Icon Collap
...
Trang chủ / Nút thắt của sự tha thứ

Nút thắt của sự tha thứ

Khi ấy, Phêrô đến thưa cùng Chúa Giêsu rằng: “Lạy Thầy, khi anh em xúc phạm đến con, con phải tha thứ cho họ mấy lần? Có phải đến bảy lần không?” Chúa Giêsu đáp: “Ta không bảo con phải tha đến bảy lần, nhưng đến bảy mươi lần bảy. Về vấn đề này, thì Nước Trời cũng giống như ông vua kia muốn tính sổ với các đầy tớ. Trước hết, người ta dẫn đến vua một người mắc nợ mười ngàn nén bạc. Người này không có gì trả, nên chủ ra lệnh bán y, vợ con và tất cả tài sản của y để trả hết nợ. Người đầy tớ liền sấp mình dưới chân chủ và van lơn rằng: “Xin vui lòng cho tôi khất một kỳ hạn và tôi sẽ trả cho ngài tất cả”. Người chủ động lòng thương, trả tự do và tha nợ cho y. Khi ra về, tên đầy tớ gặp một người bạn mắc nợ y một trăm bạc. Y tóm lấy, bóp cổ mà nói rằng: “Hãy trả nợ cho ta”. Bấy giờ người bạn sấp mình dưới chân và van lơn rằng: “Xin vui lòng cho tôi khất một kỳ hạn, tôi sẽ trả hết nợ cho anh”. Y không nghe, bắt người bạn tống giam vào ngục, cho đến khi trả nợ xong. Các bạn y chứng kiến cảnh tượng đó, rất khổ tâm, họ liền đi thuật với chủ tất cả câu truyện. Bấy giờ chủ đòi y đến và bảo rằng: “Tên đầy tớ độc ác kia, ta đã tha hết nợ cho ngươi, vì ngươi đã van xin ta; còn ngươi, sao ngươi không chịu thương bạn ngươi như ta đã thương ngươi?” Chủ nổi giận, trao y cho lý hình hành hạ, cho đến khi trả hết nợ. Vậy Cha Ta trên trời cũng xử với các con đúng như thế, nếu mỗi người trong các con không hết lòng tha thứ cho anh em mình”.

(Mt 18, 21-35)

“Hãy tha thứ để được Thiên Chúa thứ tha”  – đó là điều mà Chúa đã và đang mời gọi chúng ta sống nhưng điều đó không phải là dễ dàng gì. Vậy bởi đâu mà việc tha thứ lại khó đến như thế? Đâu là nguyên nhân khiến cho con người ta sống trong sự hận thù không thể tha thứ cho nhau? Qua bài Tin mừng của Thánh Matthew hôm nay, Chúa Giêsu không chỉ mời gọi mà còn đòi buộc chúng ta phải tha thứ người khác để được Thiên Chúa thứ tha. Chúa Giêsu đã đặt điều kiện: để được thiên Chúa tha thứ thì chúng ta cũng phải thứ tha cho người khác. Qua đó, chúng ta thấy được tầm ảnh hưởng và ý nghĩa của việc tha thứ trong cuộc đời chúng ta.

Trước hết, chúng ta thấy Chúa Giêsu đã làm cho chúng ta 3 điều để chúng ta sống sự tha thứ, đó là:

  • Điều thứ nhất: Chúa đã dạy chúng ta phải tha thứ cho người khác và Người dạy đi dạy lại cho chúng ta điều đó: “Ta không bảo con phải tha đến bảy lần, nhưng đến bảy mươi lần bảy”.
  • Điều thứ hai: Người đã làm gương cho chúng ta, biết bao nhiêu lần con người xúc phạm đến Thiên Chúa, biết bao nhiêu giao ước phải ký đi ký lại nhưng Thiên Chúa vẫn một mực thứ tha cho chúng ta. Biết bao lần chúng ta phạm tội, chúng ta đến tòa giải tội lần này đến lần khác nhưng Thiên Chúa vẫn sẵn sàng tha thứ cho chúng ta.
  • Điều thứ ba: Người đặt điều kiện phải tha thứ cho người khác thì Thiên Chúa mới tha thứ cho anh em: “Cha Ta trên trời cũng xử với các con đúng như thế, nếu mỗi người trong các con không hết lòng tha thứ cho anh em mình”.

tha thứ - sống tha thứ

Bài đọc thêm: Dinh tổng trấn Philato – nơi xét xử Đức Giêsu

Tha thứ đem lại ơn bình an cho chúng ta và người khác

Thiên Chúa đã dạy, đã làm gương và đã ra điều kiện để chúng ta tha thứ cho người khác bởi vì Thiên Chúa biết việc tha thứ này là điều cần thiết. Trước hết sự tha thứ đó sẽ đem lại bình an cho chính bản thân mình. Ai sống được sự tha thứ đó thì sẽ được bình an trước hết, còn ai không sống được sự tha thứ đó thì sẽ không đạt được bình an mà cái điều bất hạnh sẽ đến với mình trước hết. Chúa thấy rõ tầm quan trọng của việc tha thứ đó vì tha thứ thì người được hưởng đầu tiên là chính bản thân mình.

  • Tha thứ trước hết nó đem lại bình an cho nạn nhân, cho chính người đang cần phải tha thứ cho người khác.
  • Tha thứ là nhịp cầu để hàn gắn, nối kết tình thân giữa con người với nhau. Khi chúng ta không thể tha thứ, chúng ta không có cách nào để có thể làm hòa được với nhau. Phải tha thứ thì mới có thể hàn gắn nhịp cầu tình thân còn tha thứ cách gượng ép thì chúng ta không thể làm hòa được với người khác và chúng ta không thể mang lại hạnh phúc cho người khác.

Chính tha thứ đem lại bình an cho chúng ta, cho người khác và ngang qua người khác cho những người xung quanh. Không chỉ thế mà tha thứ còn đem lại cho Thiên Chúa vinh quang khi con người dám tha thứ cho nhau như Thiên Chúa tha thứ cho con người. Người ta sẽ tôn vinh Thiên Chúa qua việc chúng ta tha thứ cho nhau. Tha thứ là vậy. Tha thứ không chỉ là đem lại bình an cho bản thân, cho người khác mà còn đem lại bình an và hạnh phúc cho kẻ thù của mình bằng cách cụ thể trong cuộc sống của chúng ta.

Tha thứ là một điều không dễ

Thiên Chúa đã làm 3 việc để giúp chúng ta sống lòng tha thứ và Người cũng cho chúng ta thấy tha thứ không chỉ đem lại hạnh phúc cho chúng ta mà thôi mà còn đem đến cho bao người khác. Nhưng trong thực tế, việc tha thứ là điều khó khăn vô cùng. Riêng việc Chúa đưa ra điều kiện: “Tha thứ để được Thiên Chúa thứ tha” cho thấy để được tha thứ cho người khác là một điều khó khăn.

tha thứ - sống tha thứ

Điều kiện cần và đủ để có thể thực sự tha thứ cho người khác

Trong hành trình sa mạc này, việc cụ thể hóa sự tha thứ cho người khác qua sự hướng dẫn bởi lời Chúa vì Chúa đã dạy: “Cây nào mà Cha của Thầy, Đấng ngự trên trời, đã không trồng, thì sẽ bị nhổ đi”. Nếu chúng ta không đào, không nhổ thì chúng ta khó có thể tha thứ cho người khác. Chúng ta lấy đạo đức để tha thứ cho người khác thì chưa chắc chúng ta đã thực sự tha thứ được cho họ. Chúa dạy chúng ta phải tha thứ nhưng trước đó Người cũng dạy là chúng ta phải biết nhổ đi những gì mà Cha của Người không trồng. Những thứ của thế gian, thế tục đã nhồi nhét vào trong chúng ta khiến chúng ta trở thành nó. Chính vì thế nếu chúng ta không vứt bỏ nó thì chúng ta khó có thể tha thứ cho người khác.

Chúa thấy sự tha thứ là quan trọng và Người đã làm mọi cách để cho chúng ta tha thứ và được Thiên Chúa thứ tha. Liệu chúng ta có thể nắm được điều mà Chúa dạy bảo“Cây nào mà Cha của Thầy, Đấng ngự trên trời, đã không trồng, thì sẽ bị nhổ đi” hay không?. Nếu chúng ta sống được như những gì Người dạy, Người hướng dẫn thì chúng ta mới có thể tha thứ được cho người khác. Chính khi chúng ta biết nhổ những thứ đó tận gốc thì việc tha thứ mà Chúa dạy chúng ta thì tự khắc sẽ đến với chúng ta.

Bài đọc thêm: Khó thật

Cầu nguyện:

Xin Chúa Giêsu cho chúng con càng ngày càng yêu mến lời của Người, chúng con có thể khám phá ra được điều kỳ diệu của Lời Chúa để chúng con thực hành sống mỗi ngày. Xin cho Lời của Người trở thành Lời quyền năng, Lời chữa lành và giải thoát cho tất cả chúng con.

Cảm ơn Chúa Giêsu vì tất cả những gì Người đã làm cho chúng con để giải thoát, đưa chúng con ra khỏi lòng thù hận, trả lại cho chúng con sự tự do và qua đó chúng con được sống lòng nhân từ, sự tha thứ như chính Chúa đã mời gọi và làm gương cho chúng con. Amen

(Trích bài giảng cha Gioan Lưu Ngọc Quỳnh CSsr trong thánh lễ của Gia đình Tĩnh tâm Giê-ra-đô)

Maria Hoàng Thảo

Truyền thông sinh viên Công Giáo

 

Bình luận