Icon Collap
...
Trang chủ / Thế nào là yêu thật?

Thế nào là yêu thật?

Thế nào là yêu thật? Đó là câu hỏi không dễ trả lời vì không phải ai cũng biết cách để sống và thể hiện tình yêu thật sự với người mình yêu. Nhưng hôm nay trong ngày tĩnh tâm thường kỳ của Nhà tĩnh tâm Giê-ra đô. Cha Gio-an đã cho chúng ta một câu trả lời đầy thuyết phục. Từ những câu chuyện rất thật về tình yêu đôi lứa Cha Gioan đã cho chúng ta thấu hiểu đươc “Thế nào là yêu thật?”

Biểu hiện của một tình yêu thật?

Đối với một người khi đang yêu thì hạnh phúc của họ là được ở với người mình yêu, được sống với người mình yêu, được hy sinh cho người mình yêu cách trọn vẹn. Còn đối với chúng ta thì hạnh phúc chung cuộc của chúng ta là được ở cùng Thiên Chúa, được sống, được hiến dâng cho Thiên Chúa cách trọn vẹn.

Nói theo ngôn ngữ của Thánh Gio-an đó là được yêu mến Thiên Chúa hết lòng. Vì khi chúng ta yêu mến Thiên Chúa thì chính Chúa Cha, Chúa Giê-su, Chúa Thánh Thần sẽ đến ở với chúng ta. Chúng ta biết rằng mình ở trong Thiên Chúa nhưng liệu ta có ý thức và xác tín Thiên Chúa ở trong chúng ta không? Điều đó còn tùy thuộc vào tình yêu mà chúng ta dành cho Ngài khi chúng ta yêu mến Ngài.

Chúng ta sẽ cảm nhận, sẽ đụng chạm đến Mầu nhiệm Thiên Chúa ở với chúng ta, ở trong chúng ta và ở cùng chúng ta. Còn khi chúng ta không yêu thì dù chúng ta có xác tín nhưng vẫn không cảm nhận được tình yêu là như thế nào. Khi đạt tới tình yêu thì chúng ta thấy đối tượng mà mình yêu luôn ở với mình. Và không gì có thể tách biệt được dù là xa cách về không gian, thời gian. Vì trong tình yêu, không gian, thời gian, khoảng cách, tù đày, chẳng có ý nghĩa gì.

thế nào là yêu thật?

Khi yêu nhau có ba hành động cụ thể để diễn tả một tình yêu thật.

Nơi con người:

Hành động đầu tiên: là tôn vinh, làm cho người mình yêu được rạng rỡ, được hạnh phúc. Họ tìm mọi cách ca ngợi, tán dương, khen ngợi, nhiều khi không biết khen thật hay giả. Mục đích của họ là làm cho người mình yêu được hạnh phúc. Việc ca ngợi, tán dương, ngợi khen là dấu hiêu cho thấy mình yêu người đó. Còn khi mình nói yêu nhưng mình làm cho người đó bị tổn thương, đau khổ, làm cho người đó mất mặt, mất thể diện, đó không thể gọi là yêu được.

Hành động thứ hai: khi yêu thì tìm mọi cách dành thời gian riêng biệt cho người mình yêu. Họ không chỉ làm cho người đó được hạnh phúc mà họ còn dành những thời gian quý giá nhất để đến với người mình yêu. Họ cần những thời gian riêng tư với người mình yêu. Họ không lấy lý do, hoàn cảnh để chạy trốn thời gian hai người cần dành cho nhau.

Hành động thứ ba: Luôn luôn nhớ đến người mình yêu trong mọi công việc, mọi suy nghĩ, mọi tư tưởng, mọi hành động, mọi việc làm…Tất cả đều vì người mình yêu ,cho người mình yêu và với người mình yêu. Trong mọi việc làm, hình ảnh người mình yêu luôn chiếm trọn cả ngày sống của họ.

Nơi Thiên Chúa:

Chúng ta có tôn vinh Thiên Chúa, có làm cho Thiên Chúa được rạng rỡ? Có làm cho mọi người biết đến Thiên Chúa qua phụng vụ hay không? Vì điều này được diễn tả sống động trong phụng vụ. Đối với Thiên Chúa chúng ta có yêu Ngài như vậy không? Trước hết chúng ta có dành cho Thiên Chúa những thời khắc riêng để sống cho Ngài? Để ở với Ngài, để được tâm sự riêng với Ngài không?  Hành trình sa mạc là thời khắc cầu nguyện riêng của mỗi người chúng ta dành cho Thiên Chúa. Ai cầu nguyện thì sẽ được cứu, ai không cầu nguyện người đó sẽ mất phần rỗi đời đời.

Bài đọc thêm: Gỡ nút thắt

Có nên yêu trước khi đi tu không?

Có nhiều người có suy nghĩ rằng: Nên cho những người đi tu trải qua một mối tình thì họ sẽ có kinh nghiệm về tình yêu dành cho Thiên Chúa hơn. Thời gian vừa qua cũng như những đợt tĩnh tâm cha vẫn cho người ta viết những bức thư tình cho người mình yêu. Dẫu đó là một bức thư của tuổi học trò. Là một mối tình đơn phương hay một mối tình song phương. Khi người ta yêu nhau, lúc nào họ cũng nhớ đến nhau. Dù là khi nằm, khi nhìn sàn nhà, nhìn thức ăn…họ vẫn luôn thấy hình ảnh người mình yêu.  Từ đó, họ có những kinh nghiệm về tình yêu thật sự. Và kinh nghiệm đó giúp họ tiến sâu và tiến xa hơn trong mầu nhiệm tình yêu với Thiên Chúa.

Cách thể hiện tình yêu của các đan sĩ chiêm niệm.

Phụng vụ của đan tu là giờ trình diện trước nhan Thiên Chúa. Họ hát cho Thiên Chúa nghe với tất cả tâm hồn, dẫu rằng họ vẫn bị tổn thương. Và cuộc sống chung dẫu cực khổ, dẫu nhiều công việc vẫn còn đó,…Những giờ phụng vụ ca đó là giờ mang lại hồn sống cho họ. Những giờ cử hành phụng vụ thánh, giờ kinh nguyện chung, Thánh lễ, là những giờ hạnh phúc cao điểm để họ tôn vinh, ca ngợi, tán dương Thiên Chúa, Đấng mà họ yêu mến.

Việc kết hiệp liên lỉ với Thiên Chúa mọi nơi, mọi lúc cũng rất quan trọng trong đời sống đan tu. Các đan sĩ làm mọi việc vì “vinh danh Chúa”. Trong đời sống đan tu chiêm niệm thì việc kết hiệp với Chúa liên lỉ giúp họ giảm bớt căng thẳng và đau đớn trong các va chạm của đời sống chung. Các đan sĩ luôn sống kết hợp cách sâu xa với Thiên Chúa trong mọi việc họ làm. Cho dù họ nhặt một cọng rau, quét nhà hay tưới một cái cây,…Tất cả đều được họ thực hiện vì lòng yêu mến Chúa.

Thế nào là yêu thật

Hãy “làm mới lại tình yêu” bằng hành động cụ thể?

Hành trình sa mạc này là một hành trình của tình yêu, một hành trình được chữa trị bằng tình yêu và chỉ có tình yêu dành cho Thiên Chúa mới đưa, mới kéo Thiên Chúa đến với chúng ta. Chính Thiên Chúa mới là Đấng chữa lành và giải thoát cho chúng ta. Trong mùa chay này hãy làm mới lại lòng yêu mến đó bằng những hành động cụ thể. Chúng ta đừng để cho lòng yêu mến đó chỉ là khái niệm, ý niệm hay trở thành những lời đầu môi chót lưỡi.

Nhưng hãy diễn tả lòng yêu mến đó bằng các hành động cụ thể trong giờ cầu nguyện, trong phụng vụ, trong thánh lễ và trong  mọi việc mình làm, vì có Chúa luôn ở với, ở cùng và ở trong chúng ta. Và chúng ta làm tất cả cho vinh danh Chúa, cho lòng yêu mến của chúng ta dành cho Thiên Chúa được thể hiện một cách cụ thể, rõ ràng nơi con người và cuộc sống của mình mỗi ngày.

Bài đọc thêm: Chúa biết chúng con cần đến Chúa

Chúng ta có yêu mến Đấng chữa lành cho chúng ta?

Đặc biệt trong hành trình sa mạc. Chúng ta biết rằng Thiên Chúa là Đấng chữa lành chứ không phải ai khác. Mọi giải pháp sẽ giúp cho tiến trình chữa lành được tốt hơn nhưng Thiên Chúa mới là Đấng chữa lành thật sự. Khi được Thiên Chúa chữa lành ta phải yêu mến Thiên Chúa, sống tốt mối thân tình với Chúa. Để nhờ ơn Chúa giúp sức chứ không cậy vào sức riêng của mình, hay vào các liệu pháp tâm lý.

Cho nên trong hành trình sa mạc cần thời gian để cầu nguyện. Cầu nguyện trước khi làm bài, đang khi làm bài và sau khi làm bài. Vì vậy hôm nay chúng ta cần nhìn lại tiến trình chữa trị cũng là để nhìn lại lòng yêu mến của chúng ta dành cho Thiên Chúa như thế nào. Chúng ta có yêu mến Ngài thật không?

Maria Giang Duyên

Truyền thông sinh viên Công giáo

 

Bình luận