ của Satan, bất tuân lệnh của Thiên Chúa. Với sự sa ngã của Adam, nguyên tổ loài người, sự dữ, sự ác đã đột nhập vào con người, đã làm lu mờ hình ảnh thánh thiện nguyên tuyền ban đầu mà Thiên Chúa đã tặng ban cho họ. Đây cũng là điểm quan yếu mà Tuân Tử nhìn thấy nơi con người “nhân chi sơ tính bản ác”. Song Thiên Chúa đã không bỏ mặc con người trong tình trạng vật vờ như thế. Ngài đã cho Đức Giêsu, con của Ngài đến trần gian để cứu con người qua cái chết và sự Phục sinh vinh hiển của chính Đức Giêsu, để phục hồi lại tình trạng ban đầu cho con người. Từ đây, ân sủng đã dẫy tràn nơi con người, nhưng tàn dư của nguyên tội và tự do của con người vẫn còn đó. Cuộc chiến giữa tính thiện và tính ác nơi con người giờ đây không còn là của riêng con người nữa. Nhưng đã có sự trợ giúp của chính Thiên Chúa.
Hiểu như vậy thì hai nhận định của Mạnh Tử và Tuân Tử không chỉ sẽ được soi sáng, dung hoà một cách thấu tình đạt lý mà bế tắc của mỗi bên đã có lời giải, bởi vì con người không chỉ là một thực thể xã hội mà còn là một hữu thể tôn giáo. Sự thiện phát xuất từ Thiên Chúa, còn sự ác–sự dữ là một thực tại lịch sử đặt ra cho mỗi cá nhân, nó gây ra đau khổ bất chấp xu hướng bên trong của cá nhân ấy như thế nào và có sự can thiệp của ma quỷ. Vì vậy, theo Kitô giáo thì sức thúc ép làm điều xấu chỉ có thể vượt qua được nhờ sức mạnh cứu độ quyền năng của Thiên Chúa chứ không thể bởi sự hiểu biết hay bởi công phu khổ luyện của riêng con người. Nhưng nếu đi cho đến kỳ cùng thì với Kitô giáo, Thiên Chúa-Cội nguồn của sự thánh thiện luôn là một Đấng huyền nhiệm và sự dữ-sự ác cũng vẫn luôn là một huyền nhiệm khôn dò, khó lòng đạt thấu; một thách đố luôn được đặt ra cho con người mọi thời.
Bài đọc thêm:https://svconggiao.net/2018/12/30/con-nguoi-la-mot-huu-the-ton-giao/
Ga. Lưu Ngọc Quỳnh, CSsR