Icon Collap
...
Trang chủ / Bình an trong Chúa Phục Sinh

Bình an trong Chúa Phục Sinh

Tối thứ 3 ngày 13/04/2021, trong tâm tình vui mừng của mùa Phục Sinh cùng với sự có mặt của Cha chủ tế Dòng Tên Tôma Aquinô Nguyễn Khánh Duy, các bạn Sinh viên Công giáo Hưng Hóa đã cùng nhau quy tụ tại nguyện đường Giê-ra-đô thân thương để hiệp dâng Thánh lễ thường kỳ.

Nếu Chúa không phục sinh thì chuyện gì sẽ xảy ra? Bình an thật là gì? Có lẽ đó là câu hỏi khiến nhiều người trong chúng ta phải băn khoăn suy tư và khó có thể trả lời được. Và để lý giải cho điều ấy, trong bài chia sẻ với chủ đề “Bình an trong Chúa Phục Sinh”, Cha Tôma Aquinô đã phần nào giải đáp cho mỗi băn khoăn suy tư của chúng ta.

Bình an trong Chúa Phục Sinh

Giả như Chúa không Phục Sinh, thì có sao không? Và điều gì sẽ xảy ra?

Trước hết, để giải đáp được câu hỏi trên cha Tôma Aquinô đã gợi ra những giả thiết để cho mỗi người trong chúng ta cần suy nghĩ: “Giả như Chúa không Phục Sinh, thì có sao không? Và điều gì sẽ xảy ra?”

Cha đã trả lời cho chúng ta cách hài hước: Nếu Chúa không Phục Sinh thì không phải một sao mà… sẽ rất nhiều sao… nghĩa là ảnh hưởng rất lớn đến chúng ta.

  • Thứ nhất: Nếu Chúa không Phục Sinh thì những gì chúng ta nỗ lực, cố gắng ở trên trần gian này và ngay cả việc mỗi chúng ta ngồi đây để tham dự Thánh Lễ chắc chắn không thể xảy ra.
  • Thứ hai: Nếu Chúa không phục sinh thì mọi sự đều trở nên vô nghĩa, mọi nỗ lực cố gắng của chúng ta ở trên trần gian này sẽ chẳng còn nghĩa lý gì, đạo của chúng ta là đạo những kẻ ngu dốt nhất.
  • Thứ ba: Mọi nỗ lực hy sinh của chúng ta trở nên tiêu tan hết.

Cho nên niềm tin vào Chúa Kitô Phục Sinh vô cùng quan trọng và cần thiết cho cuộc sống của chúng ta. Và chính vì Chúa Phục Sinh cho nên chúng ta mới quy tụ nhau nơi đây để cùng nhau thờ phượng và cầu nguyện với Chúa.

Bình an trong Chúa Phục Sinh

Tiếp theo đó, Cha đã kể cho cộng đoàn một câu chuyện khá thú vị ít nhiều cũng liên quan đến chủ đề Chúa Phục Sinh đáng để cho mỗi người suy ngẫm.

Câu chuyện kể rằng có một đám bạn trẻ cùng nhau đi dạo trên biển, biển trong xanh và mát. Bỗng một người trong nhóm bỗng nảy ra ý kiến họ sẽ cùng nhau nhảy xuống tắm để hưởng thụ. Và rồi trong lúc bồng bột vì ý kiến ấy, cả nhóm đã quyết định nhảy ngay xuống biển. Lẽ ra trước khi tất cả cùng nhảy xuống thì họ phải thả thang dây xuống.Và rồi hậu quả là gì? Kết quả là sau hai ngày trôi dạt lênh đênh trên biển, những người dân xung quanh đã thấy có những vết móng tay cào xước, vết máu trên mạn thuyền. Bọn họ đã không tìm thấy được đường để lên thuyền. Màn đêm đã buông xuống và chắc chúng ta đã biết câu trả lời cho những số phận đó.

Qua câu chuyện kể trên cha muốn nhắn gửi đến tất cả chúng ta về niềm tin vào Chúa Phục sinh:

  • Thứ nhất: Nếu chúng ta không tin, không xác tín Chúa Giêsu đã Phục Sinh thì Tôn giáo của chúng ta cũng giống như con thuyền dẫn chúng ta đi trên sóng biển trong xanh, mọi sự tuyệt vời. Nhưng khi chúng ta chết đi thì thật thảm bại, sẽ chẳng còn lại gì và mọi sự sẽ trở nên vô nghĩa.
  • Thứ hai: Niềm tin vào Chúa Giêsu Phục sinh cũng giống như cái thang đưa chúng ta leo trở lại con thuyền để đưa dẫn chúng ta tới sự sống vĩnh cửu sự sống đời đời.

Bình an trong Chúa Phục Sinh

Bình an trong Chúa Phục Sinh

Trong cuộc thương khó, các Môn đệ là những người sợ hãi, vì sợ bị bắt giống như số phận của thầy mình nên các ông đã chạy trốn.

Cũng giống như các Môn đệ xưa, các sinh viên trong giảng đường đại học cũng có những nỗi sợ trong cuộc đời nhất là đối với hoàn cảnh xã hội bây giờ. Có những nỗi sợ thật lạ lùng như là sợ phải làm chứng cho Chúa trên cuộc đời, sợ sống dưới danh nghĩa là Kitô hữu, hay sợ không dám sống với lời mời gọi của Chúa.

Mặc dù biết được lời mời gọi của Chúa là tốt nhưng vì sợ, cho nên chúng ta đã khước từ lời mời gọi của Chúa. Các Môn đệ cũng vậy trước cuộc tử nạn, các ông cũng chạy trốn tán loạn, khước từ Chúa đó là kinh nghiệm của các Môn đệ như Phêrô vì sợ cho nên ông đã chối thầy. Trong lúc các Môn đệ sợ hãi hoang mang như vậy thì Chúa đã đến và mang bình an cho các ông.

Qua Thánh lễ, cha mời gọi các bạn trẻ sinh viên Hưng Hóa nói riêng và các bạn sinh viên công giáo nói chung đó là việc chúng ta ý thức, tin vào Chúa Phục Sinh là vô cùng quan trọng. Khi chúng ta xác tín vào Chúa Giêsu Phục Sinh thì chính Ngài sẽ đến để ban tặng cho chúng ta rất nhiều ơn mà một trong những ơn đó chính là sự bình an.

Bài đọc thêm: Phục Sinh cốt để làm gì?

Vậy bình an đối với người đời là gì?

Chúng ta có được bình an khi có Chúa ở cùng chúng ta. Như chúng ta biết người đời đi tìm bình an bằng cách thu tích cho họ thật nhiều của cải những thứ vật chất. Tưởng rằng có bình an nhưng chưa hẳn đã có bình an, trong lòng  họ vẫn có những khắc khoải, những âu lo.

Rồi có những người lại đi tìm bình an bằng cách thu gom cho mình những quyền lực tưởng là có được bình an nhưng quanh nhà có những lính gác ngày đêm xung quanh vì sợ vì không có bình an thật. Vậy chúng ta cùng nhau đi tìm bình an thật mà bao người đã không thể hiểu được.

Bình an trong Chúa Phục Sinh

Bình an thật là gì?

Mỗi khi chúng ta đến với Thánh lễ là mỗi lần chúng ta đón nhận bình an của Chúa. Mỗi khi chúng ta tham dự Thánh lễ các Linh mục hay nhắc lại câu nói của Chúa Giêsu: “Thầy ban cho anh em bình an của Thầy”. Bình an Chúa muốn ban cho ta là một quà tặng, một ân huệ, là bình an của Đấng Phục Sinh. Và lời chúc bình an đó được hiện tại hóa chứ không phải chỉ là những ước vọng.

Những người Do Thái hay chào nhau bằng câu nói rất hay đó là “salôm” có nghĩa là chúc bình an, để mong ước điều tốt đẹp cho người đối diện. Tuy nhiên khi Đức Giêsu Phục Sinh đến đem bình an xuống cho họ không phải chỉ trong tương lai nhưng là trong chính hiện tại thì họ lại không đón nhận.

Bình an của Chúa Giêsu Phục Sinh đến đem lại cho chúng ta đó là bình an xuyên qua những sự đau khổ, khi chúng ta sống lời mời gọi của Chúa. Và khi chúng ta hết lòng sống lời mời gọi của Chúa thì chúng ta có được sự bình an, có được niềm vui.

Bình an của Đấng Phục Sinh

Khi Chúa Giêsu phục sinh hiện ra, trao sự bình an Chúa Giêsu cho các Môn đệ thì Người đã cho họ xem tay và cạnh sườn người. Vết từ tay và cạnh sườn ấy thường gợi ra cho chúng ta nhớ lại những lần Chúa đã chịu đau khổ vì chúng ta. Nhưng Chúa hiện ra không có ý để cho các môn đệ đau buồn mà muốn cho họ một niềm xác tín đó là Chúa Phục sinh đang đứng trước họ cũng là một Chúa Giêsu đã chịu đóng đinh. Những vết thương và vết sẹo đó cũng là một mẫu số chung cho Đức Giêsu Phục Sinh và Đức Giêsu chịu đóng đinh.

Như vậy, bình an của Chúa Giêsu Phục Sinh cũng là bình an của Chúa Giêsu chịu đóng đinh. Đó là bình an xuyên qua đau khổ trên thập giá. Đó là những sự bình an chúng ta có được khi ta sống lời mời gọi của Chúa, dám sống hết mình, dám cho đi bản thân, dám loan báo chính mình để rồi chúng ta sống những gì mời gọi chúng ta. Chắc chắn khi chúng ta yêu thương như vậy thì chúng ta sẽ tìm thấy sự bình an, một sự  bình an sâu xa ở trong đời sống của chúng ta.

Bình an khi chúng ta trao ban

Mỗi khi chúng ta yêu và trao ban tình yêu hay chúng ta làm điều gì đó tốt thì ta thấy vui lúc đó chúng ta sẽ có bình an.

Tình yêu có sức biến đổi lớn.Nếu một người mẹ dành trọn tình yêu cho con thì người mẹ ấy sẽ không sợ bất cứ điều gì để chăm sóc cho đứa con của mình, cũng vậy nếu tình yêu của chúng ta đủ lớn chúng ta sẽ sẵn sàng trao ban tình yêu không sợ mối nguy hiểm nào. Mỗi khi chúng ta cảm nhận được sự yêu thương, bình an của Chúa dành cho mình thì chúng ta không còn thấy sợ hãi nữa.

Mỗi khi chúng ta yêu thương, chúng ta sẽ thấy bình an, không còn nỗi sợ nào có thể bao trùm ảnh hưởng đến chúng ta được. Hôm nay chúng ta đến đây để đón nhận bình an của Chúa và chắc chắn Chúa đã ban cho chúng ta bình an đó. Vấn đề là chúng ta có dám mở lòng ra để đón nhận hay không? Có dám hết lòng để sống lời mời gọi của Chúa hay không?

Sứ mạng Chúa trao

Chúng ta đón nhận sự bình an của Chúa là khi chúng ta cùng đi với Chúa Kitô trên con đường yêu thương, trên con đường Tin Mừng. Đó là khi cùng với Chúa Giêsu đi ra khỏi con người chính mình để đến với những người nghèo khổ, những người bất hạnh.

Sứ mạng mà Chúa Kitô Phục Sinh trao gửi cho các Môn đệ: “Hãy ra đi để loan báo Tin Mừng phục sinh, hãy ra đi để làm chứng cho mọi người biết Chúa đã phục sinh” cũng là sứ mạng Chúa trao ban cho từng người chúng ta hôm nay. Mỗi khi chúng ta hết lòng nỗ lực sống lời mời gọi ấy thì chúng ta sẽ tìm thấy được niềm vui, một niềm vui trọn vẹn, chúng ta sẽ có được sự bình an, một bình an sâu xa mà Chúa đã trao ban cho mỗi người chúng ta.

Bình an trong Chúa Phục Sinh

Cầu nguyện:

Xin cho chúng ta có được niềm vui sâu xa, trọn vẹn, có được một bình an của Đấng Phục Sinh. Để từ đây chúng ta có thể vang lên câu hát của Linh mục Thái Nguyên từ trong tâm hồn: “Vì Chúa đã phục sinh nên con thấy mình chẳng lo sợ chi, dẫu cuộc đời còn bao trắc trở bao dang dở bao thờ ơ. Vì Chúa đã phục sinh con an tâm giữa bao nguy nàn, trong cảnh cơ hàn hay những lầm than cho con vững vàng dù đời gian nan. Vì chúa đã phục sinh nên con tin vào quyền năng sự sống sẽ đem lại cho con người đang khát vọng một sự sống thần linh. Vì Chúa đã phục sinh nên con tin vào tình yêu của Ngài sẽ đổi mới thế gian này, đổi mới mọi sự từ đây…”.

Bài đọc thêm: Phục Sinh – Biến cố vô tiền khoáng hậu

Maria An Lành

Truyền Thông Sinh Viên Công Giáo

Bình luận