Hiệp thông cùng với Giáo Hội hoàn vũ, trong niềm vui hân hoan và tạ ơn Thiên Chúa trong ngày đại lễ kính hai Thánh Tông đồ Phê-rô và Phao-lô, hôm nay, thứ 3 sau Chúa Nhật XIII Thường Niên, Cha Linh hướng Gio-an Lưu Ngọc Quỳnh, CSsR đã chia sẻ cho anh chị em trong Nhà Tĩnh Tâm Giê-ra-đô với chủ đề “Tu như Phê-rô và Phao-lô.” Qua đó, Ngài mời gọi mỗi người chúng ta cố gắng học hỏi “hai cột trụ của Giáo Hội” với lòng tin kiên vững và xác tín hơn khi bước chân theo Thầy Giê-su. Nhờ đó, mỗi người chúng ta biết sống hết mình cho lí tưởng, chọn lựa cùng lòng tin của mình.
Đức Giê-su Ki-tô Ngài là ai đối với mỗi người?
Chúa Giê-su đến thế gian để hướng dẫn cho người ta biết về Thiên Chúa, biết về nước trời và biết về cùng đích của cuộc đời, đồng thời biết được con đường mà trở về với Thiên Chúa của mình. Để giúp cho con người đạt được điều đó, Ngài đã có những cách thức giúp cho họ có thể có thể kiên trì theo đuổi những điều mà Ngài đã nêu ra, nhờ đó, có thể đi cho hết con đường mà Ngài muốn họ phải đi. Có thể nói, một trong những cách thức mà Ngài muốn các môn đệ thời đó cũng như môn đệ của Ngài mọi thời và mọi lúc. Đó là phải trả lời cho được câu hỏi: “Đức Giê-su Ki-tô Ngài thật sự là ai đối với tôi”? Bởi vì, mỗi người chúng ta không thể đi theo một người mà chúng ta không biết người đó là ai cả, mỗi người không ai hi sinh cả cuộc đời tuổi trẻ của mình cho Đấng mà mình không biết, Đấng đó là ai thì chắc chắn mỗi người chúng ta đã biết rồi. Nhờ đó, mỗi người có thể sẵn sàng từ bỏ tất cả để theo Ngài, chính câu hỏi mà Ngài đặt ra cho các môn đệ mãi mãi là một…? rất phù hợp và cần thiết cho con người trong mọi thời đại khi mỗi người quyết định bước đi theo Đức Giê-su.
Đức Giê-su Ki-tô thực sự Ngài là ai đối với tôi? Ngài không phải là Thiên Chúa hằng sống hay không? Hay là một nhân vật trong quá khứ, của lịch sử. Ngài có phải là một Thiên Chúa hằng sống hay một Thiên Chúa đã chết? Ngài thật sự có phải là Thiên Chúa của tôi hay không? Hay chỉ là một khái niệm tôi tuyên xưng ngoài miệng hay một vài xác tín trong lòng tôi. Có thể nói, câu hỏi đó thật xứng đáng không phải cho chúng ta trả lời một lần nhưng là để mỗi người trả lời suốt cả cuộc đời mình. Trả lời mỗi khi chúng ta gặp những khó khăn, thử thách, chán nản hay khi sa vào con đường tội lỗi và nhiều khi chúng ta rời xa Chúa.
Bài đọc thêm: Lời mời gọi của Chúa
Ai đã trả lời câu hỏi Ngài là ai?
Như chúng ta thấy, hai con người đặc biệt đã trả lời câu hỏi cách tuyệt diệu đó là Thánh Phê-rô và Phao-lô. Với Thánh Phê-rô Ngài không chỉ tuyên xưng “Thầy là Đấng Ki-tô con Thiên Chúa hằng sống. (Mt 16,15). Nhưng chính trong cả cuộc đời Ngài đã lấy cả cái chết của Ngài để tuyên xưng Đức Giê-su Ki-tô là Chúa. Tại kinh thành Rô-ma giữa cơn bách đạo kinh hoàng xảy đến nên biết bao nhiêu tín hữu phải chạy trốn. Trước tình hình như thế! Thánh Phê-rô đã can đảm dám đối diện với rất nhiều mãnh lực tà thần cùng hiên ngang, tuyên xưng đức tin bằng cái chết của mình để có thể nên giống Thầy của mình hơn. Có lẽ, Phê-rô một con người luôn nghĩ mình bất xứng nên đã xin cho được đóng đinh ngược, không phải đóng đinh thuận chiều như Thầy của mình. Cho nên, khi đã tuyên xưng đức tin là dám sống, dám chết như Giê-su đã chết, đồng thời ý thức mình không được xứng đáng như Thầy Giê-su thì có lẽ hình phạt phải nặng hơn Thầy của mình. Chính vì thế, Thánh Phê-rô khi chết đã tự nguyện đóng đinh đầu xuống phía dưới còn hai chân lên trên. Qua đó, chúng ta thấy được đó là một cuộc tuyên xưng thật hào hùng và đầy xác tín về “Giê-su là Chúa” của Thánh Phê-rô.
Không thua kém “bạn vàng” là bao nhiêu, Phao-lô là một vị Tông đồ rất nhiệt thành đi bắt bớ các Ki tô hữu của Chúa Ki-tô nhưng sau khi đã được Đức Giê-su Ki-tô chạm đến, ông đã thay đổi và trở thành một con người hoàn toàn khác hơn trước đây rất nhiều. Từ đó, Phao-lô chẳng cần biết điều gì khác hơn ngoài niềm vui được biết Giê-su Ki-tô đang sống trong tôi, đang chịu thương khó và đang chịu Phục sinh nơi tôi. Có thể nói, cả cuộc đời thánh Phao-lô đã dấn thân rao giảng Tin mừng, bị bắt bớ, tù đày và hành hạ. Cuối cùng cũng giống như Thánh Phê-rô, Ngài đã đến thủ phủ La Mã để chấp nhận cái chết vì gươm cùng tử đạo tại kinh thành Rô-ma sau ba năm đối với vị Tông đồ cả của mình.
Phê-rô và Phao-lô tuyên xưng đức tin
Có thể nói, cả “hai cột trụ của Giáo Hội” đã tuyên xưng đức tin của mình bằng cả sinh mạng, bằng cả con người cuộc đời của mình và cuối cùng dám sống, dám chết cho lòng tin đến cùng. Hơn nữa, cái hay, cái quý của hai vị Tông đồ này thì nhiều lắm. Chúng ta có thể kín múc cùng học hỏi nơi các Ngài những viên ngọc quý để làm hành trang đi theo Chúa Giê-su Chúa của chúng ta. Hôm nay, chúng ta chỉ chiêm ngắm lòng nhiệt thành đi theo Chúa của hai vị mà thôi. Có lẽ, những người ta đi theo Chúa có rất nhiều cấp độ khác nhau: Có người đi theo Chúa chỉ vì phong trào khi thấy người khác đi tu thì mình cũng đi theo, có người đi tu vì người khác muốn mình đi chứ không phải mình muốn, có người vì hoàn cảnh thúc đẩy để đi tu mà thôi…Chính vì thế, khi vào sống trong đời tu họ cảm thấy không hạnh phúc trong ơn gọi mà mình đã chọn, họ tu cho xong kiếp làm người mà thôi. Còn“ hai cột trụ của chúng ta” thì lại khác, các ngài bước chân đi theo Chúa một cách minh bạch và xác tín. Thánh Phê-rô đã có lần hỏi Chúa: “Thưa Thầy! Chúng con bỏ mọi sự để theo Thầy thì chúng con được gì?”( Mc 10, 28 ). Phê-rô đã hỏi Thầy một cách minh bạch, dứt khoát và không lưỡng lự. Ngoài ra, khi nghe Thầy tiên báo sẽ bị giết chết thì Phê-rô liền can ngăn Thầy liền. Qua đó, chúng ta thấy con người thánh nhân rất nhiệt thành yêu mến Chúa, Thầy nói cái gì là ứng đáp ngay không lưỡng lự và chậm trễ. Còn thánh Phao-lô cũng vậy, nhiệt thành đến mức ngược đãi Hội Thánh của Chúa, khi bị ngã ngựa trên đường tới Đa Mát Ngài vẫn chỗi dậy rồi hỏi: “Ngài là ai? Tôi phải làm gì?”. Có thể nói, cuộc đời thánh Phao-lô luôn luôn ứng đáp những lời mời gọi của Chúa Giê-su, để sống hết mình cho lí tưởng ơn gọi,cho lòng tin cùng những chọn lựa riêng của mình chứ không sống hời hợt với lối sống nửa vời cho qua kiếp người. Qua lòng tin đó, đòi hỏi mỗi người nên bắt chước lòng tin của thánh nhân để sống cho trọn vẹn lí tưởng của mỗi người khi đi bước chân đi tu như Thánh Phê-rô và Phao-lô.
Bài đọc thêm: “Mẹ ở nhà, con đi làm Thánh”
Cầu nguyện:
Nguyện xin Thánh Phê-rô và Phao-lô khẩn cầu cùng Chúa Giê-su cho mỗi người chúng con, cho những người bước theo Chúa biết sống hết mình cho lí tưởng, cho chọn lựa và lòng tin của mình, đừng sống hời hợt, dửng dưng… Nhờ đó, mỗi người cảm nhận được những giây phút hạnh phúc trong cuộc đời làm môn đệ của Chúa. Nhờ đó, chúng con có thể trở nên những ngọn hải đăng chiếu tỏa lòng tin của mình vào giữa thế giới tăm tối, mịt mù mà nhiều người chưa biết đi về đâu, nhất là trong thế hệ trẻ của thời đại hôm nay.
Xin Chúa Giê-su, Đấng đã kêu mời và tuyển chọn Thánh Phê-rô và Phao-lô đồng thời làm cho các ngài trở thành những cột trụ của lòng tin. Xin cũng thương ban cho chúng con có một lòng tin vững mạnh như các ngài.Nhờ đó, mỗi người chúng con cũng trở thành những cột trụ của lòng tin cho con người thời nay. Để ngang qua chúng con, lòng tin của mọi người vào Thiên Chúa được thực hành một cách rõ ràng, sống động và xác quyết hơn trong chính đời sống thường ngày của mỗi người, với tất cả những biến cố xảy đến cho chúng con. Amen
Truyền Thông sinh viên Công Giáo
Anna Bảo Minh