Icon Collap
...
Trang chủ / Giá phải trả

Giá phải trả

Trong tâm tình của Mùa Chay, Giáo Hội mời gọi mỗi người chúng ta hãy thật lòng ăn năn sám hối trở về với Chúa là Đấng nguồn tình yêu. Và nhất là trong thời gian của “mùa cách ly” là thời gian khẩn khoản van nài lên Thiên Chúa. “Con cái của Sự sáng gắn bó mật thiết hơn với Đấng Sự Sống vĩnh cửu”. Trong bầu khí ấy Nhà tĩnh tâm Giê-ra-đô đã cùng nhau tham dự thánh lễ đầy sốt sắng tại Đền thánh Giêrađô dưới sự Chủ tế của Cha Gioan Lưu Ngọc Quỳnh CSsR.

Xuyên suốt bài giảng Cha Gioan đã chia sẻ về chủ đềCái giá phải trả cho lòng tin. Abraham đã phải trả giá cho lòng tin bằng việc hiến tế chính con một của mình là Isaac. Và chính Chúa Giê-su cũng phải trả giá cho lòng tin bằng chính mạng sống mình.

giá phải trả

Từ cõi chết sống lại nghĩa là gì?

Trước khi bước vào mầu nhiệm tử nạn để bước vào vinh quang phục sinh, Chúa Giê-su đã lên núi Tabor cầu nguyện cùng với ba môn đệ là Phêrô, Gioan và Giacôbê. Người cho các ông được chiêm ngưỡng vinh quang của Người để củng cố niềm tin cho các ông. Mặc dù nghe rõ cuộc đàm đạo giữa Đức Giê-su, Mô-sê và Êlia, nhưng các ông vẫn không hiểu được “từ cõi chết sống lại” nghĩa là gì? Các ông không thể hiểu được mầu nhiệm Vượt qua của Đức Giê-su và Vượt qua cõi chết mà vào cõi sống là như thế nào?

Còn đối với chúng ta, chúng ta có hiểu được không? Đối với niềm tin của chúng ta nếu như Chúa Giê-su là nền tảng căn bản của niềm tin, thì mầu nhiệm vượt qua nghĩa là đi từ cõi chết vào cõi sống chính là mầu nhiệm quan trọng nhất trong niềm tin của chúng ta.

Bởi vì nói như Thánh Phaolô:“Nếu như chết mà không sống lại thì lòng tin của chúng là ta thật vô ích”. Chúng ta là những người tội nghiệp, những người đáng thương hơn ai hết. Tuy nhiên, không phải ai cũng có một niềm tin vào mầu nhiệm Vượt qua của Chúa Giê-su. Nhiều người không tin rằng mầu nhiệm Vượt qua đó đang được thực hiện nơi mỗi người chúng ta với tư cách là chi thể của Chúa. Và để có một niềm tin đó thiên Chúa đã cho chúng ta thấy được “cái  giá mà chúng ta phải trả” để có một niềm tin tinh tuyền vào Thiên Chúa.

Cái giá phải trả cho một niềm tin tinh tuyền nơi Abraham

Chúng ta cùng chiêm ngắm ông Abraham và bà Sara. Hai người đã quá già không thể sinh nở. Thế rồi Chúa hứa cho ông bà một đứa con là Isaac. Xét về phương diện con người thì Isaac chính là tương lai, là hi vọng, là điểm cậy trông, là điểm tựa duy nhất của cuộc đời Abraham. Nhưng trong niềm hạnh phúc đó, trong sự chắc chắn đó. Chúa lại muốn Abraham hiến tế chính đứa con duy nhất, vô giá ấy cho Thiên Chúa.

Biến cố đau lòng ấy tưởng chừng khó mà chấp nhận được.  Và lời hứa ban cho ông dòng dõi đông như sao trên trời, như cát bãi biển dường như bị tắt lịm chỉ trong phút chốc. Sau những kinh nghiệm đi theo Chúa, những vấp ngã của niềm tin, ông vẫn trung thành vâng lời Thiên Chúa. Trong lúc phải giằng co giữa lòng tin vào Thiên Chúa và việc hiến tế Isaac ông vẫn trung thành tin vào Chúa. Và để đáp lại niềm tin đó, Thiên Chúa là Đấng Tình Yêu Người chẳng nỡ ra tay giết Isaac. Chính vì niềm tin mãnh liệt ấy mà Abraham được gọi là Cha của các kẻ tin. Đó chính là lòng tin tinh tuyền của Abraham.

Cái giá phải trả cho một niềm tin tinh tuyền nơi Chúa Giê-su

Nhìn vào lòng tin của Chúa Giê-su trong tư cách là một con người tin vào Thiên Chúa. Chính Người đã quyết định phải hiến tế chính mình vì vâng phục. Và không giống như Abraham lần này Thiên Chúa đã hành động thật bởi thế Chúa Giê-su đã phải hiến tế chính mình trên thập giá. Nhờ đó Chúa Giê-su không chỉ là cha của  kẻ tin, không chỉ được Phục sinh mà còn là Chúa của toàn thể vũ trụ này cho tới muôn đời. Và Người đã trở thành đối tượng căn bản nhất của lòng tin nơi con người.  giá phải trả

Bài đọc thêm: Nguồn ơn cữu độ

Cái giá phải trả cho lòng tin trưởng thành của chúng ta

Cái giá phải trả của lòng tin, trả với giá rất đắt thì mới được như Abraham và Chúa Giê-su đã được. Còn chúng ta, chúng ta có chấp nhận mầu nhiệm Vượt qua của Chúa Giê-su đang được thực hiện trên cuộc đời của mỗi chúng ta không? Chúng ta có can đảm nghe từng lời Chúa dạy và thực hiện từng lời của Chúa như Abraham, như Chúa Giê-su không? Chúa bảo gì thì ta làm như vậy, đó mới chính là niềm tin trưởng thành. Và rồi để có được niềm tin ấy chúng ta phải trả giá, phải hy sinh rất nhiều như  Abraham đã hy sinh chính con một của mình và Chúa Giê-su đã hy sinh cả mạng sống mình.

Còn chúng ta, đã hy sinh được những gì cho Thiên Chúa? Đặc biệt trong mùa Chay Thánh này. Xin Chúa cho chúng con đối diện với lòng tin của chúng con và Mầu nhiệm Vượt qua của Chúa. Và Ngài đang thực hiện từng ngày, từng giờ, trong cuộc đời chúng con. Để chúng con cộng tác, vâng nghe và thực hiện lời Ngài cách triệt để nhờ đó chúng con nên con cái dòng dõi Tổ phụ Abraham. Và chúng con sẽ được Phục sinh vinh hiển với Đức Giê-su là đấng chúng con yêu mến và tôn thờ.

Chúng ta cần đáp trả niềm tin như thế nào đối với Thiên Chúa?

Xuyên qua khuôn mặt của người cha là Abraham thì ta cũng khám phá ra khuôn mặt của Thiên Chúa. Abraham được mời gọi hiến dâng chính con một của mình là Isaac nhưng chính Thiên Chúa cũng hiến dâng chính con một duy nhất của Ngài là Đức Giê-su cho chúng ta. Tuy nhiên, Abraham may mắn còn Thiên Chúa thì Ngài không có được cái may mắn ấy. Người nhìn con một của Người chịu chết mà không có một bàn tay nào cầm giữ lại cánh tay độc ác của nhân loại. Qua khuôn mặt của Abraham ta thấy được tấm lòng của người cha yêu thương trên trời. Thiên Chúa luôn mời gọi ta kí kết tình yêu và đáp trả lại.

Lòng tin như một giao ước tình yêu vô điều kiện và lòng tin làm nền cho tình yêu. Cũng vậy trong giao ước của chúng ta với Thiên Chúa người mời gọi ta đáp trả niềm tin, một niềm tin trọn vẹn như Abraham. Một niềm tin hy vọng cho dù tuyệt vọng, một niềm tin phó thác cho dù phải đánh mất cả chính mình như Chúa Giê-su.

Cầu nguyện: Xin cho chúng con nghe và thấm được Lời của Chúa trong ngày hôm nay. Để chúng con can đảm hy sinh nhiều hơn nữa và từng ngày cố gắng thực hiện lời của Chúa nhờ đó Mầu nhiệm Vượt qua của Chúa dần dần được hoàn thiện nơi con người của chúng con. Amen!

Bài đọc thêm: “Cú Ngã” đổi đời

Maria An Lành

Truyền thông sinh viên Công Giáo

Bình luận