Icon Collap
...
Trang chủ / Vượt thắng Sứ Vụ

Vượt thắng Sứ Vụ

Một trong những bức tường khó chọc thủng và gây khó khăn cho các ngôn sứ trong sứ vụ rao giảng Tin Mừng là định kiến hay được gọi là những cái nhìn cố định. Những cái nhìn cố định không chỉ có ở người đón nhận, người lắng nghe lời rao giảng mà có ở ngay cả những người rao giảng. Và một khi, những định kiến đó đóng khung cố định trong tâm trí của con người thì rất khó để có thể thay đổi. Nó thường gây khó khăn cho cả người rao giảng và người đón nhận lời rao giảng, đặc biệt khi cả hai có cùng quê hương với nhau. Ở nơi người đón nhận lời rao giảng, họ có những cái nhìn cố định về vị ngôn sứ ở thời xa xưa cho dẫu ở thời điểm hiện tại, vị ngôn sứ đó có giỏi giang, có lừng danh, có giảng hay đến mấy thì họ cũng không nhận ra và không đón nhận. Ở nơi các ngôn sứ cũng có một cái nhìn khó thay đổi ví như dân này cứng đầu cứng cổ, giảng mãi không nghe… Những cái nhìn cố định đó là một yếu tố phá nát sự thành công của các ngôn sứ trong sứ vụ rao giảng Tin Mừng.

Hơn thế nữa, sự không thành công trong sứ vụ rao giảng Tin Mừng của các ngôn sứ còn được Chúa Giê-su chỉ ra qua một lược đồ rao giảng kĩ càng của Ngài.

Rao giảng Tin Mừng, vượt thắng sứ vụ

Điều thứ nhất: sự đồng tâm nhất trí và nên một với nhau trong cả lời nói và cách sống.

Việc Chúa Giê-su cắt cử từng hai người một ra đi rao giảng Tin Mừng cũng như việc Chúa Giê-su đến trần gian và chọn một nhóm 12 người làm môn đệ và thông ban cho các ông quyền rao giảng Tin Mừng hay việc Phaolo đưa Macco và Timothe đi theo để cùng thực thi sứ vụ rao giảng Tin Mừng,… Tất cả những việc đó cho thấy việc rao giảng Tin Mừng không phải là việc tào lao nói phét của một vài cá nhân; nhưng việc rao giảng Tin Mừng đi kèm với cách thức người rao giảng sống. Nghĩa là việc rao giảng thì dễ nhưng người rao giảng có sống, có thực hành được hay không – đó mới là cần thiết.

Theo truyền thống rao giảng Tin Mừng của các nhóm truyền giáo ở Ấn Độ, họ có một quy tắc chung là khi đi rao giảng, nếu một người trong nhóm bất đồng quan điểm dẫu sai hay đúng thì cả nhóm phải bảo vệ, rồi lúc về lại nhà mới được trải lòng ra với nhau. Tất cả mọi người phải đạt đến sự đồng tâm nhất trí cao như vậy thì mới có thể rao giảng thành công. Tuy nhiên, qua thực tế của việc rao giảng Tin Mừng trong Giáo Hội hay các nhóm truyền giáo thì để đạt được sự đồng tâm nhất trí như vậy là rất khó.

Bởi đó, Chúa Giê-su sai hai người đi rao giảng Tin Mừng là để cho thấy, lời người rao giảng và cuộc sống của người đó với người đi cùng phải là đồng tâm nhất trí thì người nghe mới tin được. Đó là một khó khăn thách đố rất lớn của người rao giảng.

Bài đọc thêm: Sát thủ ẩn mình

Điều thứ hai: Chúa sai các môn đệ đi rao giảng với năng quyền trừ quỷ.

Để rao giảng thành công thì phải được Chúa sai đi qua Hội Thánh chứ không phải tự ý mình muốn đi đâu thì đi. Đó là lý do tại sao trong Hội Thánh có chữ “bài sai”. Nhiều người hôm nay thấy mình có tài năng nghị lực và muốn trở thành một nhà thuyết giảng tài ba nhưng không được phép chuẩn nhận của Chúa ngang qua Hội Thánh. Những người như vậy sẽ không có năng quyền của Thiên Chúa trong việc rao giảng Tin Mừng. Ví như các giáo phái hay lạc giáo, họ muốn khẳng định vị thế vai trò của mình mà không vâng nghe và thuần phục lời chỉ dạy của Hội Thánh. Bởi đó, những người đến rao giảng đích thực phải là những người được Thiên Chúa gửi đến ngang qua Hội Thánh và khi chúng ta đi rao giảng thì cũng phải được Hội Thánh sai đi chứ không phải tự ý chúng ta muốn đi đâu thì đi.

Điều thứ ba: sự từ bỏ tất cả mọi sự và chỉ lệ thuộc vào một mình Thiên Chúa.

Nhiều người hôm nay khi đi loan báo Tin Mừng thì trang bị đầy đủ đủ thứ từ đầu đến chân rồi mới dám đi, nhưng Chúa Giê-su đã nói trong bài Tin Mừng, khi đi rao giảng Tin Mừng không được mang bao bị, giày dép, tiền của, bánh trái cũng đừng mặc hai áo,… Để cho thấy, tất cả những điều chúng ta cảm thấy an toàn và dựa dẫm vào thì phải từ bỏ; ngoại trừ cái gậy – cột trụ chống lưng cho con người trong hành trình rao giảng Tin Mừng là niềm tin vào một Thiên Chúa quyền năng. Những người rao giảng ỷ vào sức riêng nhỏ mọn hay khả năng ứng khẩu của mình thì sẽ thất bại. Cho nên phải biết từ bỏ tất cả để biết cậy dựa vào một mình Thiên Chúa. Đó là một cuộc phiêu lưu đích thực cùng Thiên Chúa.

Điều thứ tư: việc thực hành lời rao giảng.

Đến nhà nào cũng đừng đi lung tung. Họ đón tiếp nơi đâu thì hãy ở đó. Họ cho ăn hay uống thức gì thì hãy dùng như vậy. Còn nếu họ không đón tiếp thì dũ bụi đất lại để cảnh cáo họ. Không phải ngẫu nhiên mà Chúa Giê-su đưa ra những vấn đề này nhưng Ngài có cả một lược đồ kĩ càng cho việc rao giảng Tin Mừng. Ngài đến và ở, sống và cùng trải nghiệm cuộc sống với người Ngài rao giảng.

Điều thứ năm: nội dung rao giảng.

Nội dung rao giảng gồm có 3 phần:

  • Phần thứ nhất: rao giảng để người nghe ăn năn sám hối và tin vào Lời Chúa chứ không phải chỉ cần nói cho họ nghe sướng tai mà thôi.
  • Phần thứ hai: chữa lành bệnh tật.
  • Phần thứ ba: xua trừ ma quỷ.

Đó là năm khó khăn thách đố lớn của người rao giảng Tin Mừng mà Chúa Giê-su đã chỉ ra qua tường thuật Tin Mừng Mc 6, 7-13. Xin Chúa cho chúng con thấy được những khó khăn thách đố của các nhà rao giảng trong sứ vụ Loan Báo Tin Mừng để chúng con không vấp ngã và khi dấn thân trong sứ vụ đó thì biết khôn ngoan và sáng suốt đi theo con đường của Ngài. Nguyện xin Ngài giúp chúng con hiểu thấu những đòi hỏi của Chúa để chúng con can đảm dấn thân và thực thi sứ mạng chính Ngài đã gửi trao cho chúng con theo chỉ dẫn của Ngài là “rao giảng Tin Mừng, chữa lành bệnh tật và xua trừ ma quỷ”. Amen.

 

Trích bài giảng Lm. Gio-an Lưu Ngọc Quỳnh CsSR trong Thánh lễ thường kì 4.2 của Nhà Tĩnh Tâm Giê-ra-đô

Maria Thanh Tâm

Truyền thông Sinh viên Công giáo

Bình luận