Một trong năm mục tiêu hay năm hồ nước mát ở trong sa mạc nóng mà Thiên Chúa đã tiếp sức cho chúng ta để chúng ta có sức mạnh đi hết hành trình, đó chính là sự khổ chế. Nhưng để hiểu đúng, hiểu rõ và thực hành cho chuẩn thì chúng ta cần có những hiểu biết cơ bản nhất về mục tiêu này.
Khổ chế – Chay tịnh – Từ bỏ
Khổ chế, chay tịnh, hay từ bỏ đều là mang một ý nghĩa như nhau, chẳng hạn như khi chúng ta bước vào sa mạc đó chính là một cuộc từ bỏ. Khi chúng ta vứt hết thời gian, sức lức, mọi sự để sống trong sa mạc với Chúa đó cũng là một cuộc khổ chế, việc chúng ta đào thải ký ức để được chữa lành, đó là một cuộc từ bỏ.
Nhưng khổ chế mà chúng ta muốn nói cụ thể hơn ở đây đó là “khổ chế trong khổ chế”. Dĩ nhiên sa mạc là một khổ chế nhưng để cụ thể hóa những khổ chế và để chúng ta nắm rõ hơn về khổ chế, chay tịnh hay từ bỏ, chúng ta cần biết đó là một phần tất yếu trong cuộc sống tu đức của mọi tôn giáo chứ không phải riêng Kitô giáo của chúng ta.
Sự khổ chế, từ bỏ, buông bỏ được diễn tả qua những việc cụ thể rõ ràng như trong Kinh thánh đã từng nhắc đến việc bỏ con trai con gái, bỏ cha bỏ mẹ, bỏ ruộng vườn, bỏ mọi sự để đi theo Chúa, đi theo một Đấng không có chỗ tựa đầu, đây là cuộc khổ chế từ bỏ vĩ đại. Nhưng khổ chế trong sa mạc, khổ chế trong khổ chế là gì ? Để trả lời cho câu hỏi này, hôm nay chúng ta cùng nhau làm rõ hơn để rồi với mục tiêu thứ năm này chúng ta cố gắng để làm cho hành trình sa mạc ngày càng hoàn thiện hơn và đúng ý Thiên Chúa hơn.
Để từ đây bốn mục tiêu của Nhà Tĩnh Tâm Giê-ra-đô trở thành năm mục tiêu cầu nguyện khổ chế, chữa lành, biện phân và sứ vụ. Nếu chúng ta thực hiện được năm mục tiêu này, thì chắc chắn hành trình đi tiếp của chúng ta sẽ là một hành trình mở, một hành trình mang đầy hứa hẹn cho mỗi người chúng ta.
Bài đọc thêm: Hồ nước trong sa mạc (Phần 1)
Khổ chế trong sa mạc là gì ?
Vậy thì khổ chế trong sa mạc là gì vậy ? Trước hết chúng ta nghe được lời Chúa Giê-su trả lời những người Pharisêu khi họ thắc mắc : “Tại sao các môn đệ ông Gio-an và các môn đệ người Pharisêu ăn chay, mà môn đệ ông lại không ăn chay?” Đức Giê-su trả lời : “Chẳng lẽ khách dự tiệc cưới lại có thể ăn chay, khi chàng rể còn ở với họ ? Bao lâu chàng rể còn ở với họ, họ không thể ăn chay được. Nhưng khi tới ngày chàng rể bị đem đi rồi, bấy giờ họ mới ăn chay trong ngày đó.”(Mc 2,18-20)
Mục đích của sự khổ chế, chay tịnh
Như vậy mục đích của chay tịnh là đưa con người trở về với chàng rể Giê-su, để hướng con người quay trở về với mối tình thân với Thiên Chúa, đó mới là mục đích của chay tịnh, khổ chế. Chay tịnh khổ chế ở đây không giống như bên Phật giáo, chay tịnh khổ chế ở đây là giúp chúng ta vứt bỏ mọi sự, hướng toàn tâm để sống thân tình với Thiên Chúa là Cha của chúng ta, sống thân tình với Giê-su là chàng rể mà Cha ban tặng cho chúng ta, sống thân tình với Thần khí là tình yêu và sức mạnh mà Cha ban cho chúng ta. Khổ chế là như vậy.
Khổ chế cá nhân
Khổ chế trong cầu nguyện
Trong hành trình sa mạc, khi cầu nguyện chúng ta thấy vất vả, khô khan, nguội lạnh, chúng ta mệt mỏi, căng thẳng và chúng ta muốn bỏ cuộc, nhưng dứt khoát vì lòng mến đối với Chúa Giê-su, với Chúa Cha và Chúa Thánh Linh, chúng ta cương quyết chiến đấu với sự mệt mỏi, căng thẳng, chán nản, tối tăm trong tâm trí để chúng ta kiên trì nài nỉ, năn nỉ, để ở lại với Chúa Giê-su với Chúa Cha và với Chúa Thánh Thần. Điều đó chính là khổ chế.
Không phải khi chúng ta cầu nguyện sốt sáng dạt dào, chúng ta lòng mến tràn trề, hay khi chúng ta tiếp xúc với Thiên Chúa một cách dễ dàng, điều đó không phải là khổ chế. Khổ chế là khi Thiên Chúa tước đoạt tất cả, lòng tin, lòng cậy, lòng mến của chúng ta làm cho chúng ta trở nên khô khan, chai cứng, chai lì không thể cầu nguyện được, rất khó cầu nguyện nhưng chúng ta vẫn kiên tâm, kiên định để ở lại trước Nhan Thánh Chúa, đó là khổ chế.
Khổ chế trong sự chữa lành
Khi chúng ta bước vào hành trình chữa lành để đào thải chúng ta cảm thấy mệt mỏi, đau đớn, quằn quại và nghẹt thở, nhưng chúng ta không bỏ cuộc. Hay khi chúng ta thấy mình như bị rã rời, tan tác, thấy mình bị phanh phui, thấy con người mình như bị nổ tung ra, khi đó chúng ta vẫn kiên định để cho Chúa giải phẫu, Chúa chữa trị, chúng ta cứ quyết tâm từng bước, từng ngày để thực hiện cuộc giải thoát và chữa trị đó trong tất cả những gì mà chúng ta có được, đó cũng chính là khổ chế.
Khổ chế trong biện phân ơn gọi
Khi chúng ta biện phân ơn gọi chúng ta cảm thấy tăm tối mù mịt, cảm thấy mơ hồ, nhưng chúng ta không bỏ cuộc, chúng ta cứ bám chặt lấy Chúa, trong cái mơ hồ, trong cái đêm dày sa mạc đó, rồi chắc chắn Chúa sẽ cho chúng ta thấy được tia sáng, đó là cũng là khổ chế.
Khổ chế trong sứ vụ
Rồi khi chúng ta thực thi sứ vụ loan báo Tin mừng, chữa lành bệnh tật, qua các hội đoàn, qua các phương tiện truyền thông đại chúng, chúng ta gặp những những chống đối, những bực bội, gặp phải những bất đồng quan điểm, những khó khăn thử thách, những đòi hỏi của trí tuệ,của khả năng, của sáng tạo nhưng chúng ta không bỏ cuộc. Chúng ta kiên tâm đi đến cùng để thi hành sứ vụ mà Chúa trao phó, đó gọi là khổ chế.
Khổ chế trong đời sống chung
Chúng ta thấy khổ chế bao trọn bốn mục tiêu của hành trình sa mạc, nhưng khổ chế mà hôm nay Cha muốn nói rõ hơn đó là khổ chế trong đời sống chung của cộng đoàn chúng ta đó là một cuộc tử đạo đẫm máu liên lỉ mà chúng ta phải làm. Chẳng hạn khi chúng ta được bầu làm Chị Hai, Anh Phó hay Quản Lý, chúng ta phải bỏ đi ba tháng trời để mà phục vụ anh chị em đồng loại trong khi bao nhiêu nhu cầu bao nhiêu đòi buộc nơi chúng ta cũng rất cần thiết.
Nhưng chúng ta sẵn sàng đón nhận trong vui tươi, bình an, trong vâng phục thánh ý của Thiên Chúa và không ai làm thay cho ai cả. Trong ngôi nhà chung này là nơi để chúng ta diễn tả sự hi sinh, từ bỏ, và khổ chế. Chúng ta được trao trách nhiệm nào, phận vụ nào chúng ta hãy làm tròn phận vụ đó vì lòng yêu mến, đó là khổ chế.
Và khi chúng ta được trao cho nhiệm vụ trong một ban nghành, một mình chúng ta hoàn tất nhiệm vụ đó trong vui vẻ, dĩ nhiên chúng ta phải hi sinh thời gian, sức lực, tâm huyết thì nhiệm vụ Chúa trao cho chúng ta mới được hoàn thành, đó là khổ chế. Trong đời sống chung khi gặp những chị em khó tính, khó nết, khi gặp những xung đột, gặp những chị em có trong mình những căn bệnh nặng nề, mà cả nhà phải lo lắng, chăm sóc, phải quan tâm, hi sinh, phải dõi bước, theo đó là khổ chế.
Khổ chế là vậy, khổ chế là hi sinh, là từ bỏ những cái rất chính đáng của mình, để làm công việc mà Chúa trao phó cho mình. Rồi khổ chế trong đời sống chung, đó là việc chúng ta có thể nhẫn nhịn chịu đựng lẫn nhau khi có những xung đột trong đời sống chung liên quan đến phòng ốc, thức ăn, liên quan đến những vấn đề khác, mà người khác làm cho chúng ta không bằng lòng không vừa ý, nhưng chúng ta đón nhận, tất cả vì lòng yêu mến Chúa, đó chính là khổ chế.
Khổ chế xác thịt
Khổ chế là khi chúng ta hãm dẹp xác thịt và không dung dưỡng xác thịt. Chúng ta đừng để cho xác thịt của chúng ta trở nên nặng nề, nhưng hãy bắt xác thịt của chúng ta phải lao động phải làm việc, phải thể thao, không để cho nó nghỉ ngơi thư giãn một cách quá mức để rồi phát sinh ra tội.
Khổ chế nơi thân xác đó là khi chúng ta biết kiểm soát những chuyện ăn uống, tắm giặt, vệ sinh của chúng ta: Làm sao để chúng ta ăn uống điều độ, không ăn uống thái quá, làm sao chúng ta giữ được điện, giữ được nước đừng bao giờ nghĩ là của chùa nên không quan trọng; làm sao chúng ta biết tiết kiệm từng thời giờ, từng giọt nước, từng miếng ăn, để cho đời sống của cộng đoàn được yên ổn, chắc chắn .
Khổ chế phần linh hồn
Khổ chế về phần hồn là bắt linh hồn tuân phục Thiên Chúa, buộc linh hồn phải lắng nghe lời Chúa, buộc linh hồn phải hướng lòng về Chúa. Đặc biệt trong thánh lễ, trong những giờ phục vụ thánh, chúng ta không để cho linh hồn chúng ta đi giông, nhưng để cho linh hồn đó được bừng tỉnh trong ý thức để hướng về những việc chúng ta làm.
Khổ chế trong trái tim, cõi lòng nghĩa là chúng ta biết làm chủ tình cảm, cảm xúc của chúng ta, để chúng ta mang những niềm vui hạnh phúc cho người khác đừng để thỏa mãn cảm xúc của mình mà làm cho người khác phải đau khổ, chán nản, mệt mỏi.
Khổ chế trong tâm trí nghĩa là có khả năng quản chế tư tưởng, những suy nghĩ được xuất hiện trong đầu đừng để cho đầu nó đi giông đi hoang nhưng cái đầu luôn luôn biết làm việc, làm việc liên tục không để cho vô thức khống chế điều khiển, và đó cũng chính là khổ chế về mặt trí tuệ.
Khổ chế trong ý chí nghĩ là chúng ta có bài tập cụ thể, có thời gian cụ thể và chúng ta quyết tâm trung thành thực hiện đúng những thời khắc cụ thể mà chúng ta đã ấn định. Để rồi tính nhát đảm, tính lười biếng, tính sợ sệt nó sẽ nhường chỗ cho sự can đảm sự vững mạnh sự siêng năng nơi chúng ta. Nhờ đó, ý chí của chúng ta được trưởng thành không ngại khó, không ngại khổ, để cái gì khó cái gì khổ thì chúng ta xông vào chúng ta làm.
Bài đọc thêm: Sa mạc trong sa mạc
Những sự khổ chế, chay tịnh đó nhắm tới một mục đích duy nhất là làm cho chúng ta thêm lòng yêu mến Thiên Chúa, Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần. Khổ chế, chay tịnh làm cho chúng ta đi vào cuộc khổ nạn, thương khó của Chúa Giê-su cách dễ dàng hơn và chúng ta dễ chạm đến mầu nhiệm Phục sinh của Ngài một cách rõ ràng hơn.
Và khổ chế như vậy thì mầu nhiệm Chúa Giê-su chết đi và sống lại sẽ được Chúa cử hành mỗi ngày trong đời chúng ta và rồi con người cũ của chúng ta được thay bằng con người mới , bầu da cũ của chúng ta được thay bằng bầu da mới, tấm áo cũ của chúng ta được thay bằng tấm áo mới để rồi rượu mới là rượu của Thần Khí, niềm vui của hân hoan, rượu mới là niềm vui của Đấng Phục sinh đầy lòng nhân ái, yêu thương sẵn sàng hi sinh, hiến tặng để cứu giúp con người.
Con người mới chính là tình yêu của Chúa Cha chan hòa nơi mỗi người chúng ta, được đổ vào đầy bầu da mới, cái áo mới của chúng ta và khi có được bầu da mới, rượu mới, áo mới chỉ khi đó con người chúng ta mới đạt tới một sự giải thoát, sự chữa lành, đạt tới ơn cứu độ mà chính Chúa ban tặng cho chúng ta.
Cầu nguyện:
Lạy Chúa Giê-su ! Khi xưa Chúa đã sống chay tịnh, khổ chế và cầu nguyện liên lỉ để kết hợp mật thiết với Chúa Cha và Thần khí trong suốt cuộc đời rao giảng của Chúa. Xin cho chúng con cũng biết sống khổ chế, chay tịnh và cầu nguyện để trở về sống thân tình với Chúa Cha, với Chúa Thánh Thần và với chính Ngài là chàng rể Giê-su. Amen !
Bài giảng tĩnh tâm Cha Gioan Lưu Ngọc Quỳnh CSsR
Maria Nguyễn Hường
Truyền thông Sinh viên Công giáo