Icon Collap
...
Trang chủ / Con người là một hữu thể TÔN GIÁO

Con người là một hữu thể TÔN GIÁO

Lễ Giáng sinh hay còn gọi là lễ Thiên Chúa Giáng sinh đã trở nên phổ biến, ăn sâu vào trong văn hóa của nhiều quốc gia trên Thế giới, đặc biệt là các nước Âu Châu. Nhiều nước còn chọn Giáng sinh làm ngày nghỉ chính thức. Giáng sinh là dịp đoàn tụ gia đình, để mỗi người nói lên tình yêu và bày tỏ sự quan tâm tới những người thân trong gia đình, họ hàng và bạn bè hàng xóm.

Giáng sinh là dịp mà Giáo hội mời gọi mỗi tín hữu lên đường đem Chúa đến cho những anh chị em chưa biết đến Chúa, những anh chị em khô khan, nguội lạnh. Đáp lại lời mời gọi đó, vào ngày 24/12/2018, gần 100 bạn sinh viên trong Cộng đoàn Vinh đang sinh hoạt tại Gia đình sinh viên Công giáo Thái Hà, đã có chuyến đi thiện nguyện đến với Giáo xứ Cao Bình, tỉnh Cao Bằng để thăm hỏi, san sẻ niềm vui cho những người đang khổ đau, nghèo đói và bất hạnh nơi mảnh đất núi rừng xa xôi này.

Vậy điều gì khiến Giáng sinh trở thành dịp lễ không thể thiếu trong Thế giới ngày hôm nay, mà không chỉ có các bạn sinh viên, nhưng tất cả mọi người trên Thế giới đều hân hoan chờ đón ngày Đại lễ Giáng sinh huyền nhiệm này?

Qua bài giảng với những chia sẻ của cha Gioan phần nào cho chúng ta hiểu rõ hơn.

Con người là một hữu thể TÔN GIÁO.

Trước hết, theo cách nhìn của một nhà khoa học, chúng ta giải thích huyền nhiệm con người trong chiều kích là một hữu thể tôn giáo. Khoa xã hội học, khi nghiên cứu về các hiện tượng xã hội, một trong những hiện tượng lớn nhất mà các nhà nghiên cứu xã hội và kể cả các nhà chính trị luôn luôn phải lưu tâm đó là TÔN GIÁO.

Câu hỏi đặt ra cho các nhà nghiên cứu trong đó có những vị được xem là sư tổ của ngành xã hội học hiện đại như Émile Durkheim, Auguste Comte hay Karl Marx là: từ cổ chí kim, từ Đông sang Tây, từ thời hoang sơ, từ thời man di mọi rợ đến thời văn minh, tại sao Tôn giáo vẫn là cái không thể thiếu được đối với nhân loại?

Nhiều người cho rằng “Tôn giáo đi ngược lại với khoa học”, nhưng lạ lùng thay khoa học càng phát triển thì tôn giáo lại không mất đi mà càng vững bước. Điều này được chứng thực qua những con số, cụ thể theo khảo sát mới đây nhất trên toàn Thế giới thì có 86% người có đạo, 14% còn lại nói rằng không tin vào thần linh. Đứng trước những điều này, rất nhiều nhà khoa học, triết gia phải mệt mỏi để đi tìm câu trả lời, nắm bắt được những quy luật vận hành của tôn giáo để có thể ứng đáp lại những hiện tượng phổ quát của toàn nhân loại. Karl Marx khi nghiên cứu về tôn giáo đã phải thốt lên: “Tôn giáo là linh hồn của một xã hội không tôn giáo”. Như vây, theo cách nhìn của Karl Marx tôn giáo chính là nguồn sống của cả xã hội, nếu đánh mất đi tôn giáo thì con người tự đánh mất chính mình. Vì bản chất của tôn giáo là mang con người đến cùng đích của đời mình, cùng đích đó là kiến tạo một thế giới hòa bình, tôn trọng lẫn nhau. Tôn giáo có một vị trí quan trọng đối với xã hội, xã hội được tạo nên bởi các cá thể là con người. Tôn giáo làm cho con người nên vượt trội, khác biệt hơn so với con vật hay thực vật. Qua tôn giáo, con người được nhìn nhận có linh hồn, có sự linh thiêng bất chấp mọi hoàn cảnh. Như vậy có thể khẳng định: Con người là một hữu thể tôn giáo.

Khi nhìn nhận con người là một hữu thể tôn giáo, chúng ta nên làm gì?

Các nhà chính trị, các nhà xã hội học đã nghiêm túc nghiên cứu để nắm bắt, định hướng tôn giáo vào mục đích tốt đẹp đúng bản chất của nó. Đây được xem là một bước đi khôn ngoan. Bởi như đã biết gần đây, tại Hà Nội xảy ra hiện tượng  Giáo phái Đức Chúa Trời Mẹ, một Giáo phái với nhiều quan điểm sai lầm. Nhiều bạn trẻ, các bạn sinh viên khi đi theo lạc giáo này đã đập bàn thờ tổ tiên, khước từ quê hương người thân, từ bỏ việc học hành để đạt mục đích mà họ theo đuổi.

Hiện tượng đó nói lên điều gì? Những sinh viên, những người trẻ đó là ai?

Tôn giáo có một sức cuốn hút rất lớn, những thực tại trần gian không thể đáp ứng được nhu cầu tìm kiếm hạnh phúc nơi những người trẻ. Họ là những người đang mất định hướng cuộc sống, mất niềm tin vào cuộc sống. Vậy việc sa vào những lạc giáo đó là điều dễ hiểu. Điều này làm cho xã hội, đặc biệt là những người làm chính trị phải đặc biệt lưu tâm và suy nghĩ. Hệ lụy của nó để lại rất lớn, thiệt hại cho bản thân người trẻ, gia đình và toàn xã hội này.

Liệu có giải pháp nào hợp lí?

Đó là nhìn nhận tôn giáo là tất yếu trong vận hành xã hội. Đó là một định hướng rõ ràng, khuyến khích và cởi mở hơn với những tôn giáo đích thực với truyền thống lâu đời. Và Giáng Sinh cũng là một cơ hội tuyệt vời để làm điều đó.

Hiện nay có rất nhiều tôn giáo, cái cùng đích vẫn là hướng con người tới chân thiện mỹ. Nhưng liệu rằng có phải tôn giáo nào cũng tốt không? Những tôn giáo với bề dày lịch sử dĩ nhiên không thể là lạc giáo được. Bởi thứ gì xuất phát từ gian dối thì không thể nào đứng vững, không tiêu diệt nó cũng tự hủy. Những tôn giáo đích thực với một nền suy tư triết học sâu thẳm thì không thể nào bị đánh mất được như: Phật Giáo, Do Thái Giáo, Ấn Giáo… Và Ki-tô giáo là một tôn giáo như vậy.

Ki-tô giáo vượt tầm lịch sử, thời gian và không gian.Tại sao lại như vậy? Trải qua 2000 năm hình thành và phát triển, qua bao nền văn hóa, qua bao thể chế chính trị, bao nhiêu ý thức hệ, Ki-tô Giáo vẫn đứng vững, không những đứng vững mà còn vươn lên một cách mạnh mẽ khi mà số tín hữu hiện nay lên đến 2.6 tỉ người, chiếm 1/3 dân số thế giới. Một nền triết học, thần học, bề dày lịch sử lâu đời đủ làm cho Ki-tô giáo là một tôn giáo đích thực không thể sai lầm. Tuy vậy điều làm cho Ki-tô Giáo trở nên nổi bật hơn hết đó chính là Đức Giê-su. Tại sao một tôn giáo bắt đầu bằng 12 tông đồ làm nghề chài lưới lại phát triển một cách nhanh chóng mặc dù sự bắt bớ của đế quốc La Mã hùng mạnh nhất, sự dè bỉu của một Do Thái Giáo vĩ đại? Bởi Ki-tô giáo không phát xuất từ con người, mà Ki-tô giáo phát xuất từ Thiên Chúa, Ki-tô giáo là tôn giáo đến từ trời.

Đức Giê-su, nhân vật mà toàn nhân loại mừng Giáng Sinh hằng năm chính là Thiên Chúa thật. Đức Giê-su không những là nhân vật lịch sử, nhân vật vĩ đại nhất lịch sử mà Ngài còn là người vượt trên tầm lịch sử, vì Ngài là Chúa. Nếu Chúa Giê-su sinh ra được chọn làm dấu mốc Công nguyên, là hệ quy chiếu cho thời gian của nhân loại, mà sự nghiệp của Ngài kết thúc bằng cái chết thì Ngài cũng chỉ là một vĩ nhân mà thôi, và Ki-Tô giáo không thể đứng vững. Nhưng không, Giê-su đã chết nhưng đã sống lại sau ba ngày, bởi Ngài là Thiên Chúa, là đấng toàn năng. Giê-su sống lại không chỉ hiện ra với một người mà rất nhiều người, không chỉ hiện ra một nơi mà rất nhiều nơi, không chỉ hiện ra trong một hoàn cảnh mà rất nhiều hoàn cảnh. Ngài vượt tầm suy nghĩ và hiểu biết của con người.

Ki-tô giáo chính là tôn giáo duy nhất phát xuất từ Thiên Chúa, con người là một hữu thể tôn giáo, vì vậy Giáng Sinh chính là đại lễ để toàn thể nhân loại ca tụng sự vĩ đại, ca ngợi thần tính nơi Chúa Giê-su. Và không chỉ kỉ niệm, không chỉ ca tụng Thiên Chúa mà trong niềm xác tín của người Công giáo, chúng ta đến với Giáng Sinh để đón chính Chúa Giê-su đến trong lời của Ngài, trong bí tích Thánh Thể. Bởi Chính Chúa Giê-su đã tuyên bố sau khi sống lại rằng Ngài ở cùng chúng ta mọi ngày cho đến tận thế ngang qua Thánh Lễ, đặc biệt là khi cử hành bí tích Thánh Thể.

Điều cần thiết đối với mỗi người tín hữu đó là niềm tin. Niềm tin vào một Thiên Chúa làm người, một Thiên Chúa vô hình ngang qua Giê-su hữu hình, tin vào Thiên Chúa hằng sống luôn ở cùng chúng ta. Niềm tin vào một Thiên Chúa với tước hiệu EMANUEL, nghĩa là Thiên Chúa ở cùng tất cả chúng ta.”

Lạy Chúa Giê-su Hài Đồng – Đấng đã đến và đang đến với nhân loại để cứu độ nhân loại này, Đấng đến ban hòa bình và kiện toàn thế giới này tốt đẹp hơn! Xin ban thêm lòng tin cho mỗi người chúng con, để chúng con biết đón nhận Chúa trong từng giây phút cuộc đời đặc biệt ngang qua lời Ngài, ngang qua Thánh Thể. Xin Chúa cũng ban niềm tin cho những người xung quanh chúng con, để họ cũng đón nhận Ngài là Thiên Chúa, là Đấng Cứu Độ trần gian này. Amen.

Svconggiao.net

Bình luận