Cốt lõi của lòng tin
Sau những tháng hè nghỉ ngơi công việc học tập và dành những khoảng trời riêng tư cho bản thân. Các bạn sinh viên đã trở lại mảnh đất Hà Thành để bắt đầu năm học mới. Và tối thứ 6, ngày 24/8/2018 Cộng đoàn Giáo phận Vinh tại Hà Nội đã quy tụ đông đủ tại Nguyện đường Giêrađô, cùng hiệp dâng Thánh lễ dâng lên Chúa những lời cầu nguyện, những dự định, những kế hoạch, dâng Chúa cả những nỗ lực, cố gắng, hay những khó khăn của một người sinh viên Công giáo giữa cuộc sống đầy những cạm bẫy, mưu toan này.
Cùng với niềm vui mừng kính Thánh Ba-tô-lô-mê-ô, Thánh lễ được diễn ra trong bầu khí linh thiêng và sốt sắng. Trong bài chia sẻ cha Linh hướng – ngài nhấn mạnh cho chúng ta biết về cốt lõi Lòng tin của những người trẻ:
“Lòng tin bị đánh mất”
Những ngày vừa qua, có một số sự kiện đáng để chúng ta lưu tâm và suy nghĩ. Đại hội Giới trẻ Châu Á được tổ chức tại Đài Loan, vậy mà Giới trẻ Việt Nam, một thành phần được xem là hùng hậu lại không được mời. Lí do là gì? Hay đoàn viên thanh niên tổ chức những trò chơi dâm tục, bẩn thỉu mà không suy nghĩ. Lí do là gì?
Đó là khi lòng tin bị đánh mất. Thế giới không còn tin tưởng ở người trẻ nói riêng và người Việt Nam nói chung. Chính người trẻ Việt Nam cũng đánh mất lòng tin vào chính mình, nên dễ dàng bị ru ngủ, dễ hùa theo những hành động đáng xấu hổ, không còn bận tâm đến tương lai chính mình, tương lai đất nước. Đó chỉ là hai trong số sự việc liên tiếp xảy ra để chúng ta có cái nhìn rõ hơn việc đánh mất lòng tin. Hệ lũy nó để lại là rất lớn. Bởi lòng tin bị đánh mất – cơ hội bị đánh mất, bởi lòng tin bị đánh mất – chúng ta không nhận ra mình, bởi lòng tin bị đánh mất – đạo đức xã hội ngày một xuống cấp. Đây là những hệ luy dễ dàng dẫn các bạn trẻ đến với tình trạng mất phương hướng, nảy sinh tâm bệnh ngày càng phổ biến trong cuộc sống hôm nay.
“Lòng tin- chìa khóa của thành công và bình an”
Lòng tin mang một giá trị như thế nào? Cốt lõi của lòng tin là gì? Lòng tin là điều kiện cần thiết và tiên quyết, là chìa khóa của thành công, chỉ khi tin tưởng chúng ta mới dám dấn thân, “nhìn quá khứ trong tâm tình tạ ơn, sống hiện tại bằng niềm hăng say, hướng đến tương lai với niềm hy vọng tràn trề” ( Đức Thánh Cha Phanxicô). Lòng tin giúp chúng ta mang lại hạnh phúc cho nhau, không vụ lợi, không toan tính. Hơn nữa, lòng tin mang lại một điều lớn lao hơn nữa là nối kết ta với Thiên Chúa – Đấng toàn năng và là suối nguồn mọi sự bình an.
“Một lòng tin không mê tín”
Ngày nay, lòng tin các bạn trẻ ngày một lung lay, chao đảo và chênh vênh. Đã bao giờ bạn tự hỏi hay được người khác chất vấn về lòng tin của bạn thân, liệu lòng tin vào Đức Ki-Tô phục sinh là mù quáng, mê tín. KHÔNG, lòng tin này được rất nhiều người chứng thực, đặc biệt là mười hai vị Tông Đồ. Mười hai con người này không những là chứng bằng lời nói và hành động mà còn bằng cả cái chết. Cái chết của họ không phi nghĩa, bởi chỉ mười hai vị, các Ngài đã làm rúng động đế quốc Rôma hùng mạnh với nền luật pháp chặt chẽ thời bấy giờ. “Mọi con đường đều dẫn về Rôme” nhưng 3 thế kỉ sau cái chết cả các vị Tông Đồ, người Rôma phải công nhận Kitô giáo làm quốc giáo. “Tường thành được xây trên 12 nền móng, trên đó có tên 12 tông đồ của con chiên” (Kh.21.14).
Mười hai nền móng này có được xây dựng một cách dễ dàng, có dễ dàng đón nhận và tin tưởng vào Chúa Giê-su như bầy cừu non không? KHÔNG, họ cứng tin, bao nhiêu phép lạ nhãn tiền, bao nhiêu lần Chúa Giêsu hiện ra sau biến cố Phục sinh nhưng họ cũng chẳng tin. Chỉ khi Thần Khí đến trong lễ ngũ tuần họ mới tuyên xưng và dám sống cho lòng tin của mình.
Mười hai Tông đồ là những ai? Đó là một Simon nhiệt thành, luôn hừng hực khí thế đánh đuổi ngoại bang, phục quốc. Là Gia-cô-bê và Gio-An nhất định phải được đứng bên tả bên hữu Thầy mình. Cả 12 ông là 12 tham vọng luôn tranh luận xem ai là người lớn nhất. Và một vị đó là Thánh Ba-tô-lô-mê-ô Tông đồ mà hôm nay cùng với Giáo hội Hoàn Vũ trong ngày Lễ đầu năm học mới của cộng đoàn Giáo Phận Vinh tại Hà Nội mừng kính. Ba-tô-lô-mê-ô hay còn gọi là Na-tha-na-en mà Lời Chúa hôm nay nhắc tới là một con người đầy kiêu hãnh, không dễ tuân phục, là một “người Israel đích thực”. “Từ Na-de-rét làm sao có cái gì hay được”, một cá tính ngang, bất phục. Nhưng khi được Chúa Giê-su đụng chạm ông phải thốt lên: “Thưa Thầy, chính Thầy là con Thiên Chúa, chính Thầy là vua Israel” (Ga.1.49). Tương truyền Thánh Nhân sau này đã sang tận Ấn Độ để rao giảng Tin Mừng, không kinh sách, không tiền bạc, người thân, hành trang duy nhất là lòng tin trọn vẹn vào Đức Kitô Phục Sinh.
Nhân ngày đầu năm học mới, cũng như mừng kính Thánh Ba-tô-lô-mê-ô, một lần nữa chúng ta hãy tự nhìn nhận lại bản thân. Đã bao giờ đánh mất lòng tin, đã bao giờ nghi ngờ lòng tin mà các Tông Đồ làm chứng và được Giáo hội trao ban. Chúng ta đã thực sự can đảm sống cho lòng tin của mình, sống với một thái độ bản lãnh, có chính kiến như Na-tha-na-en đầy kiêu hãnh hay miệng nói tin mà lòng chẳng ý thức. Chúng ta hãy duyệt xét lại lòng tin của chúng ta vào Thiên Chúa, một Đấng ở với chúng ta, Đấng uy quyền có khả năng giải thoát, cứu chữa chúng ta. Chúng ta có tin không?
Qua lời chuyển cầu của Thánh Ba-tô-lô-mê-ô chúng ta cùng cầu xin cho được lòng tin vững vàng, một lòng tin không xao động, chao đảo.
Nguyện xin Chúa ban cho chúng ta lòng tin và dám sống lòng tin đó một cách mạnh mẽ, biết ra khỏi chính mình, ra khỏi gia đình mình, ra khỏi cộng đoàn mình để đi gieo niềm tin giữa một thế giới đầy thương tổn này. Amen.
Svconggiao.net