Icon Collap
...
Trang chủ / Covid và giải pháp hữu hiệu nhất

Covid và giải pháp hữu hiệu nhất

Câu chuyện của hai môn đệ trên đường Emmaus có lẽ và có thể cũng là câu chuyện rất thật của mỗi người, nhất là trong bối cảnh dịch bệnh covid vẫn gia tăng, dù đã giảm bớt ở một số nơi như ở Sài Gòn. Nhiều người hữu trách của các tôn giáo, tổ chức xã hội, nhà nước cũng như các bác sĩ, các thầy thuốc đang bận tâm đi tìm giải pháp để có thể giúp đỡ cho những nạn nhân của đại dịch và của thời hậu Covid. Để làm tốt công việc hữu ích này, là những người tin, chúng ta hãy học nơi cách chữa trị cũng như tấm lòng của Đức Giê-su, Chúa chúng ta. Nhưng trước hết, chúng ta có thể dừng lại ít phút, để điểm qua tình trạng thực tế của xã hội hiện nay.

Làm gì với thế giới đáng thương

Một xã hội hoảng loạn, lo âu

Quả thật, chúng ta đang đối diện với những tình trạng, những hoàn cảnh thật éo le, đáng thương, do dịch bệnh covid gây ra, cùng với những hệ lụy phức tạp của nó, đã và đang tạo ra biết bao nhiêu tổn thương và mất mát rất lớn cho cả nhân loại. Ngay cả chúng ta, chỉ cần nghe tin người nhà chúng ta bị nhiễm thì cũng đã khiến chúng ta bị lo lắng, hoảng sợ. Hành trình và những trải nghiệm của những người sống sót, sau khi bị cách ly và chữa trị covit trở về đáng để cho chúng ta suy gẫm. Có một số người trong số những người này đã thay đổi khá nhiều; dường như họ mất đi tính hồn nhiên và khao khát được sống như trước đây. Có những người vợ rất yêu chồng thương con, nhưng sau khi trải qua việc bị nhiễm covid, chẳng còn thiết tha gì với chồng con nữa và chỉ nghĩ mình sẽ chết. Có lẽ, những gì xảy đến với họ trong giờ đau đớn, hấp hối, với những cảnh tượng người chết liên tục, còi cứu thương inh ỏi đã khiến người ta mới cảm nhận được sự giới hạn, yếu đuối, bấp bênh và mỏng manh của thân phận con người. Chỉ trong mấy ngày gần đây, có rất nhiều người gọi điện nhờ giúp đỡ. Có một số người đã lâm vào ngõ cụt của sự bế tắc và họ chỉ nói được mỗi một câu duy nhất : “Con chỉ muốn chết thôi”. Không dừng lại ở đây mà người này vẫn thường tìm cách tự tử, vì trong đầu luôn có những tiếng, thúc dục người này phải chết. Vì thế, tất cả những dụng cụ nguy hiểm như dao, kéo, vật sắc, nhọn, dây thừng… đều phải cất giữ cẩn thận. Bên cạnh đó, lại có nhiều người mất hay giảm trí nhớ dần, hay quên, chậm chạp. Lại có một số người trở nên gắt gỏng, khó tính, khó chịu; có người thì không dám bước ra đường nữa. Có một số người, dù đã âm tính mà vẫn hốt hoảng, sợ hãi và thậm chí có những người đã nhảy lầu tự tử. Điều đáng nói là bầu khí hoảng loạn, sợ hãi này đã thâm nhập và tác động rất lớn, không chỉ trên những người bị nhiễm hay đã bị nhiễm mà cả những người chưa bị nhiễm. Có nhiều người, vì sợ bị lây nhiễm nên đã có những cách hành xử thiếu tế nhị, và gây nhiều tổn thương cho những người Fo, ngay cả trong gia đình của mình. Vì thế, nhiều bệnh nhân covid đã bị trầm cảm, tự kỷ và muốn chết. Cái nguy hiểm hơn là tính lây lan của những hoảng loạn, lo sợ này, đã tác động, lan tỏa lên những người khác nữa. Đứng trước hiện trạng này, chúng ta phải làm gì đây, để giúp cho những nạn nhân và bệnh nhân sớm vượt qua được khủng hoảng này mà hòa nhập vào cuộc sống chung với người khác ?

Làm gì với thế giới đáng thương

 

Bài đọc thêm: Maria – Mẹ của lòng thương xót

Giải pháp hữu hiệu của Chúa Giê-su

Có lẽ sự hoang mang, thất vọng và có khi là tuyệt vọng của nhiều người cũng giống như hai môn đệ trên đường Emmaus vậy. Sau thời gian dài theo Thầy Giê su, nay lại thấy Thầy phải chết bi thảm, nhục nhã, có lẽ các ông đã mất hết hy vọng, tương lai quá mù mịt nên tìm đường về quê. Giữa bối cảnh như vậy, Chúa Giê su phục sinh đã chủ động đến nhập cuộc cùng đi và nói chuyện với hai ông. Ngài hỏi các ông về chuyện gì mà các ông đang quan tâm, đàm đạo với nhau. Sau đó, Đức Giê-su để cho các ông tha hồ nói hết những trăn trở, khó khăn của mình với một thái độ tôn trọng, lắng nghe. Và khởi đi từ mối bận tâm của họ mà Đức Giê-su đã dùng Thánh kinh để cắt nghĩa, giảng giải cho họ. Nhưng các ông vẫn không nhận ra Ngài. Đức Giê-su tiếp tục dùng nghĩa cử yêu thương là bẻ bánh và hai môn đệ đã nhận ra và lập tức trở lại Giêrusalem để kể lại cho các môn đệ nghe câu chuyện của họ. Với những nạn nhân và bệnh nhân covid, chúng ta cũng nên bắt chước Đức Giê-su mà đến với họ, cùng bước đi với họ trên hành trình thất vọng, chán nản của họ, cùng lắng nghe câu chuyện thầm kín của họ trong sự tôn trọng và đồng cảm. Chúng ta hãy để cho họ có cơ hội biểu đạt, diễn tả, và xả ra hết những ấm ức, trăn trở trong lòng của họ. Đừng có xa cách, miệt thị hay một thái độ, cử chỉ coi thường, loại trừ họ. Chúng ta cũng đừng khuyên can hay trách móc, phê phán hay lên mặt dạy họ. Hãy mang lấy, chịu lấy những lo lắng, phiền não, than thở, buồn sầu, ưu tư, lo lắng của họ với sự cảm thông sâu xa. Hãy bắt chước Đức Giê-su là dùng lời Chúa mà an ủi, dùng những nghĩa cử yêu thương để đánh thức và làm cho họ bừng tỉnh nhận ra Chúa đang ở với họ như hai môn đệ trên đường Emmaus vậy. Nếu chúng ta cùng nhau bắt tay vào việc để đến và cùng đồng hành với những người này như Đức Giê-su đã làm thì việc cứu chữa những nạn nhân và bệnh nhân covid sẽ có được kết quả tốt.

Cầu nguyện với Chúa Cha

Nguyện xin Thiên Chúa là Cha của chúng con, ban cho chúng con sức mạnh của chính Cha, để chúng con can đảm, hăng hái lên đường đến với những anh chị em đang đau khổ và phiền muộn như Đức Giê-su đã đến với hai môn đệ trên đường Emmaus vậy. Xin Cha hãy sai chúng con đến với họ và giúp chúng con trở thành những khí cụ của Cha để tái tạo và chữa lành cho họ như Chúa Giê-su đã chữa lành cho hai môn đệ của Ngài. Chúng ta tạ ơn Cha. Amen.

Bài đọc thêm: Thiên Chúa là Cha nhân lành

Lm. Gioan Lưu Ngọc Quỳnh, CSsR

Thông Sinh Viên Công Giáo

Bình luận