Chiều thứ Bảy, tôi ra ngoài. Tôi ra khỏi không gian tĩnh lặng của cộng đoàn để đến với điểm tông đồ thân quen mà tôi đã gắn bó mỗi chiều thứ Bảy hàng tuần: Bệnh Viện. Tôi bước vào bệnh viện, không vội vàng nhưng từ từ, chậm rãi. Nơi bệnh viện đông đúc này, tôi gặp những con người sống tạm, có người sống ở đó khoảng một tuần, hai tuần, có khi một tháng hoặc lâu hơn nhưng vẫn là sống tạm. Nơi đó không phải là nhà, nhưng là nơi mà người ta chỉ muốn sao cho nhanh chóng để ra khỏi đó. Vậy mà, mỗi chiều thứ Bảy, tôi đến nơi sống tạm này và tôi cũng sống tạm với họ hai hoặc ba giờ đồng hồ rồi lại về cộng đoàn. Tôi đến như một vị khách thăm căn nhà tạm của họ, vị khách không mời, thậm chí còn làm phiền nhưng họ vẫn niềm nở đón tiếp. Thời gian không đủ để tôi thân quen với họ, những câu chuyện còn dang dở, chắp vá mà cũng không có hồi kết. Nhưng có điều làm chúng tôi thân quen, xích lại hơn là câu chuyện đức Tin.
Công việc của tôi ở chốn sống tạm này là đi từng khoa phòng của bệnh viện để hỏi xem có ai là người Công Giáo không. Nếu có, tôi sẽ tiếp tục câu chuyện của mình xoay quanh đức Tin, cùng họ đọc vài kinh dọn lòng và sau đó là trao Mình Thánh Chúa. Nếu không, tôi xin lỗi đã làm phiền và đi phòng khác. Cứ như thế, tôi đến tạm, nói những câu chuyện tạm. Nhưng trao Thánh Thể Chúa cách tròn đầy. Chính đức Tin là cầu nối để tôi khởi đầu câu chuyện và kết thúc cuộc viếng thăm. Và lần nào chia tay cũng vậy, tôi không hẹn ngày gặp lại bởi tuần tới gặp lại tức là bệnh của họ vẫn chưa thuyên giảm và chưa được xuất viện nhưng tôi chỉ nắm bàn tay gầy guộc mà chúc họ bình an và giữ niềm hy vọng vào Lòng Thương Xót Chúa giữa bao khó khăn và mệt mỏi do bệnh tật trong môi trường ngột ngạt và đông đúc này.
Nhớ lần đầu tiên đi tông đồ, sứ mạng mới, địa điểm mới mà lại đi “một mình một ngựa” nữa chứ. Loay hoay chưa biết phải làm như thế nào, không biết bệnh nhân nào Công Giáo nên tôi cứ ngơ ngác đi dọc hành lang các phòng bệnh viện. Mình Thánh Chúa được đặt trong một chiếc hộp nhỏ thanh tao và tôi đeo trước ngực bên trong chiếc áo khoác. Nhưng rồi một cô hỏi tôi: “Chú đi cho rước lễ à?”, tôi hơi giật mình, gật đầu lia lịa. Và rồi tôi vào phòng ấy thì hóa ra trong phòng có đến 2-3 người Công Giáo cơ.
“Bà vừa ăn chú ạ, thế giờ có rước Chúa được không?”
“Thế con sang các khoa khác rồi lát con quay lại bà nhé!”
“Chú nhớ quay lại nhé.” Tôi chào rồi đi ra đến tận cửa thì bà và người nhà vẫn còn nói lớn: “Chú nhớ quay lại nhé.”
“Hôm thứ Bảy trước, các chú không đi, tôi đợi các chú mãi.” Câu nói của một bệnh nhân trung tuổi khác.
Thì ra là vậy, trong cái chốn đông đúc này, dầu đầy đủ tiện nghi – phòng riêng máy lạnh hay phòng chung ngột ngạt, dầu thuốc thang tẩm bổ đầy đủ hay phải nằm vật vờ ngoài hành lang chờ xạ trị, con người ta vẫn hằng khao khát hướng về thiêng liêng. Ừ, thì họ rất nhớ, họ không nhớ tôi, nhưng họ nhớ những gì thuộc về thiêng liêng. Họ khao khát môi trường sống tạm này được rước Chúa, được chia sẻ về đức Tin. Nụ cười rạng rỡ vẫn còn vương vấn trên gương mặt rệu rã vì thuốc thang khi có người trò chuyện về Chúa, về gia đình và về niềm tin.
Nhưng không phải vào phòng nào khoa nào tôi cũng gặp được người Công Giáo với ánh mắt thiện cảm như thế. Không ít lần bắt gặp ánh mắt nghi ngờ và khó chịu vì “phiền hà.” Không ít lần vào rồi ra mà không gặp ai, vào nhưng bị từ chối.
Thì ra là vậy, bị từ chối cũng có khi vui chứ! Vui vì cảm nhận được cảm giác bị khước từ một tình yêu của Đấng bị đóng đinh cong queo trên cây gỗ khô ráp và sần sùi. Vui vì cho dù khó khăn hay nhiệt huyết thì vẫn đi tông đồ chiều thứ Bảy. Vui vì hôm nay những con người sống tạm đã bớt đi, có nghĩa họ đã khỏe và trở về mái nhà thực sự của mình, mà không phải chơ vơ ở một nơi không phải là nhà.
Và rồi…
Bài đọc thêm: https://svconggiao.net/2020/06/15/phep-la-thanh-the-tai-legnica-ba-lan/
Cuộc sống của tôi trên trần gian này cũng là một cuộc sống tạm. Và quê hương đích thực là ở trên trời. Ý thức và tâm niệm là thế nhưng trong vòng xoay cuộc sống xô bồ và náo nhiệt này, đã bao lần tôi bị cuốn vào và quay cuồng với những thú vui trần thế để rồi trong tôi cũng bị tiêm nhiễm bao tư tưởng, tham vọng, thói hư tật xấu khó chữa như căn bệnh ung thư ác tính vậy. Biết bám víu vào đâu và nhờ thầy thuốc nào cứu chữa cho tôi ngoài Giêsu tình yêu. Bởi chính Người đã chịu chết khổ hình và từ tận cùng đau khổ ấy, Người vượt thắng và tái sinh mỗi người trong Thần Khí Thiên Chúa.
Xin cho tôi biết cậy dựa và phó thác vào bàn tay quan phòng của Người để kín múc dồi dào ơn chữa lành và chìm đắm trong ân sủng bình an để dầu đang sống trong cuộc sống tạm này tôi cũng được no đầy con tim vì luôn có Chúa ở cùng và đi với.
Lặng.