Hôm nay toàn thể Hội thánh hân hoan mừng lễ kính thánh Biển Đức( Benedicto) – Bổn Mạng của Châu Âu, Đấng sáng lập đan viện nổi tiếng Montecassino và là người được vinh danh là:” Tổ phụ của nếp sống đan tu tại Tây phương”.
Hòa chung niềm vui hân hoan đó, các chị em trong cộng đoàn Biển Đức Đài Loan tại Hà Nội đã cùng nhau hiệp dâng thánh lễ tại đền thánh Giêrađô- Giáo xứ Thái Hà để mừng kính thánh Bổn Mạng của nhà dòng. Thánh lễ do cha linh hướng Gioan Lưu Ngọc Quỳnh chủ tế. Cùng đến dâng lời cầu nguyện với các chị em trong cộng đoàn còn có các bạn đang trong kỳ tĩnh tâm để tìm hiểu biện phân ơn gọi của mình. Đặc biệt hơn nữa, có thể coi là ” phép lạ” đó chính là sự hiện diện của hai Seur người Đài Loan đã đến để chung chia niềm vui mừng lễ với các đệ tử của mình. Sự xuất hiện của hai Seur làm cho thánh lễ thêm phầm long trọng và sốt sáng hơn.
Dưới đây là bài giới thiệu về Thánh Biển Đức và linh đạo của nhà dòng
I.ĐỜI SỐNG CẦU NGUYỆN DÒNG BIỂN ĐỨC
1)Cầu nguyện:
Đời sống cầu nguyện chung cũng như cá nhân của chị em được nuôi dưỡng bằng Lời Chúa và Bí Tích Thánh Thể, với lòng xác tín rằng: Chúa Thánh Linh là động lực chính giúp chị em kết hợp với nhau trong Ba Ngôi Thiên Chúa. Nhờ đó chị em có thể sống đề huề với nếp sống đan tu và ngang qua tu luật, chị em có thể mở lòng ra đón nhận Tin Mừng mạc khải của Thiên Chúa.
2)Phụng vụ các giờ kinh:
Hằng ngày chị em tham dự các giờ kinh thật trung thành. Chính vì ý thức tầm quan trọng của Kinh Thần Vụ là kinh nguyện của Thân Mình Chúa Ki-Tô là Hội Thánh, để chúc tụng Chúa Cha và chuyển cầu cho mọi người, nên chị em thường xuyên kiểm điểm lại cung cách và giờ giấc sao cho xứng đáng với công việc phụng vụ này, nhất là không ngại chi thời giờ cho việc tập hát, xướng Thánh Vịnh … nhờ vậy, có thể mong được kết hợp suốt ngày với Đấng mà mình đã ngợi khen và lắng nghe trong các giờ kinh, như họa lại lời thánh Âu Tinh đã nói: Khi ta ca hát bằng miệng lưỡi, thì có ngày sẽ im tiếng, nhưng khi ta ca hát bằng cuộc sống thì ta reo vui mãi không ngừng”.
3)Đọc Lời Chúa:
Thiên Chúa mà chị em chúng tôi hằng kết hiệp trong cầu nguyện, trong Thần Vụ, cũng nói với chúng tôi qua Lời Người. Chính nhờ đó, Chúa Thánh Linh dần dần biến đổi lòng dạ và toàn con người để có thể kết hiệp càng ngày càng sâu hơn trong tình yêu của Người. Cộng đoàn có giờ ấn định dành riêng cho việc này, và điều chủ yếu trong việc tổ chức đời sống chúng tôi là tìm được sự thăng bằng và thống nhất giữa kinh phụng vụ, nguyện gẫm và đọc Lời Chúa(Lectio Divina); đây thật là một công việc đòi hỏi sự kiên trì không ít, vì khi đọc Lời Chúa, không phải chỉ đọc cho xong, mà phải đào sâu, thật sâu, để có thể thấy kho tàng được chôn giấu…
II.ĐỜI SỐNG CHUNG DÒNG BIỂN ĐỨC:
Ý thức cộng đoàn Đan Tu là thân mình Chúa Ki-Tô mà cũng là tế bào của thân mình Hội Thánh. Chúng tôi luôn cố gắng nỗ lực xây dựng Cộng Đoàn với tất cả khả năng Chúa ban, để thực hiện di chúc mà Người trối lại trong bữa tiệc ly: “Các con hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương các con.”
Vì thế chị em luôn nhắc nhở nhau để ý thức về mặt huyền nhiệm phải sống trong cộng đoàn. Giả sử, nếu chị em không có hạnh phúc bên nhau thì chắc chắn đời dâng hiến sẽ dần dần bị mai một. Vì chính cộng đoàn đưa chị em đến Ơn gọi dâng hiến. Và chính cái bản lề để mở được cánh cửa yêu thương vẫn là Lời Chúa nối kết qua cuộc sống hằng ngày: “Hãy ở lại trong Tình Yêu của Thầy” để múc lấy tình yêu từ thần khí của Thầy mà trao tặng cho nhau. Và để tạo cho nhau một phúc thật Tin Mừng ấy, chị em cần có sự đơn sơ cởi mở trong nếp sống đan tu nhờ sức mạnh của bàn tiệc Lời Chúa và Thánh Thể mỗi ngày.
Trong mọi hoàn cảnh, cộng đoàn chị em luôn hướng về Mẹ Maria như kim chỉ nam để sống niềm tin, tuân phục Ý Chúa và yêu thương nhau trong tình liên đới họa theo hình ảnh Ba Ngôi Thiên Chúa đã bao phủ suốt đời Mẹ.
1)Cô tịch:
Chị em ý thức rằng: Không thể sống đời cầu nguyện nếu không sống đời cô tịch. Chính nhờ sống cô tịch mà chị em có thể lắng nghe tiếng Chúa hằng vang vọng thấu con tim: “Ta là ai đối với con: Và để tuyên xưng niềm tin “Thầy là Đấng Ki-Tô, chị em âm thầm sống đời tin yêu gắn bó với Ngài qua từng công việc bé nhỏ được lập đi lập lại mỗi ngày. Sự cô tịch bên ngoài được biểu lộ khi mạnh khi yếu qua việc giữ thinh lặng khi làm việc, nghỉ ngơi; cả khi phải tránh những cử chỉ lăng xăng, hầu có thể giúp nhau tiến đến sự thinh lặng nội tâm, để dễ dàng lắng nghe và suy ngắm suốt ngày cái huyền nhiệm tình thương của Thiên Chúa được bày tỏ trong mầu nhiệm Chúa Giê Su thí mình trên Thập giá, từ đó chị em cũng cố gắng thí mình cho nhau qua những cung cách kính trọng, tha thứ và nhường nhịn nhau trong thầm lặng sâu thẳm này. Dù sao, chị em cũng ý thức để giữ được sự cô tịch cách trung thành đâu phải là chuyện dễ, nên thường xuyên được nhắc nhở để đời sống chung được nuôi dưỡng nhờ sự cô tịch này.
2)Giờ giải trí:
Giờ giải trí của chị em được đánh giá cao trong nếp sống Đan tu. Chị em có giờ dành riêng cho việc nghỉ ngơi thể xác và tinh thần, chủ yếu là vui sống bên nhau chung, một tuần 2 lần sau giờ cơm tối và một lần sau giờ nghỉ trưa ngày Chúa Nhật. Vào những lúc này, chị em có thể lắng nghe những tin tức xa gần của thế giới, của Giáo Hội, hay của mọi thân nhân bằng những cánh thư liên lạc, nhờ đó chị em có được niềm vui, hay nỗi buồn được san sẻ với nhau, nhắc nhở chị em tăng cường độ nguyện cầu cho mọi người đang cần đến sự hy sinh và lời cầu nguyện của chị em. Có khi vào dịp này, chị em đón tiếp khách quen thân đến, cũng họp mặt để chia sẻ kinh nghiệm thiêng liêng, tình thân v.v.
3)Tiếp đón:
Công việc đón tiếp khách không thể thiếu vì theo phương cách của Cha Thánh Biển Đức: Tiếp đón khách như chính Chúa Ki-Tô. Chị em có một nhà khách nhỏ, khiêm tốn, đôi khi không đủ đáp ứng với số người xin trọ, nhưng luôn ưu tiên cho khách tỉnh tâm. Chị em cố gắng tạo môi trường của mình là nơi cầu nguyện. Chúng tôi tiếp đón mọi người và mọi lúc. Nhất là những người nghèo, rất thường xuyên có những người nghèo đến gõ cửa, nhờ đó lời cầu nguyện chung cũng như riêng được xúc tích hơn khi nghĩ đến họ. Và cũng rất nhiều khi chị em chạm đến niềm vui và sự bình an của những người tá túc tại Đan Viện vài ngày, vài giờ… Qua việc tiếp đón, chúng tôi thấy rõ nét hình ảnh Hội Thánh thu nhỏ mà chúng tôi – sống thành cộng đoàn – chúng tôi có ý thức có bổn phận phải làm chứng về sự hiệp nhất huynh đệ, nhờ ơn hiệp thông Thánh Linh hằng trợ lực. Vì thế ưu tư của chị em là làm sao cho bầu khí đan viện lan tỏa sự bình an, tĩnh lặng, toát ra từ những con người sống động chứ không phải chỉ nhờ những cảnh rừng trang trí. Chính đây là việc làm không ngơi nghỉ của chị em.
4)Lao động:
Trong cộng đoàn chị em, mọi công việc lao động đều có giá trị ngang nhau, lao động để nói lên sự thông hiệp của lòng mến và như Cha Thánh Biển Đức “Lao động là Cầu nguyện”. Nhờ ý thức giá trị lao động như thế, chị em cố gắng làm việc tùy khả năng mình để góp vào công quỹ nuôi sống nhau. Những công việc của chị em xem ra rất tầm thường như: đón tiếp khách, may vá, thêu thùa, làm chuỗi hạt, icons, trồng trọt, chăn nuôi …Tóm lại, trong mọi việc chị em làm được thôi thúc bởi ý hướng “không quí gì hơn lòng mến Chúa Ki-Tô”, thế nên khi cầu nguyện hay làm việc, cả hai đều là nhịp cầu đem lại quân bình cho đời sống đan tu của chị em.
III.NỘI VI
Gìn lòng giữ dạ là nội vi chính yếu, bên trong cũng như bên ngoài đan viện, và chị em luôn được nhắc nhở về việc tránh ra ngoài khi không có lý do cần thiết, điều đó nhằm giúp chị em sống đời ẩn dật trong Chúa tại khuôn viên Đan Viện. Nhưng khi có lý do chính đáng như vì sức khỏe, công việc thu nhập, các nghĩa vụ công giáo hay xã hội .v.v. thì chúng tôi không bê trễ. Ước mong sao cho chị em có được một đời sống nội tâm vững mạnh, kiên cố đủ, để có thể đương đầu với bao sức tấn công từ bên trong hay từ bên ngoài vào, thế nên chỉ có sức mạnh của Chúa Thánh Thần mới đem lại sự bình an đích thực.
IV. HUẤN LUYỆN VÀ HỌC HÀNH
Chắc chắn là không thể có tiến bộ linh đạo lẫn khiết tịnh thật, nếu không có khổ luyện thân xác. Vì cả con người phải tập làm chủ lòng dạ. Chị em chúng tôi nhìn nhận việc học hành đạo lý là phương thế khổ chế trí tuệ, vì Đức Thánh Cha đã định nghĩa: Đan Viện là “trường học phụng sự Chúa”, thì càng có lý biết bao khi mong được học tập suốt đời. Nhưng cần thiết tránh hai mối nguy cơ:
1)Ham học hỏi vì có tham vọng riêng, đó là thứ thu thập hiểu biết không đưa tới yêu thương.
2)Tránh sự thiếu kiên trì học hỏi để biết yêu thương. Thế nên, chúng tôi ra sức học hành bằng nào có thể trong đức vâng phục, để bảo đảm và đáp ứng lời kêu gọi của Đức thánh Cha “phải tiếp tục trao dồi bằng đời sống dầng hiến của chị em qua việc canh tân phụng vụ, học hỏi kinh thánh, học hỏi đàng thiêng liêng, nhờ sự hướng dẫn của công đồng. Tất cả những sự đó là một việc khắc khổ, để có được một nền huấn luyện thường xuyên, hầu có thể làm giàu cho đời sống thiêng liêng của chị em bằng một tín lý và nền thần học vững chắc” … Vậy, chúng tôi những người đi trước mong mỏi biết bao cho các bậc đàn em được huấn luyện đến nơi đến chốn. Khởi đầu là “nhân bản”, để tự mình xác tín cách ý thức và tự do phải học hỏi những gì để có thể nuôi dưỡng đời sống đức tin qua nếp sống đan tu. Chắc chắn giá trị nội tâm sẽ được đánh giá hàng đầu, vì chỉ qua đó đời sống dâng hiến mới có bề sâu vì được kết hiệp mật thiết với Thiên Chúa.
Hồng Ân