Dưới thời Justinian, việc người Samaria bị những người đồng hương Do Thái xem thường, áp bức đã không còn là hình ảnh xa lạ. Và “Áp bức bất công” chính là thói thế gian được đề cập đến trong chủ đề: “Sáu thói thế gian” của Đức Tổng Giuse nhắc đến trong dịp tĩnh tâm sinh viên công giáo Anphongsô Thái Hà trong mùa chay 2023 này.
Thói áp bức bất công!
Không chỉ hình ảnh người Samaria, mà trong Kinh Thánh còn đề cập đến rất nhiều hình ảnh khác như là tình trạng áp bức dân Israel bên Ai Cập, Thiên Chúa cũng đã quan tâm đến việc này bằng cách thể hiện việc Người đưa dân Israel lên núi Sinai, tại nơi đây Người đã thiết lập nên nền tảng tự do, sống theo một trật tự công bằng xã hội. Thiên Chúa luôn muốn con người hướng đến là một xã hội công bằng, tự do, không lạm dụng quyền lực và trở nên hiệp nhất.
Trong bất kỳ môi trường nào, việc chia bè, kéo phái đều có thể xảy ra từ đấy sẽ dẫn đến bắt nạt, chèn ép và loại trừ một ai đó ra khỏi cộng đoàn. Việc nói xấu người khác cũng có thể đẩy người ta vào đường cùng. Thói áp bức bất công còn được thể hiện rõ hơn khi làm việc nhóm: có thành viên thì ngại tham gia công việc chung, tính hay ỷ lại cho các thành viên khác; trưởng nhóm thì cậy quyền áp đặt công việc lên thành viên; khi thành công thì tranh nhận về phần mình, thất bại thì đổi lỗi cho nhau.
Việc áp bức bất công, khiến cho người khác bị áp bức phải có những hành động không như mình mong muốn như phải tạo mối quan hệ thân thiết với giảng viên, với sếp bằng các phương tiện: tiền bạc, sự nịnh hót, sắc đẹp,.. để thoát khỏi cảnh áp bức. Đôi khi có những người chủ động tìm đến nhằm trục lợi về điểm số, tạo những cơ hội cho chính họ, và đôi khi là đổi lại cả tiền bạc. Thậm chí dù khá giả nhưng vẫn tìm mọi cách chiếm đoạt cơ hội của người khác như lấy đi học bổng của người nghèo vượt khó.
Phương pháp để tránh áp bức bất công!
Để tránh được thói thế gian là áp bức đến cùng, việc đầu tiên đối với một người kitô hữu là cầu nguyện và sám hối: sám hối ngay sau khi phạm tội, xét mình vào lúc cuối ngày và học cách chia sẻ về lỗi phạm của mình. Tiếp sau đó cần biến suy nghĩ thành hành động, học cách chân thành xin lỗi và bù đắp lỗi lầm mình bằng những việc tốt với những người xung quanh. Học hỏi về cách ứng xử và hậu quả của những tổn thương, biết kiểm soát cảm xúc và cân nhắc, xem xét, đặt mình vào hoàn cảnh người khác. Mỗi người cần học cách tha thứ cho chính mình để có thể thoát khỏi vòng luẩn quẩn của tội lỗi. Điều đặc biệt quan trọng là năng nhận bí tích hòa giải, tham dự Thánh lễ và quyết tâm không phạm lại tội.
Nguyện xin Thiên Chúa gìn giữ xã hội nơi Chúa tạo nên, để nơi đó có sự công bằng, sự tự do, không có sự áp bức và có sự hiệp nhất nơi Hội Thánh của Người. Amen.
Truyền thông sinh viên Công Giáo