Icon Collap
...
Trang chủ / Hỏa ngục – Tội phải sa hỏa ngục

Hỏa ngục – Tội phải sa hỏa ngục

Trong Mùa chay thánh này mỗi ngày Chúa đều dùng Lời của Chúa để thanh luyện con người của chúng ta. Để giúp chúng ta đi đúng đường lối của Chúa. Và Thánh lễ hôm nay cũng không ngoại lệ Chúa lại tiếp tục thanh luyện chúng ta qua đoạn Tin mừng theo Thánh Luca. Cha Gioan Lưu Ngọc Quỳnh CSsR đã chia sẻ cho chúng ta biết điều này qua đề tài rất cụ thể:
“Hỏa ngục – Tội phải sa hỏa ngục”. Có nhiều người thường đoán định những tội nào phải sa hỏa ngục theo tư duy của họ. Còn với dụ ngôn trong đoạn Tin mừng này Chúa nói cho chúng ta biết mắc tội nào phải sa hoả ngục.

Hỏa ngục là nơi nào?

Hỏa ngục là  nơi đau khổ.

Đau khổ thứ nhất là thấy những người ở thiên đàng sống hạnh phúc còn trong khi đó bản thân mình thì khốn cực. Đau khổ vì thấy những người khác được Thiên Chúa ôm vào lòng còn mình thì bị lửa thiêu đốt nóng lắm. Đau khổ vì mình muốn xin trợ giúp nhưng không thể có được sự trợ giúp nào cho mình trong hoàn cành bi đát. “ Vì giữa chúng ta có một vực thẳm mà bên này muốn qua bên kia cũng không được”.(Lc 16,26)

Đau khổ vì muốn làm được việc thiện cuối cùng để cứu anh chị em mình cũng không được. Hỏa ngục là như vậy, chúng ta không suy đoán nhưng Thiên Chúa đã nói thẳng cho chúng ta có hỏa ngục có thiên đàng rõ ràng.

Điều thứ hai: Chúa cho chúng ta biết những tội nào thì phải sa hỏa ngục. Đó là một câu hỏi cần đặt ra. “Kẻ nào phải sa hỏa ngục?” Đó là những kẻ chết mà đang khi mắc tội trọng. Nhưng tội nào là tội trọng?  Chẳng hạn như tội bội giáo, lạc giáo, giết người, ngoại tình.

Mức độ nào là tội nặng?

Luân lý dạy cho chúng ta tội trở thành nặng phải hội đủ 3 yếu tố:

  • Bản thân hành động đó phải rất xấu.
  • Người vi phạm tội đó có chủ đích rõ ràng.
  • Người đó được tự do chọn lựa mà vẫn quyết định hành động tội đó thì tội đó trở thành nặng và mức độ nào đó đáng sa hỏa ngục thì Chúa để cho mỗi người tự trả lời.

Nhưng hôm nay Chúa cho chúng ta một cái tội chắc chắc phải sa hỏa ngục. Đó là tội vô tâm, vô cảm, thờ ơ với đồng loại. Qua hình ảnh ông phú hộ ngày ngày yến tiệc linh đình và hình ảnh một La-ra-rô nghèo khó đứng bên cửa chờ những miếng ăn từ bàn rơi xuống mà không được cho. Chúng ta thấy Ông phú hộ không đuổi, không đánh, không nhục mạ La-da-rô. Nhưng ông phú hộ phải sa hỏa ngục vì ông đã vô cảm và thờ ơ trước nỗi đau khổ của La-da-rô.

“Vô cảm”- Tội phải sa hỏa ngục.

Chúng ta không cần suy đoán tội nào phải sa hỏa ngục. Bởi vì với Tin mừng thì tội vô cảm, vô tâm, thờ ở trước nỗi đau, trước sự bất hạnh của người khác, tội đó phải sa hỏa ngục. Và đó cũng là tội của con người suốt dòng lịch sử, nhất là trong thời đại chúng ta.

Hỏa ngục- tội sa hỏa ngục

Con người ngày càng trở nên vô cảm,  vô tâm với người khác, không bận tâm đến những đau khổ của người khác. Thậm chí còn cười trên đau khổ của người khác, càng ngày càng trở nên căn bệnh phổ biến trong xã hội. Bệnh đó đưa con người đến hỏa ngục không phải mai sau mà ngay cả trên trần gian này. Con người vô cảm, vô tâm thì chẳng bao giờ cảm nhận được hạnh phúc. Dù họ có sung sướng có yến tiệc linh đình đến đâu thì họ cũng chẳng bao giờ có được hạnh phúc nơi chính cõi lòng của mình.

Chúng ta biết căn bệnh vô tâm, vô cảm đó không đơn thuần chỉ là bệnh tự nhiên của con người nhưng nó được mã hóa, được truyền lại từ bối cảnh gia đình, xã hội khiến cho nhiều người rất tốt cũng trở nên vô cảm, vô tâm.  Khi chữa trị căn bệnh vô cảm, vô tâm này chúng ta được mời gọi đối diện với bối cảnh người đó đã từng sống để thải hồi tất cả những vô cảm cô tâm của người đó. Xóa đi tất cả những ký ức vô cảm vô tâm của người xung quanh đã áp lên con người họ để trả lại cho người đó một trái tim bình thường biết rung cảm trước nỗi đau, nỗi khổ của đồng loại.

Thánh Giê-ra-đô mẫu gương của một trái tim biết thương cảm.

Chúng ta cùng nhìn lên Thánh Giê-ra-đô. Mẫu gương của một trái tim biết thương cảm. Trái ngược với người phú hộ giàu có, Thánh nhân là một người nghèo, nghèo tận căn. Chính vì thế, thánh nhân có cảm thức rất rõ ràng về đau khổ, nghèo đói, bệnh hoạn, tật nguyền. Và trong cái nghèo khổ, con tim của thánh nhân đã cảm nhận được thế nào là nỗi đau của người nghèo. Nên khi làm tu sĩ Dòng Chúa Cứu Thế thánh nhân đã cảm thấu rất rõ nỗi đau của những người cùng tận như mình.

Bài đọc thêm: Cội rễ sinh ra nhiều đau khổ.

Tại sao Thánh Giê-ra-đô lại có một trái tim biết thương cảm.

Xét về phương diện tâm linh, thánh nhân có được trái tim này là nhờ Thiên Chúa. Chính thánh nhân đã cảm nhận được tình thương của Thiên Chúa giành cho mình quá mức. Và chính tình thương của Thiên Chúa đã làm thay đổi con tim của thánh nhân. Biến thánh nhân trở thành một con người biết chạnh lòng thương trước những nỗi khổ đau của con người. Nhất là những con người nghèo khổ bất hạnh như thánh nhân.

Chúng ta được mời gọi nhìn lên thánh nhân để thấy được lòng  từ bi xót thương của Thiên Chúa giành cho Ngài.  Nhìn lên thánh nhân để thấy được Ngài đáp trả lòng thương xót của Thiên Chúa cách cụ thể như thế nào. Để rồi chúng ta xin Chúa Giê-su trong thánh lễ này chạm đến trái tim cõi lòng chúng ta.

Cầu nguyện:

Xin Chúa tước đi những thứ vô tâm, vô cảm, vô tình mà nhân loại đang trồng vào trái tim của chúng con. Khiến chúng con cứ ngỡ rằng đó là của mình. Xin Chúa cho chúng con một trái tim mới. Một trái tim biết chạnh lòng thương, một trái tim biết run lên trước những đau khổ của người khác. Để chúng con sẵn sàng làm những điều tốt đẹp nhất cho những anh chị em đau khổ, thất vọng đang gặp những tình trạng bi đát. Mà Chúa đang muốn chúng con đến với họ để diễn tả lòng nhân từ thương xót của Thiên Chúa dành cho họ. Qua chính lòng nhân từ xót thương mà mỗi người chúng con dành cho họ. Amen!

Bài đọc thêm: Anh em hãy có lòng nhân từ

Maria Giang Duyên

Truyền thông Sinh viên Công giáo.

Bình luận