Icon Collap
...
Trang chủ / Thập Giá Của Ngôn Sứ

Thập Giá Của Ngôn Sứ

Mỗi ngày trong Mùa Chay Thánh là mỗi bước chúng ta theo Chúa Giê-su, để cùng với Ngài chúng ta đi vào cuôc thương khó, sống Mầu Nhiệm Thập Giá của người ngôn sứ. Và mỗi biến cố của Chúa là mỗi biến cố đang xảy ra từng ngày với chúng ta. Vậy làm sao để mỗi biến cố của Chúa được hóa giải trong con người chúng ta?. Hôm nay ngày 8/3, trong Thánh Lễ thường kỳ của Gia Đình Ơn Gọi, Cha Linh Hướng Gio-an Lưu Ngọc Quỳnh đã giới thiệu cho chúng ta được biết điều đó.

Thập Giá của người ngôn sứ

  • Thập Giá của người ngôn sứ: Trong thời đại hôm nay, với những biến cố xảy ra trong cuộc sống khiến cho chúng ta phải cùng nhau suy nghĩ và duyệt xét lại đời mình. Thập giá của người ngôn sứ là cùng hiệp thông với Chúa trong từng biến cố xảy ra trong cuộc đời con người chúng ta, để xem Mầu Nhiệm Thập Giá có thật sự trở thành Mầu Nhiệm cứu độ không? hay Thập Giá trở thành cớ khiến chúng ta vấp ngã?
  •  Mầu Nhiệm Thập Giá của Chúa Giê-su: Hôm nay Chúa Giê-su cho chúng ta biết Mầu Nhiệm Thập Giá mà Ngài đang phải đối mặt đó là gì? Không phải chờ đến biến cố ở Vườn Cây Dầu hay biến cố trước quan tòa Phi-la-tô thì chúng ta mới thấy. Nhưng ngay trong hành trình rao giảng Mầu nhiệm Thập Giá của Chúa đã được bày ra trước mặt Ngài. Và Mầu Nhiệm của một vị ngôn sứ hay nói nói đúng hơn là Mầu nhiệm Thập Giá của Chúa Giê-su đang phải đối mặt, đó chính là sự loại trừ của những người thân, những người đồng quê hương cùng xứ sở với Ngài.

Chúa Giê-su nói: “Không một ngôn sứ nào được đón nhận tại quê hương mình”. Trong cuộc sống ,người ta làm quan thì thường về làng cho vinh dự. Còn đi làm ngôn sứ của Chúa thì bị loại trừ không phải là ai khác mà chính là những người thân. Và còn đau đớn hơn nữa họ bị người thân loại trừ, bị những người cùng quê hương không đón nhận họ, còn tìm cách xô xuống vực thẳm. Khi đối diện với những ơn gọi bị oan khiên nghiệt ngã như vậy, họ thực sự bị oan, bị người khác loại trừ, không đón nhận. Họ rất đau khổ và thất vọng song  đau khổ của họ vẫn chưa bằng đau khổ của Chúa Giê-su. Khi con người chúng ta bị loại bỏ thì còn đỡ, vì chúng ta chỉ bị loại trừ nhưng chưa bị ném đá, chưa bị xô xuống vực sâu như Ngài. Do đó ngôn sứ cần đón nhận Thập Giá, cần vác lấy Thập Giá để bước theo Chúa Giê-su.

Bài đọc thêm: Sứ mạng của một ngôn sứ

Số phận của người ngôn sứ

  • Thứ nhất: Số phận của một người ngôn sứ hay Thập Giá của người ngôn sứ hôm nay, đó chính là khi họ bị loại trừ bởi chính những người thân, chính những người cùng quê hương với mình. Chúng ta cần ý thức được điều đó để khi chúng ta sống Thập Giá đời mình và khi đón nhận vai trò của người ngôn sứ thì chúng ta không nên quá tự hào về quê hương xứ sở mình. Cho dù là vinh quang đến đâu thì họ cũng không chấp nhận dù vẻ bề ngoài của họ có như thế nào đi chăng nữa. Điều đó cho thấy lời mà Chúa Giê-su nói là sự thật. Nhưng có nhiều người lại thích vênh vang mà họ không thể cảm nghiệm được nỗi đau phía sau vinh quang đó là gì.
  • Thứ hai: Cho dù bị chính người thân loại trừ nhưng chúng ta cũng đừng vì họ mà loại bỏ hay cố gắng để cầm giữ sứ mạng ngôn sứ của chúng ta. Bởi vì Chúa Giê-su là một người vĩ đại và đầy quyền năng như thế mà khi trở về quê hương còn bị khai trừ, loại bỏ huống hồ gì chúng ta chỉ là một con người bình thường như họ. Cho nên, chúng ta thấy Mầu Nhiệm Thập Giá, chúng ta đừng có bàng hoàng, đừng có ngỡ ngàng, lấy làm sửng sốt khi mình về quê không được đón nhận, thậm chí bị loại trừ, bị khai tử, bị xô xuống vực thẳm như Chúa Giê-su. Để từ đó chúng ta suy nghĩ, cố gắng đón nhận và sống Mầu Nhiệm Thập Giá như Chúa Giê-su trong từng biến cố cuộc đời mình.

Thập Giá Người Ngôn Sứ

Lòng tin của người ngôn sứ

Chúa Giê-su muốn giới thiệu cho chúng ta về Ông Na-a-man, là một vị quan, ông bị phong hủi và chạy đến với Ít-ra-en vì nghe nói bên này có vị ngôn sứ vĩ đại. Và khi được người của Thiên Chúa chỉ xuống sông tắm bảy lần ông nói vớ vẩn, ông không chấp nhận được. Nhưng mà những lời của cận thần nói với ông thì ông đã sẵn sàng đón nhận. Chúng ta không thể biết là ông Na-a-man có tin hay không nhưng ông cũng sà xuống sông tắm bảy lần và ông đã được sạch. Qua câu chuyện này Chúa muốn nói gì với chúng ta. Đó có phải là câu chuyện của chính chúng ta không? Hay là câu chuyện của chính ông Na-a-man chứ không phải câu chuyện của chính mỗi người chúng ta?. Nhiều lúc chúng ta đọc câu chuyện nhưng cứ nghĩ đó là chuyện của người xưa, chứ không phải câu chuyện của chúng ta.

Lòng tin là vậy, là làm những cái rất phi lý và rất vô lí. Cách chữa trị của ông Elisa  khiến cho ông Na-a-man cảm thấy vô lý. Với nhận thức của chúng ta hiện tại thì việc xuống sông tắm 7 lần thì có lẽ chúng ta cũng không chấp nhận và xem hành động đó là một điều điên rồ. Nhưng đối với Thiên Chúa thì không có gì là không thể làm được bởi Chúa thích những điều điên rồ ấy. Chính vì sự cứng tin của chúng ta nên phép lạ chẳng bao giờ xảy đến, còn với ông Na-a-ma dù thấy là phi lí nhưng ông vẫn nghe Lời của Chúa nên phép lạ đã xảy đến với ông.

Điều kiện cần và đủ để làm một người Ngôn sứ

Với tư cách là một người ngôn sứ của Chúa thì chúng ta cần:

  • Thứ nhất: Trong việc lắng nghe Lời Chúa: Chúng ta phải biết lắng nghe, đón nhận Lời Chúa trong ý thức để Lời Chúa tác sinh và làm nên những điều nhiệm mầu nơi con người chúng ta.
  • Thứ hai: Chúng ta cần ý thức mỗi lần đọc Lời Chúa: Vì Lời của Chúa là Lời quyền năng, là Lời linh nghiệm. Chúa sẽ làm nhiều điều kỳ diệu cho chúng ta nếu chúng ta ý thức đọc và nghiền ngẫm từng lời dạy của Ngài. Lời Chúa không phải là câu chuyện tiểu thuyết, bởi vậy, chúng ta cần ý thức khi đọc Lời Chúa để Lời của Người có thể trở thành phép lạ xảy đến với chúng ta trong cuộc sống.
  • Thứ ba: Chúng ta cần thực hành những gì mà Người dạy cho chúng ta.

Cầu nguyện: 

Xin Chúa cho chúng con biết cẩn trọng hơn trong việc lắng nghe và thực thi Lời Chúa mỗi ngày để Lời Chúa không trở nên nhàm chán. Xin cho việc lắng nghe Lời Chúa không trở nên mệt mỏi mà luôn tươi mới trong cuộc đời chúng con và nhất là mỗi khi Lời Chúa được vang lên trong cuộc đời mỗi người chúng con.

Lạy Chúa Giê-su, xin cho chúng con có được lòng tin vào Lời của Người để chúng con biết canh chừng và không chủ quan khi lắng nghe lời Chúa. Xin cho chúng con luôn luôn đối diện với lòng tin của mình trong từng lời mời gọi của Ngài để chúng con đo lường được lửa lòng tin của chúng con dành cho Chúa  mỗi ngày. Amen.

Bài đọc thêm: “Ngọn lửa” mang tên Giê-su

Mr Đậu Thủy

Truyền Thông Sinh Viên Công Giáo

Bình luận