Icon Collap
...
Trang chủ / Sống tỉnh thức qua gương của thánh Giu-se

Sống tỉnh thức qua gương của thánh Giu-se

Vào Mùa Vọng chúng ta hay nói đến Đức Maria với lời thưa Fiat – Xin Vâng. Thánh Bê-na-đô nói: “ Cả thế giới nín thở để chờ đợi câu trả lời của Mẹ trước sứ thần”. Nếu Đức Mẹ lắc đầu không chấp thuận thì có lẽ bây giờ chúng ta vẫn chưa có lễ Noel. Nhưng lời thưa Fiat-Xin Vâng của Mẹ nói lên niềm tin tưởng tín thác trọn vẹn của Mẹ lên Thiên Chúa. Bởi vì khi Mẹ nói lời Xin Vâng thì cũng đồng nghĩa việc Mẹ liều mình đứng trước hiểm nguy, rình rập đến thanh danh và tính mạng của Mẹ. Mẹ mang thai và thai đó không có sự can thiệp của người chồng là thánh Giu-se. Cho nên thánh Giu-se, chồng tương lai của Mẹ sẽ nghĩ gì? Gia đình, họ hàng, người thân của Mẹ sẽ nghĩ gì đây? Với luật Do Thái thời đó, nếu mà một phụ nữ mang thai mà  bị người chồng tố cáo không phải thai của mình thì nặng người phụ nữ đó có thể bị ném đã đến chết. Tuy nhiên dẫu như thế nào, Mẹ vẫn thưa lời Xin Vâng, phó trọn niềm tin tưởng, tín thác của Mẹ nơi Thiên Chúa. Dẫu cho ý Chúa cao xa vượt trí hiểu của Mẹ. Bởi lẽ đó, trong Mùa Vọng chúng ta thường suy ngẫm lời thưa Xin Vâng của Mẹ để chuẩn bị tâm hồn  đón chờ Thiên Chúa cách xứng hợp.

Cũng vậy, thái độ tỉnh thức và lời thưa “Xin vâng” của thánh Giu-se mà hôm nay chúng ta nói đến cũng đáng để ta suy ngẫm.

Thứ nhất, Mẹ mang thai là điều bất ngờ xảy đến. Chúng ta tưởng tượng thánh Giu-se, một thanh niên rất là trẻ tuổi, đầy sức sống. Và chắc chắn khi kết hôn với Đức Maria thì thánh Giu-se và Mẹ cũng có những dự tính chung: cùng nhau xây nên tổ ấm, cùng chung nhau để có con cái…Ấy vậy mà giờ đây, điều bất ngờ xảy ra. Thánh Giu-se thấy Đức Maria mang thai. Thánh Giu-se phải rất ngỡ ngàng khi biết chắc cái thai ấy không phải của mình. Điều đó không nằm trong dự tính chung của hai người. Chương trình của hai người giờ đây đã bị tan vỡ hết, nên lời thưa “Xin vâng” của thánh Giu-se chắc chắn không đơn giản.

Thứ hai, việc Đức Maria mang thai do quyền năng Chúa Thánh Thần là điều không thể tưởng tượng được. Tin mừng không ghi lại việc Đức Mẹ nói cho thánh Giu-se biết là Mẹ mang thai do quyền năng Chúa Thánh Thần. Tuy nhiên chúng ta có thể hiểu sau ngày truyền tin, Mẹ không tiết lộ gì với thánh Giu-se hay bất cứ ai khác. Mẹ giữ im lặng hoàn toàn như lời Kinh thánh đã nói về Mẹ: “Mẹ hằng ghi nhớ mọi kỉ niệm và suy đi nghĩ lại trong lòng”. Mầu nhiệm Con Thiên Chúa ngự trong lòng của Mẹ thật quá lớn lao, còn Mẹ chỉ là người nữ khiêm hạ. Đức khiêm nhường thẳm sâu của Mẹ làm cho Mẹ sống phó thác trọn vẹn. Mẹ chỉ biết im lặng trước người chồng của mình. Mẹ có nói ra thì thánh Giu-se cũng không thể hiểu. Vì vậy Mẹ đã giữ riêng cho mình. Thời đó, người ta không có khái niệm chờ đợi Đấng Thiên Sai được sinh ra từ một trinh nữ. Nên để hiểu tâm trạng của thánh Giu-se, những ai là người nam thử  tưởng tượng một ngày nào đó, bạn gái hay người vợ của mình có thai, mà mình biết rõ cái thai đó không phải là của mình. Họ sẽ có phản ứng như thế nào? Giả dụ ta hỏi: “Tại sao em có thai?” ,“ Thưa em tự có”, đó là điều không thể chấp nhận được. Hoặc ta nói có một vị thiên thần phủ bóng trên em và em có thai. Chúng ta có tin được không? Thánh Giu-se đã gặp hoàn cảnh khó khăn như  vậy và Ngài vẫn luôn cậy trông vào Thiên Chúa đến cùng.

Tin Mừng không nói thánh Giu-se nghi ngờ nhân đức của Mẹ Maria. Một mặt thánh Giu-se không hay biết chuyện gì đang xảy ra. Một mặt Ngài tin tưởng hoàn toàn vào Công, Dung, Ngôn, Hạnh của Maria nên Ngài càng  trăn trở, giằng co. “Bây giờ phải làm sao đây? Một bên là người vợ tốt, một bên là cái thai vợ đang mang một cái thai không biết là của ai. Tin mừng không nói gì về tâm trạng của thánh Giu-se nhưng chúng ta có thể hiểu con tim của Ngài đã phải đau khổ, buồn phiền cùng cực. Vừa hết lòng yêu mến con người Maria khiêm nhu dịu hiền, vừa nhận ra cái thai người bạn đời của mình đang ngày một lớn lên. Bao lo âu, khắc khoải, khủng hoảng dằn vặt trong tâm  trí, Ngài không biết phải làm sao.

Lí do thứ ba khiến lời thưa “Xin vâng” của thánh Giu-se trở nên khó khăn hơn khi Tin Mừng ghi lại, Thánh Giu-se là người công chính. Theo Kinh thánh, người công chính là người làm theo Luật dạy. Vậy nếu thánh Giu-se là người công chính sống theo Luật dạy thì Đức Maria có thể bị kết án. Theo sách Đệ Nhị Luật22, 23-27 có hai cách hành xử khi người nữ mang thai trước khi về nhà chồng. Trường hợp thứ nhất: “Khi một cô gái còn trinh đã đính hôn với một người đàn ông, mà một người đàn ông khác gặp cô ở trong thành và nằm với cô, thì anh em sẽ lôi cả hai  ra khỏi thành mà ném đá. Chúng sẽ phải chết. Cô gái với lí do ở trong thành mà đã không kêu cứu còn người đàn ông với lí do cưỡng bức vợ đồng loại, anh em phải khử trừ sự gian ác, không cho tồn tại giữa anh em. Trong trường hợp này, ta hiểu là cô gái đã đồng ý ăn ở với người đàn ông kia, vì họ đã không kêu cứu, nếu cô kêu cứu thì mọi người sẽ đến giúp. Trường hợp thứ hai, nếu người đàn ông gặp một cô gái đã đính hôn ở ngoài đồng , bắt lấy nàng và nằm với nàng thì chỉ người đàn ông đã nằm với nàng sẽ phải chết, còn cô gái anh em đừng làm gì vì nàng không có tội. Vì cô gái đã kêu cứu mà không ai nghe. Giả thiết này cô gái bị cưỡng bức kêu cứu nhưng không ai nghe. Nên để xác định Đức Maria ở trong trường hợp nào, có tội hay không có tội, và hình phạt nào Đức Maria sẽ phải chịu, thì thánh Giu-se phải đưa Đức Maria ra trước kì mục. Nhưng như Tin mừng đã nói, thánh Giu-se đã không muốn tố giác Đức Mẹ. Trong tình huống này,  Giu-se đã trọn giải pháp là “định tâm bỏ bà cách kín đáo”. Như thế có nghĩa là sẽ không có cuộc điều tra nào về việc Đức Maria Mang thai. Việc ông thánh Giu-se định tâm bỏ đi cách kín đáo cho thấy Ngài không muốn cho Maria ra trước quan tòa, làm hại thanh danh và sự sống còn của thai nhi. Ông Giu-se chấp nhận phần thiệt về mình để Đức Maria được vô can. Vì vậy sự công chính của thánh Giu-se mà ta hiểu ở đây là điều vượt trên cả lề luật. Ngài nghĩ đến sự sống chết của những con người đặc biệt là những người thấp cổ bé miệng. Ngoài ra ta thấy sự tin tưởng tuyệt đối của thánh Giu-se vào Đức Maria. Một niềm tin tưởng tuyệt vời cho dù Ngài biết chắc bào thai ấy không phải là của mình. Trên thế giới này chắc chỉ có thánh Giu-se mới có nhân đức vậy mà thôi. Và khi định tâm bỏ Maria cách kín đáo, rõ ràng là ngài không biết Đức Maria mang thai thế nào. Khi đang toan tính như vậy thì Sứ thần hiện ra nói với Ngài rằng: “Này Giu-se con cháu vua  Đavit, đừng ngại đón bà Maria về vì người con bà đang cưu mang là do quyền năng Chúa Thánh Thần. Vậy mà thánh Giu-se vẫn thưa xin vâng một cách mau lẹ,  như Tin mừng ghi lại: “Khi tỉnh giấc ông Giu-se làm như sứ thần Chúa dạy và đón vợ về nhà mình”. Và điều tuyệt vời hơn nữa là cho dù Chúa nói với Giu-se trong mộng như lúc báo đưa Hài nhi trốn sang Ai Cập, hay đưa Hài Nhi trở về…Qua giấc mộng thánh Giu-se luôn thực hiện thánh ý Thiên Chúa. Ngài tuy ngủ nhưng luôn làm theo ý định của Thiên Chúa. Còn chúng ta mặc dù tỉnh nhưng nhiều khi chúng ta lại mê ngủ. Đó chính là lúc chúng ta không nghe tiếng Chúa, không làm theo thánh ý của Thiên Chúa.

Giu-se là con người của giấc mộng nên làm ta nhớ đến Giu-se khác trong Cựu Ước. Ông Giu-se, con ông Gia-cop đã trải qua biết bao biến cố hiểm nguy do anh em mình ghen ghét. Tuy nhiên, vì sống phó thác trọn vẹn mọi sự cho Thiên Chúa nên Ngài đã được Thiên Chúa giữ gìn trong mọi nỗi nguy nan. Không những thế, Ngài còn làm cho ông trở nên người khôn ngoan trước mặt mọi người. Vì giải được giấc mộng cho Pharaô và cứu dân Ai Cập thoát khỏi nạn đói, ông Giu-se đã được nhà vua hậu đãi. Đó là phần thưởng xứng đáng cho những aim au mắn thi hành theo ý Chúa.

Còn ta, ta có can đảm làm theo ý Chúa trong mọi hoàn cảnh không?  Ngày hôm nay ta ngồi đây, tham dự chương trình tĩnh tâm Mùa Vọng,  cũng có rất nhiều người không đến đây vì họ không dám khước từ một cuộc hẹn, một cuộc ăn nhậu với bạn bè. Giu-se tỉnh thức là nghe cả tiếng Chúa ngay trong giấc mộng. Người ta chỉ nghe được tiếng Chúa trong mộng khi người ta luôn luôn chiêm niệm luôn luôn khắc khoải trăn trở tìm ý của Thiên Chúa. Chắc chắn Giu-se sẽ phải hỏi ý của Thiên Chúa là như thế nào? Chúng ta có hết lòng tìm thánh ý của Thiên Chúa trong cuộc đời đến độ cái trăn trở của ta đi vào trong giấc ngủ hay không? Hay ta chỉ biết hành động sao cho phần lợi về mình và gạt ý Chúa sang một bên. Thánh Giu-se cũng luôn sống tỉnh thức để khi thánh ý Chúa được thể hiện, Ngài sẵn sàng gạt ý riêng sang một bên. Cuộc sống ta có rất nhiều điều bất ngờ xảy đến. Chúng ta học theo thánh Giu-se, xem ý Chúa như thế nào. Tất cả những gì là bất lợi khởi đầu nhưng Thiên Chúa dùng nó như kế hoạch để cứu con người.

Giu-se trong Tân ước hay trong Cựu ước là con người rất tỉnh thức, luôn làm theo thánh ý của Thiên Chúa.  Xin Chúa giúp chúng ta biết luôn tỉnh thức như gương các Ngài, sẵn sàng khước từ mọi cám dỗ để Thiên Chúa được sinh ra trong tâm hồn. Đó chính là cuộc Giáng Sinh mà mỗi người ngày nay cần ý thức. Amen.

Svconggiao.net

Bình luận